Hơn bảy mươi năm một món nghề

Hơn 70 năm gắn bó với nghề may thủ công, nghệ nhân Lê Thị Quyến đã đặt cả trái tim vào việc gìn giữ và lưu truyền những chiếc áo dài truyền thống đến nhiều thế hệ.

Người “giữ lửa” cho nghề may áo dài truyền thống

Đi dọc con phố Lương Văn Can, chúng tôi tìm đến tiệm may áo dài Vinh Trạch ở số 23. Không màu mè, không quá lớn nhưng người ta vẫn dễ dàng nhận ra tiệm bởi thiết kế mộc mạc và gần gũi. Nơi đây, người con gái làng Trạch Xá, nghệ nhân Lê Thị Quyến vẫn hàng ngày tỉ mẩn với từng mũi khâu.

Là một nghệ nhân xuất thân từ làng nghề may áo dài Trạch Xá, Ứng Hòa (Hà Nội), hơn ai hết, bà Lê Thị Quyến luôn mong muốn giữ gìn và lưu truyền được giá trị truyền thống mà cha ông để lại. Tiệm may Vinh Trạch chính là minh chứng cho quyết tâm ấy của bà.

Ngay từ năm 12 tuổi, bà Quyến đã bắt đầu những đường khâu đầu tiên. Đến năm 16, bà kết hôn với nghệ nhân Lê Thành Vinh. Sau thời chiến, bà cùng chồng chuyển đến sinh sống và mở một tiệm may nhỏ ở ngõ Phát Lộc. Có thời gian, vì kinh tế khó khăn, bà phải đi làm ở tổ cắt một công ty bông vải sợi, khi ấy là ở 63 Hàng Trống. Nhưng sau đó, hai vợ chồng bà quyết định chuyển tiệm may ra Lương Văn Can để tiếp tục giữ lửa gia truyền.

Gắn bó với việc may áo dài thủ công từ thời niên thiếu nhưng cho đến nay, đôi mắt bà Lê Thị Quyến vẫn ánh lên nét rạo rực với nghề. Bà vẫn có thể tự xỏ kim và may những đường may thẳng tắp. Chia sẻ về câu chuyện làm nghề, bà cho biết: “Muốn làm cái này phải theo kinh nghiệm, làm mãi chân tay nó mới quen, chân tay mềm thì mới khâu được. Khâu là khó, chứ cắt lại dễ, may đo phải nhìn người, phải hạ cái eo ở chỗ nào cho đúng để người mặc được đẹp… Cứ làm mãi rồi nó ngấm vào người mình khi nào không biết. Người nào mà không kiên trì là không làm được, khâu vá phải cẩn thận từng li ly từng tí tý một…”

Những bộ áo dài do nghệ nhân làm ra vẫn giữ được vẻ truyền thống vốn có

Những bộ áo dài do nghệ nhân làm ra vẫn giữ được vẻ truyền thống vốn có

Theo thời gian, không chỉ những chiếc áo dài dần thay đổi về kiểu cách, màu sắc mà văn hóa mặc của người Việt cũng có nhiều khác biệt. Là người đã chứng kiến những chuyển biến đó, bà Quyến kể rằng ngày xưa mọi người mặc áo dài nhiều hơn bây giờ. Người phụ nữ bán rau, bán hàng bên ngoài mặc những bộ áo dài nâu, thắt vạt. Những người con gái nhà tư sản mặc áo cổ cao, đầu quấn. Nhưng cho dù là ở thời đại nào, áo dài vẫn mang vẻ kín đáo, thướt tha và đằm thắm như thế “Nếu bây giờ nhiều người mặc áo dài ra ngoài thì đẹp cả thành phố. Tây nhìn vào cũng thấy phong tục của nước ta đẹp”. Bà Quyến trân trọng những bộ áo dài xưa nhưng cũng sẵn sàng mở lòng đón nhận sự thay đổi trong văn hóa mặc hiện đại, học hỏi cách may áo dài cách tân. Áo dài do bà Quyến may vừa khác biệt lại vừa quen thuộc ở phương pháp khâu tay dọc truyền thống. Với bà “Phải khâu tay dọc theo đúng nghề. Yêu nghề mới đi theo nghề được”.

Đưa nét đẹp của dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế

Để tìm một hàng may áo dài ở Thủ đô không khó. Thế nhưng, có lẽ điều khiến tiệm may Vinh Trạch đặc biệt hơn cả là ở sự cần mẫn, tỉ mẩn và hiếu khách của người nghệ nhân “May cho người ta cẩn thận hơn may cho mình. Yêu khách lắm chứ không phải thường đâu”. Bà chia sẻ rằng, mỗi lần may xong một chiếc áo, bà đều muốn khách mặc thử để bà xem và rút kinh nghiệm may cho người khác. Chính nhờ sự nhiệt huyết và trách nhiệm ấy, không chỉ người Việt mà người nước ngoài cũng kính mến người nghệ nhân tài hoa này. Bà vẫn lưu giữ lại những tấm hình, lá thư từ những vị khách nước ngoài đã đến và mặc những chiếc áo dài truyền thống do tự tay bà may. Người nước ngoài biết đến bà là biết đến một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong hơn 70 năm làm nghề, bà Quyến không chỉ gìn giữ và lưu truyền món nghề may gia truyền mà còn đưa áo dài truyền thống đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Với người nghệ nhân này, khi đã ở tuổi 80, các giá trị vật chất không còn quá quan trọng. Hơn tất cả, bà vẫn một mực gắn bó với món nghề này bởi nó là gia truyền, bởi cảm xúc tự hào khi bà nhìn thấy thành phẩm của mình được khách hàng đặc biệt trân trọng. Bảy thập kỷ dường như cũng chỉ còn là con số bởi những giá trị văn hóa bà đem lại cho phố cổ, cho Hà Nội, cho đất nước ta quý báu hơn rất nhiều.

Một góc lưu giữ những kỷ niệm của bà với nghề may áo dài truyền thống

Cũng nhờ những nghệ nhân như bà Lê Thị Quyến mà nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam không chỉ không bị mai một mà còn được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Bà có 7 người con, trong đó có 2 người quay trở lại tiếp nối cha mẹ sau khi đã có trong tay những tấm bằng đại học danh giá. Người phụ nữ ấy có thể tự hào rằng, gia đình bà đã có 5 thế hệ liên tiếp làm nghề may áo dài truyền thống. Có lẽ, trong tương lai, con số ấy sẽ không dừng lại ở con số 5 và giá trị của những bộ áo dài sẽ trường tồn mãi với thời gian.

Phú Nguyễn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hon-bay-muoi-nam-mot-mon-nghe-a22077.html