Hơn 927 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu sinh trắc học

Đến nay, hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (tương đương gần 100% tài khoản cá nhân có giao dịch số) và hơn 927 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến nay, mỗi ngày hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý trung bình khoảng 820 nghìn tỷ đồng; trong khi hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý khoảng 26 triệu giao dịch/ngày.

Hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia đã được nâng cấp nhằm tăng năng lực xử lý và cập nhật dữ liệu tự động, với tỷ lệ cập nhật thành công từ các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt trên 98%.

Đến nay, hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (tương đương gần 100% tài khoản cá nhân có giao dịch số) và hơn 927 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học, với tỷ lệ hoàn thành đạt hơn 75%.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện, giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%.

Gần 87% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ngân hàng; giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024 tương đương 25 lần GDP quốc gia.

Hầu hết giao dịch ngân hàng đã được thực hiện trên kênh số. Ảnh: Ngân Giang

Hầu hết giao dịch ngân hàng đã được thực hiện trên kênh số. Ảnh: Ngân Giang

Những thông tin trên được NHNN chia sẻ tại buổi tọa đàm “Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng” (Nghị định 94, có hiệu lực từ 1/7), diễn ra sáng 1/7.

Tọa đàm là dịp để cơ quan quản lý và các đơn vị liên quan thông tin, chia sẻ các nội dung cơ bản và giải đáp các nội dung chính sách tại Nghị định 94.

Qua đó, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty Fintech, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khách hàng, các tổ chức và cá nhân khác có liên quan có thể nắm bắt đúng, đầy đủ các nội dung để tổ chức triển khai Nghị định 94 hiệu quả; đáp ứng yêu cầu thực hiện thống nhất các quy định mới, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình thử nghiệm.

Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại tọa đàm góp phần quan trọng vào quá trình triển khai cơ chế thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng.

Nghị định 94 là văn bản pháp lý nền tảng trong lĩnh vực Fintech, tạo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các giải pháp công nghệ tài chính trong môi trường thực tế. Đây là bước đi quan trọng nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý theo dõi, giám sát rủi ro và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với sự phát triển của kinh tế số.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hon-927-nghin-ho-so-khach-hang-to-chuc-da-duoc-doi-chieu-sinh-trac-hoc-2417045.html