Hồn đất

Minh họa: Phan Nhân

Minh họa: Phan Nhân

Đêm giao thừa, đình làng Trung sáng trưng bởi ánh điện, chỉ những ngày tết, ngày hội làng, người ta mới thắp thêm mấy bóng điện cho sáng, còn ngày thường thì dùng đèn dầu hoặc nến. Đình làng Trung được xây dựng từ năm 1802, thờ thần hoàng là cụ Võ Hào Liên - người có công đánh tan bọn cướp hay cướp bóc dân vạn chài trên khúc sông Hồng chảy qua làng Trung.

Dân làng truyền bảo rằng, cụ thần hoàng rất linh thiêng, ai ăn ở nhân đức, gặp hoạn nạn gì, đến đình làng cầu khấn, đều được cụ phù hộ; còn kẻ ăn ở bất nhân, đến cầu khấn, cho dù mâm cao cỗ đầy thì cụ cũng không phù hộ. Vì thế vào những ngày mồng một, ngày rằm âm lịch hàng tháng, nhất là ngày hội làng, ngày tết, đình làng Trung đông người đến thắp hương cầu khấn.

Vận bước chân vào cổng đình làng cũng là lúc giờ khắc giao thừa thiêng liêng đã gần đến. Rất nhiều người đã tụ tập ở đình làng để thắp hương tưởng nhớ công lao của thành hoàng làng, cầu khấn thần hoàng phù hộ một năm mới an khang, thịnh vượng rồi xin lửa bằng một cây đuốc, rước về nhà, thắp đèn hoặc đốt nến trên ban thờ để lấy may. Tục lệ này ở làng có từ rất lâu, Vận đã từng theo ông nội, theo bố đi xin lửa, nay Vận đi xin lửa cho chính cái gia đình mà mình làm chủ. Ngay cả trong những năm chiến tranh, tục lệ này vẫn diễn ra chỉ có điều thay vì ngọn đuốc sáng trưng cả đường làng thì người ta đốt cây đuốc nhỏ hoặc cây đèn dầu được che sáng để tránh máy bay Mỹ phát hiện.

Tiếng chào hỏi, chúc mừng năm mới râm ran cả sân đình, Vận đi vào trong đình, chưa kịp thắp hương thì khựng người lại khi thấy ông Bách cũng đang khấn vái thành hoàng làng với vẻ mặt thành kính. Trên ban thờ có đặt một bọc gì, chắc là của ông Bách. Chả nhẽ ông Bách đem cúng thần hoàng làng bằng cái gói này, mà nó là cái gói gì thế nhỉ? Vận cố đoán mò đoán non xem là gói gì nhưng chịu không đoán nổi. Vận lùi vào một góc tối quan sát, khấn vái xong, ông Bách cầm ba tờ giấy bạc mệnh giá một trăm ngàn đồng bỏ vào hòm công đức. Đúng là Việt kiều có khác, công đức những ba trăm ngàn, trong khi người làng chỉ năm ngàn, mười ngàn. Ông Bách đi ra, tay không quên cầm một gói được bọc bằng vải đỏ. Đợi cho ông Bách đi khỏi đình làng, Vận đi lại ban thờ, đặt lễ gồm một đĩa xôi, nải chuối, chai rượu và mười ngàn. Vận thắp hương, cầu khấn thành hoàng làng phù hộ độ trì cho bản thân, vợ con năm nay được mạnh khỏe, mọi tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, xây lại được cái nhà. Khấn xong, Vận đi ra cửa, trò chuyện với mấy người làng một lúc rồi quay vào hạ lễ. Xôi, chuối thì Vận mang về còn mười ngàn thì bỏ hòm công đức. Trước khi ra về, Vận cũng như mọi người không quên xin lửa thành hoành làng, Vận lấy cái đóm, châm lửa từ ngọn đèn dầu trên bàn thờ rồi châm vào cây đuốc của mình. Vận vội vã đi về nhà. Vợ Vận đã sắp sẵn mâm cơm cúng giao thừa, Vận châm lửa từ cây đuốc vào cây nến, thắp hương cầu khấn tổ tiên, ông bà bằng những lời mà Vận khấn ở đình làng. Hương cháy rất cong, Vận lấy làm sung sướng lắm, hy vọng năm nay nhà mình sẽ được nhiều phúc, lộc. Cúng giao thừa xong, Vận thì thầm với vợ:

- Nhà nó này, giao thừa năm nay, ông Bách cũng đến đình làng thắp hương, khi về mang theo một cục gì bọc vải đỏ to lắm!

- Thế hả?- Chị vợ ngạc nhiên không kém.

Hai vợ chồng vừa trò chuyện xoay quanh cái gói bọc vải đỏ của ông Bách vừa trách móc ông kẹt xỉ, khi nghe tin ông từ nước Mỹ về, hiện ở nhà ông Hải - trưởng họ, hai vợ chồng Vận và con cái đến thăm, mang tiếng là cháu họ mà chỉ được ông Bách cho gói kẹo và mảnh vải may áo cho hai đứa con.

- Cục vàng!- Bỗng vợ Vận thốt lên như thể đang cuốc vườn, bỗng dưng đào được vàng.

- Vàng? Ở đâu? - Vận mắt tròn mắt dẹt nhìn vợ.

Vợ Vận kể với chồng rằng, nghe nói ngày xưa ông Bách đi ở cho địa chủ Hào, có lần ông Hào kêu mất vàng, lọc cổ ông Bách ra đánh sưng cả đít, không tìm lại được vàng nên đã đuổi ông Bách đi. Hồi đó ai cũng nghĩ ông Bách bị oan. Những ngày đầu, ông Bách sống lởn vởn ở đình làng, ăn đồ người ta cúng, đêm chui vào cái hốc trong gốc đa ngủ. Những ngày đó, chính mẹ vợ tương lai của Vận được giao trọng trách quét tước sân đình và vợ Vận cũng hay theo mẹ đi quét lá đa nên đã tận mắt nhìn thấy ông Bách ngồi ăn xôi dưới gốc đa. Thì ra những ngày ấy, ông Bách chịu cảnh sống tủi nhục để tìm cách chôn giấu vàng ăn cắp được của nhà ông Hào trong khuôn viên đình làng. Sau đó, ông Bách biệt tăm khỏi làng mấy mươi năm, nay mới có dịp về quê với cái mác Việt kiều, ông Bách đào vàng lên, khấn xin thành hoàng cho mang đi! Nghe vợ nói, Vận bảo, thôi đúng rồi, ông Bách đã chôn vàng ở đình làng thì muốn mang đi phải cúng lễ xin phép thần hoàng, thần nào mà ông Bách công đức những ba trăm ngàn; ông lại còn đẽo ít vàng bán đi nên mới có tiền thăm hỏi người già cô đơn trong làng, lại còn ủng hộ quỹ khuyến học của xã mười triệu đồng! Thế mà vợ chồng Vận, tiếng là cháu họ mà chẳng được ông Bách cho đồng nào? Vợ Vận bàn với chồng, tìm cách lấy cắp được cục vàng của ông Bách, chỉ có thế mới thoát được kiếp nghèo, ngóc đầu, ngẩng mặt được với dân làng. Vận nghe vợ bàn thế, bằng lòng ngay, cục vàng ấy mà bán đi sẽ có bạc tỷ trong tay chứ chả ít. Vợ chồng Vận sẽ xây một ngôi nhà to nhất làng, có cổng sắt, hàng rào dây thép gai; trong nhà trang bị toàn đồ ngoại, từ ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa, bồn tắm, xe máy, rồi nuôi chó bécgiê để nó trông nhà. Sáng sáng vợ chồng, con cái Vận sẽ đèo nhau bằng xe máy ra phố chợ ăn phở hoặc cháo lòng tiết canh chứ không thèm ăn khoai lang luộc hoặc cơm nguội như mọi khi để dân làng phải trợn mắt lên mà thèm! Rồi có khi Vận cũng sẽ sắm một cây vợt để thỉnh thoảng đi lên phố huyện đánh tennit để tỏ ra là giới thượng lưu! Vận thì vẽ ra viễn cảnh vậy còn vợ Vận thì toan tính sẽ lên Hà Nội, đi thẩm mỹ viện, tu bổ lại nhan sắc, cái khuôn mặt trông cũng xinh nhưng phải tội cái mũi tẹt quá, mũi sẽ được nâng lên, cả cái ngực lép kẹp này cũng sẽ được nâng lên thành căng phồng như ngực gái đôi mươi, cả đời lam lũ nhiều rồi, nay có tiền cũng phải biết hưởng thụ chứ!

Ý định đi ăn cắp cục vàng đã được vợ chồng Vận nhất trí cao, nhưng lấy được cục vàng bằng cách nào thì quả là nan giải, mấy chục phương án được đưa ra, cuối cùng vợ chồng Vận nhất trí với phương án kiếm một cục đá, lấy miếng vải đỏ bọc vào rồi đánh tráo cục vàng của ông Bách vào sáng mồng một Tết.

Sáng mồng một Tết, vợ chồng Vận dậy sớm hơn mọi năm để làm cơm cúng nhà sớm còn sang nhà ông trưởng họ sớm. Ông trưởng họ thấy vợ chồng, con cái Vận sang thắp hương ở từ đường và chúc tết gia đình mình sớm hơn mọi năm những cả buổi thì lấy làm lạ lắm. Vận bảo, phận làm con cháu, ngày giỗ tổ, ngày tết phải thắp hương cho các cụ trước, có như vậy các cụ mới phù hộ cho. Ông trưởng họ cười tươi, nói rằng ai cũng nghĩ được như vợ chồng Vận thì cái họ Đào này chả mấy lúc mà hiển đạt.

Theo như sự dặn dò của chồng, đang lúc mọi người, trong đó có cả ông Bách đang đông vui trò chuyện thì vợ Vận bế đứa con gái hai tuổi ra sân, giẫm mạnh vào chân con làm đứa bé khóc ré lên, ông Bách và mọi người vội chạy ra lấy kẹo và tiền mừng tuổi, dỗ dành mãi đứa bé mới nín. Tranh thủ thời cơ, Vận mở tủ, lục cái túi du lịch của ông Bách, đánh tráo được gói vàng, giấu kín trong túi áo rét. Mọi người quay vào nhà, ông Bách bảo với vợ chồng Vận thông cảm cho ông, sức khỏe của ông không được khỏe nên ông không đến nhà thăm hai cháu được. Vận bảo không có gì, vả lại là hàng con cháu, vợ chồng, con cái Vận phải có trách nhiệm đến thăm hỏi ông. Ông Bách hỏi thăm vợ chồng Vận làm ăn thế nào, mới hay nhà của vợ chồng Vận bị bão làm hư hỏng nặng, chưa có tiền sửa chữa. Ông Bách đi lại phía tủ, chân tay Vận run bắn lên, nhưng rất may, ông Bách chỉ lấy cái ví, móc tiền ra đưa cho Vận:

- Bác còn năm trăm đô, định mua quà mang về Mỹ nhưng thôi, tặng vợ chồng cháu để sửa nhà.

Vận ngỡ như vừa thoát khỏi trái núi khổng lồ đè lên người, cảm ơn ông Bách rối rít rồi xin phép ra về ngay. Sợ ông Bách phát hiện ra rồi sang nhà truy tìm, Vận mang cái xẻng ra sau vườn đào một cái lỗ sâu tới nửa mét chôn ngay cục vàng. Lại còn đánh cả một cây chuối non trồng lên để ngụy trang.

Mồng bốn Tết, ông Bách mới lên Hà Nội, bay về Mỹ, vợ chồng Vận vẫn chưa dám đào cục vàng lên, sợ ông Bách ra sân bay, kiểm lại thấy thiếu cục vàng lại quay về truy tìm hoặc báo công an thì nguy. Hôm sau, mồng năm, Vận bảo vợ ra đào cục vàng nhưng vợ can là ngày xấu nên đợi đến ngày mồng sáu mới quyết định đào. Sáng sớm tinh mơ ngày mồng sáu, sương còn giăng kín mặt đất, hai vợ chồng Vận cầm cái xẻng đi ra sau vườn, Vận dặn vợ canh chừng nhìn xung quanh, hễ thấy có ai là hắng giọng để Vận còn liệu tính. Trời lạnh nhưng mồ hôi lấm tấm trên trán Vận, không phải do sức nóng của sự vận động cơ bắp mà do sức nóng của cục vàng đang làm Vận hồi hộp. Vận đang đào, bỗng vợ vận ho lên một tiếng, Vận vội ngồi thụp xuống miệng hố, thì ra có người đi qua ngõ, vợ Vận tưởng họ vào nhà mình nên đánh động cho chồng biết. Đào xong cục vàng, vợ chồng Vận đi như ma đuổi vào trong buồng, đóng cửa, chốt thật chặt, Vận còn he hé nhìn ra ngoài xem có ai không? Không có ai, nhưng vợ chồng Vận cũng không dám bật điện, vợ Vận bấm đèn pin, Vận run rẩy lần giở từng lớp vỏ đỏ, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng từng tí một như thể các nhà khảo cổ học đang lần giở một bảo bối quốc gia vừa khai quật thấy. Sắp đến lần vải cuối cùng, cả hai vợ chồng Vận đều căng mắt, tim đập rộn rã, một giọt mồ hôi trên trán Vận lăn cả xuống miếng vải.

- Anh mở ra đi!

Vợ Vận không còn đủ kiên nhẫn, giục chồng, Vận nhắm mắt kéo nốt lần vải cuối cùng. Cả hai vợ chồng Vận trố mắt khi thấy “cục vàng” chỉ là cục đất? Thì ra tuy là sống ở Mỹ nhưng ông Bách vẫn luôn tưởng nhớ về quê hương. Thành hoàng làng rất linh thiêng, ông xin thành hoàng cục đất mang sang Mỹ, chờ khi an giấc ngàn thu, không được về chôn cất ở trên mảnh đất quê hương thì cũng có cục đất này đắp lên mộ!

VŨ ĐẢM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202101/hon-dat-3038151/