Hỗn chiến luật và quyền

Ở Pakistan, Thủ tướng Imran Khan bị phế nhiệm thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm trong quốc hội.

Thủ tướng Imran Khan.

Thủ tướng Imran Khan.

Quốc hội nước này đã bầu thủ lĩnh đảng đối lập Liên đoàn Hồi giáo Pakistan là ông Shabaz Sharif làm Thủ tướng mới. Quá trình dẫn đến kết cục chính trị mới này là cuộc hỗn chiến giữa luật và quyền mà hai phe đối địch là ông Khan trên cương vị đứng đầu hệ thống hành pháp và Tòa án Tối cao, tức là phía tư pháp.

Sau khi bị một số dân biểu trong Quốc hội từ chối ủng hộ, ông Khan bị mất đa số có được lâu nay trong Quốc hội và ý thức được rằng phe đối lập sẽ tận dụng cơ hội để tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Kết quả chưa biết thế nào nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn và nguy hiểm thật sự đối với quyền lực của ông Khan.

Vì thế, ông Khan đã lựa chọn phương cách “chắc ăn” là giải tán Quốc hội để quốc hội không thể tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Luật pháp hiện hành ở đất nước này cho Thủ tướng có quyền giải tán Quốc hội. Ông Khan dự định chơi cuộc chơi mới “được ăn cả, ngã về không”, tức là nhằm vào Quốc hội mới, để cho cử tri phán quyết về số phận và tương lai chính trị của mình.

Nhưng Tòa án Tối cao Pakistan lại không để cho ông Khan toại nguyện. Tòa này ngay lập tức đưa ra phán xử cho rằng việc ông Khan giải tán Quốc hội là bất hợp pháp. Tòa này không lên tiếng ủng hộ phe đối lập hay phe cánh chính trị nào khác ở Pakistan mà yêu cầu phải giải quyết việc giai tán Quốc hội theo quy trình của pháp luật.

Theo đó, tòa cho rằng pháp luật hiện hành yêu cầu Quốc hội quyết định việc giải tán Quốc hội. Vì thế, Quốc hội có thể quyết định bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng hoặc quyết định tự giải tán để tiến hành tổng tuyển cử mới trước thời hạn. Theo luật thì tòa án này có quyền phán quyết về quyết định của Thủ tướng. Nhưng luật cũng không quy định rõ ràng và cụ thể là Tòa án Tối cao có thể lật ngược quyết định của Thủ tướng về giải tán Quốc hội.

Tòa án Tối cao Pakistan quả quyết không làm chính trị và không can dự trực tiếp vào cuộc tranh giành quyền lực giữa ông Khan và phe đối lập mà chỉ vận dụng và lý giải hiến pháp hiện hành. Sau phán quyết như thế của Tòa án Tối cao Pakistan, ông Khan đành ngậm ngùi chấp nhận, phe đối lập trong Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Khan với kết quả là ông này bị mất quyền và Pakistan có Thủ tướng mới. Vụ việc này chưa từng xảy ra trong lịch sử 75 năm đến nay ở Pakistan.

Bên nào trong số hai bên - ông Khan và Tòa án Tối cao - đúng hay sai về luật khi hành xử như vậy thật khó phân định rạch ròi, bởi trong thực chất thì bên nào cũng đều có quyền và có tính hợp pháp hợp hiến trong quyết định của họ. Vấn đề ở chỗ luật trao quyền mà quyền lại có thể lật ngược hoặc vô hiệu hóa luật. Trong những tình huống như vậy thì cả quyền lẫn luật đều không còn đóng vai trò quyết định nữa mà kết cục cuối cùng như thế nào phụ thuộc vào tác nhân thứ ba là thế.

Ở Pakistan, giới quân sự mới là nhân tố quyền lực quyết định nhất. Cá nhân hoặc phe cánh nào gần với giới quân sự thì luôn có thể cầm quyền yên ổn lâu dài. Tòa án Tối cao quyết định chuyện gì thì cũng phải để ý đến thái độ và phản ứng của giới quân sự.

Bên nào có được sự ủng hộ hoặc dung chấp của giới quân sự thì bên ấy sẽ có thế để thắng trong cuộc hỗn chiến giữa luật và quyền. Ông Khan hiện không có được thế ấy vì thế Tòa án Tối cao có thể đưa ra được phán quyết như trên. Tân Thủ tướng Sharif được coi là người có mối quan hệ thân thiết với giới quân sự ở Pakistan. Ông này có người anh trai từng làm Thủ tướng Pakistan nhưng vì bất hòa với giới quân sự mà rồi đã từng bị giới quân sự lật đổ.

Hạ Nham

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hon-chien-luat-va-quyen-post442716.html