Hơn hai tháng sống tạm, người dân thôn Cả chưa dám về nhà
Sau vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng xảy ra cuối tháng 2 tại núi Ma Lào (xã Ban Công, huyện Bá Thước, Thanh Hóa), nhiều hộ dân vẫn đang sống trong cảnh tạm bợ, lo sợ trước nguy cơ sạt lở có thể tiếp diễn bất kỳ lúc nào.
Kể từ rạng sáng định mệnh ngày 26.2.2025, khi hàng chục khối đất đá lớn bất ngờ đổ ập từ sườn núi xuống thôn Cả, xã Ban Công, cuộc sống của nhiều gia đình nơi đây đã bị đảo lộn hoàn toàn.
Một nhà sàn và công trình phụ bị vùi lấp, hai xe máy cùng toàn bộ đồ đạc của hộ ông Bùi Văn Hanh bị phá hủy, nhưng may mắn không có thiệt hại về người.
Tuy nhiên, nỗi hoảng loạn và lo âu vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người dân.

Nhà cửa cưa một hộ dân thôn Cả bị hư hỏng nặng sau vụ sạt lở núi Ma Lào
Nguy cơ chưa qua, cuộc sống vẫn tạm bợ
Hơn hai tháng trôi qua, 9 hộ dân trong khu vực ảnh hưởng vẫn chưa thể trở về nhà.
Trong đó, gia đình ông Hanh, hộ bị thiệt hại nặng nhất đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí di dời đến nơi ở mới.
Ba hộ khác đang tá túc tạm thời tại nhà người thân, còn 5 hộ phải sống tạm tại điểm lẻ của Trường Tiểu học Ban Công, nơi điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn.
Người dân cho biết, nỗi lo lở đất vẫn thường trực khi mà núi Ma Lào vẫn treo lơ lửng những khối đá tảng lớn, nằm chênh vênh trên sườn núi có độ dốc cao. Thời tiết thất thường càng khiến tâm lý người dân thêm bất an.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Bá Thước và chính quyền xã Ban Công đã tổ chức kiểm tra thực địa tại hiện trường sạt lở.
Theo báo cáo, khoảng 80m³ đất đá đã bị sạt trượt trong vụ việc, trong đó có 5 tảng đá lớn, mỗi tảng có thể tích từ 3m³ trở lên.
Cơ quan chức năng bước đầu nhận định, nguyên nhân gây ra sạt lở là do địa hình phức tạp, nhiều khối đá tảng nằm trên sườn núi dốc, xen kẽ lớp đất mỏng, lại trải qua thời gian dài chịu tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan, khiến các địa tầng bị đứt gãy và sạt trượt.
Hiện tại, để xác định rõ ràng nguy cơ và phạm vi ảnh hưởng, cần thiết phải triển khai dự án quan trắc địa chất dài hạn và đánh giá tổng thể, tránh những rủi ro tiềm tàng trong tương lai.

Hiện trường vụ sạt lở núi Ma Lào với nhiều tảng đá lớn đổ xuống khu dân cư thôn Cả
Di dời khẩn cấp, bổ sung vào đề án ổn định dân cư
Trước tình hình nguy hiểm, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo huyện Bá Thước và các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn ngay lập tức cho người dân khu vực có nguy cơ sạt lở.
Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức di dời 8 hộ dân còn lại ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đặc biệt, Sở đề xuất bổ sung 8 hộ dân (tổng 33 nhân khẩu) còn lại trong khu vực vào Đề án sắp xếp, ổn định dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét giai đoạn 2021–2025.
Qua đó, làm cơ sở để đề xuất hỗ trợ kinh phí, di dời toàn bộ người dân đến nơi ở mới an toàn, bền vững.