Hòn đảo xa nhất thế giới ở Bắc Cực thực chất chỉ là 'tảng băng bẩn'

Theo các nhà nghiên cứu, những hòn đảo nhỏ kỳ lạ nằm ở Bắc Cực không thực sự là đảo mà chỉ là những tảng băng trôi lớn bị mắc kẹt ở đáy biển.

Từng được cho là mảnh đất xa nhất thế giới về phía bắc, "Đảo ma" Qeqertaq Avannarleq ở Bắc Cực thực chất chỉ là một “tảng băng bẩn”, hãng Sputnik đưa tin hôm 11-9.

Các nhà khoa học từ các viện của Thụy Sĩ, Đan Mạch và Greenland đã tìm ra hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía bắc Greenland vào năm 2021. Rộng khoảng 60 m x 30 m, hòn đảo được các chuyên gia đặt tên là "Qeqertaq Avannarleq", nghĩa là "hòn đảo xa nhất về phía bắc" trong tiếng Greenland.

"Hòn đảo nhỏ, nhiều sỏi đá, và được coi là 'ứng cử viên' cho danh hiệu mảnh đất xa nhất thế giới về phía bắc từng ghi nhận. Tuy nhiên, khu vực này có một bí ẩn kỳ lạ. Ngay phía bắc của mũi Morris Jesup, vài đảo nhỏ khác cũng được phát hiện trong những thập kỷ qua, sau đó biến mất" - ông Kevin Hamilton - giáo sư khoa học khí quyển tại ĐH Hawaii - nói.

"Đảo ma" Qeqertaq Avannarleq ở Bắc Cực thực chất chỉ là một “tảng băng bẩn”. Ảnh: SPUTNIK

"Đảo ma" Qeqertaq Avannarleq ở Bắc Cực thực chất chỉ là một “tảng băng bẩn”. Ảnh: SPUTNIK

Mũi Morris Jesup nằm ở cực bắc của Greenland, cách Bắc Cực khoảng 710 km. Hòn đảo nhỏ biến mất đầu tiên được phát hiện trong chỏm băng vùng cực gần Morris Jesup mang tên "Oodaaq Ø", được xác định vào năm 1978. Từ đó đến nay, nhiều chuyến thám hiểm khác nhau đã phát hiện thêm những "đảo ma" tương tự.

Một số nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng đây là các bờ đá dưới đáy biển bị băng biển đẩy lên bề mặt. Theo giáo sư Rene Forsberg - nhà nghiên cứu từ ĐH Kỹ thuật Đan Mạch - những bờ đá này thường dày khoảng 20-30 m và có lớp bề mặt mỏng gồm đất, sỏi đá và bùn.

Chính giáo sư Forsberg cũng từng tham gia một đoàn thám hiểm nghiên cứu hiện tượng này vào năm nay. Họ ghé thăm vài đảo nhỏ trong vùng, trong đó có Qeqertaq Avannarleq, thu thập dữ liệu GPS, sử dụng các kỹ thuật quét laser để đo độ dày của băng và độ sâu của biển.

Trước kia, độ sâu của vùng biển này chưa từng được đo do lớp băng biển bán tĩnh dày 2-3 m. Nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia xác nhận những hòn đảo nhỏ kỳ lạ trên không thực sự là đảo mà là tảng băng trôi lớn bị mắc kẹt ở đáy biển, bao gồm Qeqertaq Avannarleq.

Theo giáo sư Forsberg, các phép đo mới giúp xác nhận rõ rằng chúng là những tảng băng trôi đỉnh phẳng, có một lớp đất và sỏi đá khác thường phủ lên trên và bị mắc cạn: "Chúng ta có thể xếp chúng vào loại đảo băng bán tĩnh với tuổi thọ khoảng vài năm".

Theo họ, những hòn đảo ma nhiều khả năng bắt nguồn từ một sông băng cách mũi Morris Jesup khoảng 40-50 km về phía tây. Nhóm chuyên gia nhận định Inuit Qeqertaat, một hòn đảo thực thụ, mới là mảnh đất xa nhất thế giới về phía bắc.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/hon-dao-xa-nhat-the-gioi-o-bac-cuc-thuc-chat-chi-la-tang-bang-ban-post698188.html