Hơn 600.000 khẩu AK-203 của Nga sắp 'ra lò' ở Ấn Độ
Tập đoàn sản xuất vũ khí nổi tiếng của Nga Kalashnikov cho biết Moscow và New Delhi đã ký một loạt thỏa thuận thương mại và vũ khí, trong đó có thỏa thuận Ấn Độ sẽ sản xuất hơn 600.000 khẩu súng trường tấn công AK-203.
Thỏa thuận được ký kết trong buổi hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 6-12. Ông Putin cùng các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Nga đã có chuyến thăm Ấn Độ nhằm củng cố quan hệ song phương bằng một hiệp ước hợp tác kỹ thuật và quân sự cho đến năm 2031 và cam kết thúc đẩy thương mại hàng năm lên 30 tỉ USD vào năm 2025.
Tổng thống Putin thăm Ấn Độ giữa lúc quan hệ giữa Moscow và Washington đang xấu đi. Vì là đồng minh của Mỹ, Ấn Độ đã bày tỏ sự dè dặt về việc gia tăng hợp tác quân sự với Nga.
Một tuyên bố chung được công bố sau cuộc hội đàm cho biết Nga và Ấn Độ đã "nhắc lại ý định tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm cả việc cùng phát triển sản xuất thiết bị quân sự".
Bên cạnh thương vụ cho Ấn Độ sản xuất súng trường tấn công AK-203, Nga cho biết họ quan tâm đến việc tiếp tục cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho New Delhi.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết hai nước đã ký 28 hiệp định đầu tư, bao gồm các thỏa thuận về thép, đóng tàu, than và năng lượng. Ông Vardhan Shringla nói thêm rằng hợp đồng ký kết năm 2018 về chuyển giao các hệ thống tên lửa S-400 hiện đang được thực hiện. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ nói với Reuters: "Việc chuyển giao đã bắt đầu trong tháng này và sẽ tiếp tục diễn ra".
Việc Ấn Độ ký thỏa thuận với Nga có thể khiến New Delhi bị Mỹ trừng phạt theo đạo luật do nước này công bố hồi năm 2017 nhằm ngăn cản các nước mua khí tài quân sự của Nga. Nga từ lâu đã là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Ấn Độ, vốn đang tìm cách hiện đại hóa các lực lượng vũ trang.
Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Putin kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Geneva, Thụy Sĩ.
Ông Putin đã bỏ qua cả Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) trong năm nay.
Ông Nandan Unnikrishnan, thành viên của tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation ở New Delhi (Ấn Độ), nhận định: "Chuyến viếng thăm mang tính biểu tượng cao. Đã có rất nhiều suy đoán về bản chất của mối quan hệ Ấn Độ - Nga và liệu có rạn nứt hay không vì sự thân thiết của Nga với Trung Quốc và Ấn Độ với Mỹ, nhưng chuyến thăm này khiến tất cả những điều đó tạm khép lại".