Hơn 975 ha cây trồng bị sâu bệnh gây hại
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, những ngày qua, thời tiết khá thuận lợi cho các loại cây trồng phát triển, đồng thời cũng là điều kiện cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại.
Cụ thể, chuột gây hại trên diện tích 450 ha, tỉ lệ hại phổ biến từ 5% – 10%; bệnh đạo ôn lá trên diện tích 99 ha, tỉ lệ hại phổ biến từ 5% – 10%..., gây hại tại nhiều vùng trồng lúa ở các huyện Gio Linh, Cam Lộ, TP. Đông Hà; trên các giống lúa như HC95, Bắc thơm 7, IR38. Bệnh khảm lá gây hại trên cây sắn mới trồng với diện tích 295 ha, tỉ lệ hại phổ biến từ 5% – 20%. Ngoài ra còn có sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh thối gốc hại lạc... gây hại rải rác ở các vùng trồng với diện tích hơn 130 ha.
Để chủ động phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Cụ thể, trên cây lúa tăng cường kiểm tra bệnh đạo ôn trên tất cả các giống, kiểm tra kỹ trên các giống nhiễm như HC95, Bắc thơm7, BĐR57, IR38, VN10..., trên các ruộng gieo dày, bón phân không cân đối... để kịp thời phun thuốc khi bệnh mới phát sinh (tỉ lệ bệnh khoảng 5%). Những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển mới được bón phân trở lại.
Bên cạnh đó, duy trì diệt chuột bằng các biện pháp thủ công như đào bắt, dùng bẫy bán nguyệt kết hợp sử dụng các loại thuốc có hoạt chất thế hệ mới; tuyệt đối không sử dụng biện pháp xung điện để diệt chuột.
Ngoài ra, cần chú ý theo dõi diễn biến rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, bệnh bạc lá vi khuẩn, khô vằn... để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Trên cây ngô, lạc, sắn, thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng dịch hại như sâu keo mùa thu hại ngô; bệnh héo rũ, lở cổ rễ... gây hại cây lạc; bệnh khảm lá trên cây sắn.