Hơn 740.000 người cao tuổi ở Hàn Quốc sống một mình, mong nhìn thấy con khi về già
Hơn 740.000 người cao tuổi ở Hàn Quốc đang phải sống một cuộc sống cô đơn, có khi đến lúc qua đời cũng không một ai hay biết.
Ngày càng nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc phải sống một mình
Hàn Quốc là quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn thứ 12 trên thế giới nhưng đằng sau đó là những hệ lụy đau lòng. Trong một cuộc khảo sát kinh tế năm 2016 của OECD, khoảng 1/4 người Hàn Quốc đang sống một mình, tư tưởng con cái chăm sóc cha mẹ đang mai một dần. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến việc những người trẻ ra thành phố làm việc, kết hôn và sinh con, trong khi cha mẹ họ phải sống cô đơn một mình.
Ở Hàn Quốc, hiện có hơn 740.000 người cao tuổi sống một mình. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Bộ phúc lợi cho thấy con số này tăng thêm 50.000 mỗi năm. Năm 2017, người trên 65 tuổi chiếm hơn 14% dân số. Trong cùng năm đó, số người trong độ tuổi 15 – 64 đã giảm 116.000 người. Năm 2018, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đạt mức thấp nhất mọi thời đại là 357.771 người.
Đối với những người cao tuổi, họ dành phần lớn thời gian ở trong nhà. Tất cả những gì họ muốn là nhìn thấy hoặc thậm chí chỉ nghe thấy giọng nói của con cái họ một lần. Đây là niềm hy vọng và ước mơ của họ.
Ko Myung-hee, quản lý tại trung tâm chăm sóc người cao niên cao cấp (52 tuổi, Hàn Quốc) đặt một túi đựng đầy rau tươi hái trong vườn và hai chai nước gạo ngọt lên xe rồi nổ máy. Bà mang theo những thứ đó vì không muốn tay không đến thăm những người già đơn côi.
Về phần mình, Ko từng sống với hai đứa con trai đang học đại học nhưng hai năm trước, bà đã chuyển đến sống cùng người mẹ 92 tuổi. Bà Ko tâm sự: “Tôi không muốn gửi mẹ tôi vào viện dưỡng lão. Tôi muốn làm gương cho các con tôi. Khi tôi già đi, tôi chỉ mong các con quan tâm tôi như cách tôi đang làm với mẹ mình”.
Bà Ko lái xe qua cánh đồng lúa đến Papyeong-myeon, một thị trấn có ít hơn 4.000 người cách biên giới Bắc Triều Tiên khoảng 20km.
Những mảnh đời cô độc
Cụ Lee Doo-nam đã 83 tuổi và chưa có con. Ngôi nhà sập sệ của cụ nằm ngoài con đường chính của thị trấn bao gồm một căn phòng với bếp than và không gian sống hẹp với sàn xi măng nứt nẻ nối nhà bếp, phòng tắm. Bạn đồng hành duy nhất của Lee là chú chó cưng. Cụ chia sẻ đôi khi cụ muốn phát điên vì sự trống rỗng, cô đơn.
Cụ Choi Jin-gu, 82 tuổi, sống cách cụ Lee khoảng 15 phút đi đường. Cụ sống trong căn nhà với những bức tường và trần nhà phủ giấy bị xé rách. Nhiều chiếc hộp và quần áo nằm rải rác trong phòng khách và nhà bếp. Cụ mặc một chiếc áo phông nhăn nheo, nhuộm màu và bộ râu trắng lòa xòa đã từ lâu không cắt. Vợ của cụ Choi đã chết cách đây 30 năm. Cụ sống một mình kể từ đó: “Tôi không biết mình sẽ chết lúc nào, vì vậy tôi không muốn chăm sóc ngôi nhà của mình hay lên kế hoạch cho ngày mai. Các con tôi không gọi cho tôi nữa, tôi thậm chí không biết con gái mình sống ở đâu”.
Sau khi làm công nhân lao động từ năm 15 tuổi, cụ Choi đã mua đất ở Paju. Tuy nhiên, cụ đã bán mảnh đất đó để cho các con ăn học và xây dựng gia đình. “Tôi không trách các con tôi không đến gặp tôi, vì bây giờ tôi không có tiền. Chúng quá bận rộn với gia đình riêng của chúng”.
Cụ Lee, một cựu họa sĩ đã đến Seoul hơn 50 năm trước cũng cho hay: "Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho 3 đứa con của mình. Chúng quá bận rộn để chăm sóc con cái. Tôi không muốn bất kỳ sự hỗ trợ nào từ họ".
Cụ đã thuê trọ tại một khu nhà thưa thớt người ở. Chỗ cụ Lee sinh hoạt vẻn vẹn gồm có một tấm nệm, tủ lạnh, một chiếc quạt và tủ quần áo, nhà vệ sinh và phòng tắm dùng chung với những căn hộ cùng tầng khác. Giá thuê phòng bằng 1/3 lương hưu hàng tháng của cụ.
"Thật là khó chịu và thiếu thốn nhưng tôi phải quen với cuộc sống này. Mọi người ở đây đều trong hoàn cảnh tương tự như tôi", cụ Lee cho hay.
Những người già Hàn Quốc không chỉ phải đối mặt với một loạt vấn đề về kinh tế, sức khỏe suy giảm mà họ còn mắc căn bệnh trầm cảm trầm trọng khiến nhiều người lựa chọn cách tiêu cực nhất để giải thoát khỏi cuộc sống, không muốn là gánh nặng cho con cái, xã hội. Hàn Quốc là nước có tỷ lệ người tự tử cao thứ 10 trên thế giới, phần lớn lại là những người cao tuổi.
Lee Ho-sun, giáo sư nghiên cứu phúc lợi tại Đại học Cyber Soongshil Hàn Quốc đề nghị các bậc cha mẹ nên từ bỏ quan niệm cũ của người Hàn: trao mọi thứ cho con cái vì tài sản là thứ chúng ta vẫn phải tiếp tục đầu tư khi về già.