Hơn cả mức xử phạt…

Những ngày đầu năm 2020, các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều trang mạng xã hội rầm rộ đưa tin xung quanh việc triển khai Nghị định 100 ngày 30/12/2019 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt và đường bộ. Nội dung gây sự chú ý của người dân là mức xử lý rất nặng các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia, chất có cồn.

Vì sao sau khi Nghị định 100 được ban hành và có hiệu lực lại tác động lớn đến cộng đồng xã hội như vậy? Câu trả lời đơn giản là uống rượu, bia, chất có cồn giờ đây không còn là “thói quen sinh hoạt bình thường”, “nét văn hóa truyền thống”, mà đã trở thành “tệ nạn rượu”, “nô lệ tửu” với nhiều trường hợp, ở nhiều nơi. Có lẽ hiếm quốc gia nào mà bất kỳ thời điểm trong ngày người ta đều uống rượu, từ buổi sáng sớm, bữa trưa, bữa tối cho đến đêm khuya đều được coi là bữa rượu. Liên hoan, nhậu nhẹt, tiệc tùng, uống rượu diễn ra ở khắp nơi, từ đô thị tới nông thôn, từ vùng đồng bằng đến miền núi, người thu nhập cao, trung bình đến người nghèo đều sử dụng rượu theo chiều hướng ngày càng nhiều hơn. Người ta buồn cũng tìm đến rượu, vui cũng uống rượu, cuộc sống đang hết sức tốt đẹp cũng là lý do để nhậu; thất bại, thất nghiệp cũng lấy rượu để giải sầu. Trong mỗi cuộc rượu, người ta cố gò ép nhau uống rượu, tìm đủ lý do để khích tướng, tỉ thí, lấy rượu là... môn thi đấu.

Và hậu quả của tệ nạn rượu, thói lạm dụng rượu, bia đã vươn tới tầm kinh hoàng, mỗi năm cả nước có hơn 10 nghìn người chết vì tai nạn giao thông và 40% số người gây ra tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Tính trung bình mỗi ngày có hơn 10 người chết vì uống rượu, bia trong các vụ tai nạn giao thông và cùng với đó là hàng chục người bị thương, cuộc sống bị hủy hoại, bị tàn phế suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hệ lụy từ rượu, bia không dừng lại ở đó mà còn phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, những vụ việc đau lòng vẫn cứ xảy ra sau cuộc nhậu, những vụ án “kinh thiên động địa” sau khi “chén chú, chén anh”, rượu là nguồn cơn, mầm mống của biết bao căn bệnh nan y, rượu, bia làm bại hoại thanh danh của không ít người thành đạt, làm thui chột tài năng.

Để giảm tối đa thói quen sử dụng rượu, bia, từ lâu nhà nước đã hạn chế sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn bằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt các sản phẩm nhập khẩu, tính thuế cao nguồn rượu, bia có xuất xứ trong nước và cấm quảng cáo rượu bằng bất kỳ hình thức nào. Mỗi địa phương lại có những quy định, chính sách riêng nhằm hạn chế sử dụng rượu, bia, trong đó lấy cán bộ, đảng viên làm đối tượng nêu gương thực hiện. Lào Cai là một trong những tỉnh đi đầu trong khu vực hạn chế sử dụng rượu, bia, UBND tỉnh sớm ban hành chỉ thị về kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ, trong đó có quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu, bia, đồ uống có cồn ngay trước và trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực ca. Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu trong hạn chế sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong các công việc của gia đình và nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp của tỉnh điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn.

Thực hiện Nghị định 100, hãy đừng bàn cãi, biện hộ thêm bằng những lập luận như uống nhiều - uống ít, mức xử phạt cao - thấp, nặng - nhẹ, cũ và mới, nghị định và mối liên hệ với luật, nước nọ và nước kia... mà cần có cái nhìn rộng hơn về nguy cơ băng hoại mang tầm quốc gia, dân tộc bởi tệ nạn lạm dụng rượu, bia đã quá mức báo động. Nghị định 100 xử phạt thật nặng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia, chất có cồn nhưng phạm vi điều chỉnh, tác động còn lớn hơn thế, đó là tiếng chuông cảnh báo sự thay đổi “văn hóa rượu, bia” trong toàn xã hội.

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-de-cung-ban-luan/hon-ca-muc-xu-phat-z89n20200215095451094.htm