Hơn 800 triệu cây xanh bị đốn hạ vì cơn khát thịt bò của thế giới

Cuộc điều tra có sự tham gia của Guardian cho thấy rừng bị thu hẹp một cách có hệ thống và ở quy mô lớn liên quan đến chăn nuôi gia súc ở Brazil.

Theo một cuộc điều tra mới được công bố, hơn 800 triệu cây xanh đã bị đốn hạ trong rừng nhiệt đới Amazon chỉ trong 6 năm để phục vụ nhu cầu thịt bò Brazil của thế giới, bất chấp những cảnh báo nghiêm trọng về tầm quan trọng của rừng trong việc chống lại khủng hoảng khí hậu, Guardian đưa tin hôm 2/6.

Cuộc điều tra dựa trên dữ liệu do Cơ quan Báo chí Điều tra (TBIJ), Guardian, Repórter Brasil và Forbidden Stories thực hiện, cho thấy tình trạng mất rừng trên diện rộng và có hệ thống liên quan đến chăn nuôi gia súc.

Những con số gây sốc

Ngành công nghiệp thịt bò ở Brazil luôn cam kết ngăn chặn các trang trại liên quan đến nạn phá rừng. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy 1,7 triệu ha của rừng Amazon đã bị phá hủy gần các nhà máy thịt xuất khẩu thịt bò ra khắp thế giới.

 Gia súc tại một trang trại ở bang Pará của Brazil. Chăn nuôi gia súc là nguyên nhân hàng đầu của nạn phá rừng trên khắp Brazil. Ảnh: Bloomberg.

Gia súc tại một trang trại ở bang Pará của Brazil. Chăn nuôi gia súc là nguyên nhân hàng đầu của nạn phá rừng trên khắp Brazil. Ảnh: Bloomberg.

Cuộc điều tra là một phần của dự án Forbidden Stories’ Bruno and Dom. Cuộc điều tra này tiếp tục công việc bị gián đoạn của Bruno Pereira, một chuyên gia về người bản địa, và Dom Phillips, nhà báo từng là cộng tác viên lâu năm của tờ Guardian. Hai nhân vật này đã bị giết ở Amazon năm 2022.

Nạn phá rừng trên khắp Brazil đã tăng vọt từ năm 2019 đến năm 2022 dưới thời Tổng thống lúc bấy giờ là Jair Bolsonaro, trong đó hoạt động chăn nuôi gia súc là nguyên nhân số một. Chính quyền mới của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã cam kết sẽ xử lý rốt ráo tình trạng này.

Các nhà nghiên cứu tại công ty tư vấn AidEnvironment đã sử dụng hình ảnh vệ tinh, hồ sơ di chuyển vật nuôi và các dữ liệu khác để tính toán thiệt hại rừng trong 6 năm, từ năm 2017 đến năm 2022 trên hàng nghìn trang trại gần hơn 20 lò mổ. Tất cả nhà máy thịt đều thuộc sở hữu của ba nhà khai thác và xuất khẩu thịt bò lớn của Brazil - JBS, Marfrig và Minerva.

Để tìm ra những trang trại có nhiều khả năng cung cấp cho lò mổ, các nhà nghiên cứu đã xem xét “vùng mua sắm”; các khu vực dựa trên kết nối giao thông và nhiều yếu tố khác, bao gồm xác minh bằng cách phỏng vấn các đại diện của nhà máy. Tất cả nhà máy thịt đều xuất khẩu rộng rãi, bao gồm tới cả EU, Anh và Trung Quốc, những nơi nhập khẩu thịt bò Brazil lớn nhất thế giới.

Nghiên cứu tập trung vào lò mổ ở các bang Mato Grosso, Pará và Rondônia - những ranh giới quan trọng của nạn phá rừng liên quan đến hoạt động chăn nuôi gia súc. Có khả năng con số tổng thể về nạn phá rừng ở các trang trại cung cấp cho JBS, Marfrig và Minerva, còn cao hơn, bởi các công ty này còn điều hành các nhà máy khác ở những nơi khác tại Amazon.

Rừng Amazon lâm nguy

Cả ba công ty đều cho biết họ vận hành các quy trình tuân thủ nghiêm ngặt, cởi mở và trung thực, để đảm bảo đạt được các mục tiêu bền vững.

 Rừng cháy ở Lábrea, bang Amazonas vào tháng 8/2020. Ảnh: Christian Braga/Greenpeace.

Rừng cháy ở Lábrea, bang Amazonas vào tháng 8/2020. Ảnh: Christian Braga/Greenpeace.

Nestlé và công ty thịt Tönnies của Đức - cung cấp cho Lidl và Aldi - nằm trong số những bên mua thịt từ các nhà máy được nêu trong nghiên cứu. Hàng chục bên mua sỉ ở các nước Liên minh châu Âu (EU) khác nhau, một số trong đó bán cho các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm phục vụ trường học và bệnh viện, cũng xuất hiện trong danh sách mua hàng.

Phản hồi với Guardian, Nestlé cho biết hai trong số các nhà đóng gói thịt hiện không thuộc chuỗi cung ứng của hãng này.

“Chúng tôi có thể xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ kinh doanh với các nhà cung cấp không sẵn lòng hoặc không thể giải quyết các lỗ hổng trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn của chúng tôi”, Nestlé nói thêm.

Trong khi đó, Tönnies phản hồi rằng các công ty Brazil được nêu trong nghiên cứu “xử lý hàng nghìn động vật mỗi năm để xuất khẩu” và “công ty không rõ liệu họ có phải là bên nhận các sản phẩm từ những nhà máy có liên quan đến nạn phá rừng hay không”. Lidl và Aldi nói rằng họ ngừng bán thịt bò Brazil lần lượt vào năm 2021 và 2022.

Một số loại thịt được vận chuyển đến EU có thể vi phạm luật mới được đưa ra để chống nạn phá rừng trong chuỗi cung ứng. Các quy định được thông qua vào tháng 4 xác định rằng các sản phẩm được đưa vào EU không được dính líu đến bất kỳ vụ phá rừng nào xảy ra sau tháng 12/2020.

Alex Wijeratna, giám đốc cấp cao của tổ chức vận động chính sách Mighty Earth, cho biết: “Amazon đang ở rất gần điểm tới hạn. Vì vậy, những số liệu này rất đáng báo động vì Amazon không thể để mất số lượng cây lớn tới mức đó… điều này sẽ tác động lớn đối với hành tinh”.

 Công nhân trong một lò mổ Marfrig. Ảnh: Ricardo Funari/Lineair/Greenpeace.

Công nhân trong một lò mổ Marfrig. Ảnh: Ricardo Funari/Lineair/Greenpeace.

Thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) Delara Burkhardt tuyên bố những phát hiện này đã củng cố sự cần thiết của biện pháp pháp lý lớn hơn trên toàn cầu để giải quyết nạn phá rừng. “Nạn phá rừng Amazon không chỉ là chuyện của Brazil. Đó cũng là vấn đề của những nơi khác trên thế giới, như EU, Anh hay Trung Quốc - nơi hoạt động nhập khẩu có liên quan tới vấn đề của rừng Amazon. Đó là lý do tại sao các quốc gia tiêu dùng nên ban hành luật về chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng thịt nhập khẩu không tiếp tay cho nạn phá rừng. Tôi hy vọng rằng luật mới của EU về chống phá rừng nhập khẩu sẽ là một kế hoạch chi tiết cho các nhà nhập khẩu lớn khác như Trung Quốc nối bước”.

Aidenvironment phát hiện 13 nhà máy thịt thuộc sở hữu của JBS có liên quan đến các trang trại nơi có hoạt động phá rừng, chặt cây hoặc đốt rừng. Marfrig và Minerva, lần lượt có sáu và ba nhà máy.

Hồng Trà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-800-trieu-cay-xanh-bi-don-ha-vi-con-khat-thit-bo-cua-the-gioi-post1436583.html