Hơn 85 nước nghèo không được tiếp cận rộng rãi với vắcxin COVID-19
Nhân viên y tế được tiêm vắcxin phòng COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 16/1/2021 - Nguồn: THX/TTXVN
Các chương trình tiêm chủng vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 do quy mô dân số của 2 nước này quá lớn, trong khi hơn 85 quốc gia nghèo sẽ không được tiếp cận rộng rãi với vắcxin COVID-19 trước năm 2023.
Đây là kết quả nghiên cứu do Economist Intelligence Unit (EIU) - bộ phận phân tích và nghiên cứu thuộc Economist Group - tiến hành và công bố ngày 26/1 về kế hoạch triển khai vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn cầu.
Theo báo cáo trên, việc cung cấp vắcxin cho các nước nghèo thông qua Cơ chế chia sẻ vắcxin toàn cầu COVAX, một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có thể bị chậm do việc ưu tiên phân phối cho các quốc gia giàu và cơ sở hạ tầng kém ở các nước đang phát triển.
Giám đốc của EIU, Agathe Demarais cảnh báo những quốc gia kém phát triển và có dân số trẻ hơn có thể mất động lực phân phối vắcxin, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh lan rộng hoặc các chi phí liên quan quá cao.
Cũng theo bà Agathe Demarais, hầu hết các quốc gia ở châu Phi khó có khả năng triển khai tiêm chủng đại trà cho đến đầu năm 2023, trong khi người dân nhiều nước châu Á sẽ được tiếp cận với vắcxin vào cuối năm 2022.
Cùng ngày 27/1, Myanmar đã khởi động chương trình tiêm chủng COVID-19 trên toàn quốc, với đối tượng ưu tiên trong chương trình nay là các nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu của các vùng và bang của đất nước.
Ông Tun Myint, quan chức Sở Y tế khu vực Yangon, cho biết có 25.459 nhân viên y tế và nhân viên y tế đang chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 và những người thuộc sở y tế khu vực Yangon sẽ được tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Ông cũng kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay cả khi đã được tiêm chủng.
Bệnh COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Myanmar hôm 23/3/2020 và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này hiện nay lên tới 138.368 và số người tử vong là 3.082.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/1 thông báo sẽ mua thêm 200 triệu liều vắcxin phòng dịch COVID-19. Như vậy, cùng với số vắcxin hiện có, Mỹ sẽ có đủ nguồn vắcxin để tiêm cho 300 triệu dân vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu tới.
Theo kế hoạch, chính phủ liên bang đang mua thêm 100 triệu liều cho mỗi loại vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna, hai hãng dược phẩm bào chế vắcxin được Mỹ phê chuẩn để sử dụng.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, tân Tổng thống Joe Biden nói: "Mặc dù chưa có trong tay, nhưng chúng tôi đã đặt hàng và dự đoán 200 triệu liều mua bổ sung này sẽ được phân phối trong mùa hè này”. Ông Biden nhấn mạnh, với hợp đồng mua mới nhất, tổng số vắcxin Chính phủ Mỹ đã đặt mua là 600 triệu liều, đủ để tiêm chủng cho 300 triệu người Mỹ vào cuối mùa hè, đầu mùa thu tới”.
Ông Joe Biden cũng thông báo do tình trạng thiếu trầm trọng vắcxin khiến một số điểm tiêm chủng trên khắp nước Mỹ phải hủy bỏ hàng chục nghìn cuộc hẹn với những người đăng ký tiêm mũi đầu tiên, Mỹ sẽ tăng khoảng 16% lượng vắcxin được giao đến các bang trong những tuần tới.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) hôm 26/1 cho biết chính phủ sẽ tăng nguồn cung vắcxin lên tối thiểu 10 triệu liều/tuần từ tuần tới thay vì mức 8,6 triệu/tuần như hiện nay. Với số lượng trên, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng kế hoạch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của Mỹ sẽ khiến thêm hàng triệu người có cơ hội được tiêm phòng sớm hơn so với dự kiến trước đây.
Ngoài việc nhắc lại mục tiêu phân phối được 100 triệu liều vắcxin tới người dân Mỹ trong 100 ngày đầu nhậm chức, ông chủ Nhà Trắng khẳng định: "Để chấm dứt đại dịch COVID-19, cần phải có nỗ lực như thời chiến”. Việc mua vắcxin COVID-19 của Pfizer và Moderna diễn ra trong bối cảnh chính quyền mới của ông Joe Biden vẫn đang cố gắng tăng cường sản xuất vắcxin.
Johnson & Johnson dự kiến sẽ công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trong tuần tới. Cùng với việc thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng, Johnson & Johnson cho biết sẽ đồng thời nộp đơn xin cấp phép cho việc sử dụng loại vắcxin ngừa COVID-19 một mũi của hãng này và có thể trở thành vắcxin thứ ba được đưa vào sử dụng tại Mỹ.
Cùng ngày 26/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi các công ty sản xuất vắcxin ngừa dịch COVID-19 phải giao hàng theo đúng cam kết, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Liên minh châu Âu (EU) và các công ty dược phẩm vì vấn đề giao hàng chậm trễ.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos, bà von der Leyen cho biết châu Âu đã đầu tư hàng tỉ euro để giúp phát triển các loại vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới nên các công ty phải tôn trọng nghĩa vụ và giao hàng.
Chủ tịch EC khẳng định EU sẽ thiết lập một cơ chế minh bạch về xuất khẩu vắcxin để đảm bảo các công ty tôn trọng những nghĩa vụ theo hợp đồng của họ với EU. Bà Ursula von der Leyen là người đứng đầu EC trong kế hoạch mua hơn 2 tỉ liều vắcxin ngừa COVID-19 cho 27 quốc gia thành viên với khoảng 450 triệu người.
Sau khi tập đoàn Pfizer (Mỹ) thông báo trì hoãn giao hàng vắcxin hồi tuần trước, bà Ursula von der Leyen tuyên bố EU sẽ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thànhvào cuối tháng 8/2021. Tốc độ triển khai tiêm chủng của EU được đánh giá chậm hơn Mỹ, Anh và Israel, mặc dù các quốc gia thành viên bao gồm Malta, Đan Mạch và Pháp đã tự bắt đầu đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng của riêng mình.
Bà Ursula von der Leyen cho biết kế hoạch mua vắcxin của EC không chỉ dành cho riêng EU mà còn dành cho các nước nghèo hơn ngoài EU, những nước chỉ có khả năng tiếp cận vắcxin thông qua sáng kiến COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.
EC đang yêu cầu tập đoàn AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), công ty Pfizer (Mỹ) trả lời về thông báo chậm giao hàng cho EU. AstraZeneca sản xuất vắcxin tại Anh và Bỉ, trong khi đó Pfizer hợp tác với công ty BioNTech (Đức) sản suất vắcxin ở Bỉ.
Lo ngại khả năng các tập đoàn dược phẩm có thể bán lượng vắcxin đã cam kết cho khách hàng bên ngoài khối với giá cao hơn, EU đang có động thái buộc các nhà sản xuất vắcxin phải thông báo cho cơ quan chức năng về bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào ra ngoài EU.
Hiện liên minh này vẫn chưa cấp phép cho vắcxin của AstraZeneca, được coi là loại phù hợp nhất để "tiêm chủng hàng loạt". Trong khi đó, Anh đang sử dụng loại vắcxin này kể từ ngày 4/1 vừa qua.
Theo các quan chức EU, AstraZeneca đã đề nghị cung cấp cho EU vắcxin ngừa COVID-19 vào tháng 2, nhưng không đưa ra thông tin rõ ràng về số lượng cung cấp cho Anh để thúc đẩy giao hàng cho EU. Đến ngày 22/1, AstraZeneca bất ngờ thông báo sẽ cắt giảm lượng vắcxin ccấp ho EU trong quý 1/2021.
Tập đoàn cho biết sự thay đổi trên xuất phát từ các vấn đề sản xuất ở châu Âu. Theo một quan chức cấp cao của EU, vấn đề phát sinh từ phía nhà máy sản xuất vắcxin ở Bỉ, do đối tác của AstraZeneca là Novasep điều hành.
Dự kiến, EU sẽ đề xuất thành lập một tổ chức công-tư thuộc Cơ quan ứng phó khẩn cấp y tế châu Âu mới. Đây được coi là một phần trong chiến lược dài hạn để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay cũng như trong tương lai. Theo quan điểm của nhiều quốc gia thành viên, EU đã chuẩn bị tốt cho chiến dịch tiêm chủng, sự chậm trễ trong việc giao hàng dẫn đến tổn thất không chỉ về nguồn lực công mà còn cả về tính mạng con người.