Hòn đảo biến mất sau vụ phun trào núi lửa
Hòn đảo Hunga Tonga-Hunga Ha'apai nổi lên và biến mất trong vòng 7 năm đã mang đến nhiều khám phá mới lạ cho các nhà khoa học.
Hunga Tonga-Hunga Ha'apai được đặt tên theo hai hòn đảo mà nó mọc lên ở giữa, bắt đầu hình thành dưới nước vào tháng 12/2014 sau khi núi lửa ngầm ở đây phun trào và nổi lên trên bề mặt đại dương vào tháng 1/2015. Từ nơi này đã tạo thành một hòn đảo có diện tích 1,9 km2.
Nghiên cứu khoa học
Theo các nhà nghiên cứu, Hunga Tonga-Hunga Ha'apai là vùng đất thứ ba trong vòng 150 năm qua xuất hiện và tồn tại hơn một năm.
Các nhà khoa học đã ngạc nhiên khi tìm thấy một nhóm vi khuẩn kỳ lạ có khả năng đến từ nơi rất sâu dưới lòng đất. Giới nghiên cứu đã công bố phát hiện mới này trên tạp chí mBio vào 11/1.
Nick Dragone, tác giả chính và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa sinh thái học và sinh học tiến hóa, ĐH Colorado (Mỹ), cho biết: “Chúng tôi mong chờ tìm thấy các sinh vật khi dòng sông băng rút lui hoặc vi khuẩn lam xuất hiện ở hòn đảo. Nhưng thay vào đó, chúng tôi đã phát hiện một nhóm vi khuẩn duy nhất chuyển hóa lưu huỳnh và khí trong khí quyển”.
Để tìm ra loại vi khuẩn nào đang ngự trị trên hòn đảo, các nhà nghiên cứu đã thu thập 32 mẫu đất từ các bề mặt không có thảm thực vật. Bắt đầu từ việc tìm hiểu ở khu vực sâu dưới biển đến độ cao 120 m của miệng núi lửa trước khi trích xuất và phân tích DNA tìm thấy bên trong.
Tuy nhiên, vào ngày 15/1/2022, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai lại phun trào, phát nổ với sức mạnh được cho là lớn hơn 100 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima (Nhật Bản). Vụ phun trào đã kết thúc nghiên cứu của các nhà khoa học về hòn đảo. Vùng đất tồn tại trong thời gian ngắn đã cho các nhà khoa học một cơ hội nghiên cứu cách thức sự sống phát triển trên các vùng đất mới.
Tiến sĩ Dragone cũng nói thêm: “Chúng tôi đều mong hòn đảo sẽ không bị phá hủy. Thực tế, một tuần trước khi núi lửa phun trào, chúng tôi đã bắt đầu kế hoạch cho chuyến trở về để nghiên cứu. Nhưng giờ đây hòn đảo đã biến mất và khi một điều gì đó mới hình thành, chúng tôi rất muốn đến đó và thu thập thêm dữ liệu”.
Thiệt hại
Theo Jackie Caplan-Auerbach, một nhà địa chấn học của ĐH Western Washington (Mỹ), sự kiện phun trào núi lửa gần đây và tất cả những điều kỳ lạ cho thấy con người biết rất ít về núi lửa ngầm.
Thực chất núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’pai đã phun trào nhiều lần trong quá khứ nhưng các nhà khoa học chỉ mới nhận ra vì hầu hết chúng chìm dưới nước và thường không gây chết người. Tuy nhiên, vụ phun trào lần này là một lời nhắc nhở rõ ràng về những rủi ro của núi lửa nằm ngay bên dưới những con sóng.
Hiện tại, núi lửa ngầm Hunga Tonga-Hunga Ha'apai dường như đã im lặng. Người dân địa phương đang giúp nhau thu dọn thiệt hại và dọn dẹp xung quanh. 3 trường hợp tử vong đã được xác nhận là cư dân của Tonga, 2 trường hợp tử vong khác ở Peru do sóng thần.
Thiệt hại trên một số hòn đảo gần đó khá nghiêm trọng. Nhà của tất cả 36 cư dân của đảo Mango đã bị phá hủy. Chỉ còn 2 ngôi nhà đứng vững trên đảo Fonoifua và thiệt hại trên diện rộng trải dài khắp đảo Nomuka, nơi có dân số 239 người.
Thiệt hại đối với hòn đảo lớn nhất và đông dân nhất là Tongatapu, nơi có khoảng 75.000 người sinh sống và chủ yếu tập trung ở phía tây. Hội chữ thập đỏ Tonga ước tính có tổng cộng 1.200 hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Tro bụi đã làm ô nhiễm nguồn dự trữ nước uống của quần đảo và làm trì hoãn việc máy bay hạ cánh với nguồn cung cấp bổ sung.
Vẫn có nguy cơ núi lửa có thể có nhiều vụ nổ hơn trong tương lai. Dịch vụ địa chất Tonga dựa vào các quan sát trực quan và vệ tinh để theo dõi hoạt động của nhiều núi lửa trong khu vực.
Nhưng với đỉnh núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai hiện nằm dưới bề mặt, các nhà khoa học đã mất dấu hiệu và khó khăn hơn trong việc tìm hiểu hoạt động của núi lửa.
Ngay cả khi núi lửa không phun trào tích cực, việc giám sát phần lớn núi lửa ngầm là một nhiệm vụ phức tạp. Định vị GPS, thường được sử dụng để theo dõi sự dịch chuyển trên bề mặt khi magma di chuyển dưới lòng đất, không hoạt động dưới đáy biển. Hơn nữa, việc thu thập dữ liệu thời gian thực từ máy đo địa chấn dưới đáy đại dương là công nghệ khó khăn và tốn kém.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-dao-bien-mat-sau-vu-phun-trao-nui-lua-post1397964.html