Hơn 800 giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM được tập huấn nâng cao hiệu quả dạy học
Để từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, hơn 800 giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học và THCS tại TP.HCM đã được tập huấn nâng cao hiệu quả dạy học.
Sáng 12-4, Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD&ĐT TP.HCM) phối hợp với DOL English tổ chức chương trình tập huấn "Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh bằng tư duy Linearthinking".

Chị Hà Đặng Như Quỳnh, Nghiên cứu sinh tiến sĩ Giáo dục học, Đại học Reading, Anh Quốc chia sẻ với giáo viên tại buổi tập huấn. Ảnh: BTC
Chị Hà Đặng Như Quỳnh, nghiên cứu sinh tiến sĩ Giáo dục học, Đại học Reading, Anh Quốc, cho biết cách học trước đây, thầy cô giới thiệu từ vựng, học sinh chỉ biết ghi nhớ kiến thức, ít có cơ hội mở rộng.
Bây giờ, các em có nhiều kênh để tiếp cận với bộ môn này. Điều này giúp các em tiếp xúc được nhiều nguồn thông tin đa dạng, đồng nghĩa các em phải “bơi” trong lượng kiến thức khổng lồ, đòi hỏi phải bắt chọn lọc, nắm bắt.
Mặt khác, hiện có rất nhiều kỳ thi. Mỗi kỳ thi có format bài đọc và câu hỏi khác nhau gây khó khăn cho người học. Do đó, để thi tốt, mọi người “đua” luyện thi để có các chứng chỉ ngoại ngữ, áp lực đang đè nặng lên học sinh, tạo ra gánh nặng tài chính cho phụ huynh, áp lực cho cả đội ngũ thầy, cô giáo.
Trước thực tế trên, bà Như Quỳnh cho rằng để việc học trở nên hiệu quả, giáo viên tiếng Anh cần giúp học sinh hiểu bản chất của ngôn ngữ, phải sử dụng đồng thời cả kỹ năng nghe - nói - đọc - viết để giao tiếp hiệu quả.

Buổi tập huấn sáng nay thu hút hơn 800 giáo viên tiếng Anh tham dự. Ảnh: BTC
Phương pháp Linearthinking sẽ giúp học sinh tiểu học, THCS học tiếng Anh theo hướng logic hiệu quả, ít bị phụ thuộc vào việc học thuộc lòng. Đồng thời, hướng dẫn các em xây dựng các kiểu tư duy như: Tư duy hệ thống, tư duy đơn giản hóa, tư duy kết nối và tư duy cụ thể hóa.
Với Linearthinking, học sinh sẽ biết cách liên kết từ vựng và ngữ pháp thành hệ thống, từ đó nâng cao khả năng xử lý thông tin khi nghe, đọc, nói và viết.
Chị Như Quỳnh cho biết đối với lớp học đông như TP.HCM, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của việc dạy và học tiếng Anh. Nó gây khó khăn lớn cho việc luyện kỹ năng nói và viết – những kỹ năng cần được sửa sai và phản hồi cá nhân. Giáo viên tiếng Anh khó có thể theo dõi sát tiến trình học của từng em và các em cũng ít có cơ hội được luyện tập giao tiếp thực tế.
“Vì vậy, điều quan trọng là cần xây dựng cho học sinh khả năng tự học và tự điều chỉnh. Thay vì chỉ dạy kiến thức, giáo viên tiếng Anh nên tập trung rèn luyện tư duy học tập, giúp học sinh biết cách tư duy, tra cứu, ghi nhớ và áp dụng kiến thức một cách chủ động” - Chị Như Quỳnh nêu.
Một vấn đề được giáo viên nêu ra tại hội nghị là trẻ em nên học tiếng Anh bao nhiêu tiếng mỗi ngày?. Theo chị Như Quỳnh, thời lượng học nên phù hợp với độ tuổi và tâm lý của trẻ.
“Với học sinh tiểu học, tôi cho rằng không nên ngồi học quá 2 tiếng mỗi ngày. Quan trọng hơn cả là tạo cơ hội cho các em tiếp xúc tiếng Anh một cách tự nhiên thông qua trò chơi, hoạt động hàng ngày, hoặc xem video phù hợp. Đối với học sinh cấp 2, có thể nâng thời lượng học lên một chút nhưng tuyệt đối tránh tình trạng học nhồi nhét” - bà Quỳnh nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học có lợi thế riêng. Việc các em là “trang giấy trắng” là một lợi thế rất lớn. Khi chưa bị ảnh hưởng bởi những thói quen học sai hoặc học mẹo, các em có thể được hướng dẫn từ đầu theo một phương pháp bài bản, khoa học và đúng đắn. Tương tự, thay vì học từ vựng theo kiểu liệt kê ngẫu nhiên, các em có thể được hướng dẫn tư duy hệ thống hóa từ vựng ngay từ đầu để việc ghi nhớ trở nên logic và bền vững hơn.
Do đó, khi dạy học sinh tiểu học, giáo viên tiếng Anh lưu ý việc thiết kế bài học cần được đơn giản hóa về mặt ngôn ngữ và tư duy, đồng thời tạo hứng thú bằng cách lồng ghép trò chơi, hình ảnh sinh động hoặc hoạt động tương tác cao để các em dễ tiếp thu và không cảm thấy học tiếng Anh là một gánh nặng.
Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai
Chương trình tập huấn nhằm góp phần thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Buổi tập huấn là dịp để giáo viên tiếng Anh cùng nhau ngồi lại, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, tận dụng những nguồn lực và nắm bắt cơ hội để giúp trẻ mẫu giáo và các em học sinh phổ thông của TP.HCM học và áp dụng tiếng Anh thật hiệu quả.