Hồn cốt một vùng miền

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, nơi nào bắt đầu hình thành làng, xóm là bắt đầu có dân họp chợ. Thời xưa, chợ họp theo phiên, mấy ngày mới có chợ chứ đâu quanh năm ngày tháng như nay. Chợ họp quanh năm thì chỉ có ở thành thị, vậy nên thành phố nào cũng gắn với một cái chợ rất nổi tiếng.

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, nơi nào bắt đầu hình thành làng, xóm là bắt đầu có dân họp chợ. Thời xưa, chợ họp theo phiên, mấy ngày mới có chợ chứ đâu quanh năm ngày tháng như nay. Chợ họp quanh năm thì chỉ có ở thành thị, vậy nên thành phố nào cũng gắn với một cái chợ rất nổi tiếng. Bạn tôi là nhà nghiên cứu khi nghe vậy đã phản đối thẳng thừng, nói lịch sử hình thành các thành phố là bắt đầu từ cái chợ. Dân tứ xứ theo sông mà tụ về giao thương, buôn bán rồi nên phố nên phường. Do vậy, thành phố nào cũng nằm bên bờ một con sông, vì ngày ấy đi lại bằng thuyền bè là tiện nhất. Chả vậy người ta gọi là phố thị…

 Chợ nổi Cái Răng.

Chợ nổi Cái Răng.

Tôi không tranh cãi với nhà nghiên cứu, chỉ biết thành phố nào cũng có một cái chợ trung tâm, rất nổi tiếng. Chợ Đồng Xuân Hà Nội, chợ Sắt Hải Phòng, chợ Đông Ba Huế, chợ Hàn Đà Nẵng, chợ Bến Thành của TP. Hồ Chí Minh, chợ Đầm Nha Trang… Chợ Bến Thành từng một thời được chọn làm biểu tượng của thành phố. Khách du lịch đến các thành phố này, ghé chợ là một phần của điểm đến, nhiều khi chỉ để chụp hình check-in trước lầu chợ…

Đi du lịch, lang thang vào chợ thú lắm. Mỗi khi có dịp đi xa, tôi cũng luôn dành một buổi chỉ để la cà nơi chợ. Đi Nam Bộ thì tôi đã kịp thuê xuồng ba lá đi chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ và chợ nổi Cái Bè miệt Vĩnh Long, Tiền Giang. Cảm giác rất lạ khi ăn tô hủ tiếu, uống ly cà phê đen trên ghe dập dềnh sóng nước buổi sáng sớm, coi ghe thương hồ tấp nập chở sản vật khắp nơi kéo về. Ghe bán thức gì, treo lên đầu sào ở mũi ghe, khỏi phải hỏi. Nhớ lần đi An Giang, bạn dẫn đi chơi chợ Tịnh Biên và giới thiệu đây là chợ duy nhất cả nước có đủ loại côn trùng, phục vụ cho quý ông. Đúng là chả thiếu thứ gì, từ bò cạp, mối chúa, bửa củi, tắc kè… hoa cả mắt. Và ù cả tai khi nghe các cô gái bán hàng miền Tây da trắng môi hồng, ríu rít giới thiệu công dụng của các độc vật này…

Khi đi Lào Cai, tôi theo bạn ra chợ Bắc Hà, chui vào quán thắng cố, chen vai với mấy anh chàng người Mông uống rượu ngô. Món thắng cố ở chợ khác xa món bán trong khách sạn. Thắng cố trong nhà hàng giống lẩu mất rồi, chứ món ở chợ nặng mùi, khó ăn hơn nhiều. Uống rượu ngô Bắc Hà xong, bạn còn rủ ra đầu chợ uống rượu Sán Lùng, cất bằng lúa nguyên vỏ ủ lên men, mà phải nấu tại bản Sán Lùng mới đúng điệu. Say la đà nhưng vẫn tròn mắt ngắm mấy ông chồng người Mông say rượu, người mềm như bún. Người vợ nhẫn nại vắt chồng nằm qua lưng ngựa, hai tay nắm đuôi ngựa cho nó bước thủng thẳng về bản. Hỏi không giận chồng à, cười e thẹn: Không đâu, nó uống phải say chứ, không say trai bản cười cho đấy!

Còn nhiều chợ thú vị lắm, tiếc là tôi chưa được đi. Những ngôi chợ từ đời này qua đời khác đã trở thành hồn cốt một vùng quê, một miền đất. Đi chơi chợ là được hòa mình vào mạch sống, nét văn hóa của một vùng, miền.

Tiếc là các nhà quản lý, những nhà đầu tư bây giờ ít để ý đến chuyện này. Chợ búa nhếch nhác, lạc hậu để làm gì. Cứ xóa đi, xây lại thành trung tâm thương mại. Thang cuốn, máy lạnh chạy mát rượi. Hàng hóa bày lớp lớp như được sinh sản vô tính: Áo quần, túi xách, đồ điện, mì gói, bia rượu, nước ngọt… Trung tâm nào ở thành phố nào thì cũng một khuôn ấy thôi.

Tự nhiên thấy tiếc…

Thủy Ngân

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202106/hon-cot-mot-vung-mien-8217727/