Hơn cả giá trị kinh tế
Hiệu quả của tín dụng chính sách (TDCS) đem lại đến thời điểm này không chỉ là giá trị kinh tế mà hơn cả chính là những vấn đề xã hội được giải quyết. Đó là giá trị cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người nghèo, người yếu thế đang từng bước được cải thiện, nâng cao. Đây cũng là cơ sở để nhân dân ngày càng hiểu, tin tưởng hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Với quan điểm nhất quán, phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển kinh tế thực sự là “đòn bẩy” hữu hiệu, giúp các đối tượng yếu thế có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Thực tiễn hoạt động của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh thời gian qua là minh chứng rõ nét cho điều này, thể hiện tác động của một kênh TDCS đặc thù đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Để nguồn vốn TDCS thực sự hiệu quả, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh luôn quan tâm chăm lo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi. Ngân hàng CSXH với vai trò chủ lực đã tích cực phối hợp mở rộng địa bàn, mở rộng đối tượng, đưa nguồn vốn TDCS đến tận cơ sở, tạo sự gắn bó mật thiết giữa chính quyền, đoàn thể, tổ chức tín dụng với nhân dân. Từ đó, mô hình tổ chức và phương thức quản lý TDCS ngày càng được hoàn thiện, quy mô nguồn vốn ngày càng phát triển, tăng trưởng tín dụng năm sau cao hơn năm trước, chất lượng tín dụng nâng cao, tỉ lệ nợ xấu ở dưới mức cho phép.
Đến nay, nguồn vốn ưu đãi đã được “phủ” kín đến tận những bản làng xa xôi, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua mô hình hoạt động ủy thác vốn vay của bốn tổ chức hội đoàn thể gồm: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên với sự hỗ trợ của 3.698 Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng 225 Điểm giao dịch xã. Theo đó, mọi chủ trương, chính sách cho vay ưu đãi, công tác kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ, trả lãi của hộ vay khi đến hạn, nghe ý kiến phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của người dân... được triển khai thực hiện kịp thời, những phát sinh trong thực tế nhanh chóng được giải quyết.
Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Sau hơn hai thập kỷ hình thành và phát triển, đến nay Ngân hàng CSXH đã thực hiện 20 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ gần 5.995 tỉ đồng, có 113.826 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt 52,67 triệu đồng/khách hàng. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo trên 1.022 tỉ đồng với 15.482 khách hàng, dư nợ hộ cận nghèo gần 1.013 tỉ đồng với 15.179 khách hàng, dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo 847,6 tỉ đồng với 13.507 khách hàng. Cùng với đó, hỗ trợ tạo dựng 27.156 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, tạo điều kiện cho 350 hộ là người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn để mua nhà ở xã hội hoặc có nhu cầu xây, sửa, cải tạo lại nhà để ở; trên 1.050 hộ gia đình có học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập. Đặc biệt, hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, bước đầu đã có 47 hộ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền bốn tỉ đồng.
Ông Trương Việt Phương - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: Mục đích của tín dụng thương mại là tìm kiếm lợi nhuận còn mục đích của TDCS là giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Với tính ưu việt của nguồn vốn TDCS đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người nghèo, đối tượng chính sách, họ đã biết tự vận động để thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Rõ ràng, hiệu quả đầu tư nguồn vốn TDCS không chỉ tính bằng những giá trị kinh tế đạt được mà còn là điểm tựa vững chắc cho người nghèo, thể hiện ở mục tiêu lớn hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, ý thức mới được hình thành trong cộng đồng người nghèo và đối tượng chính sách với việc tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai, hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Những giá trị đó có ý nghĩa lớn lao trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/hon-ca-gia-tri-kinh-te/206696.htm