Hồn làng bớt bơ vơ thành thị
Bốn năm hoạt động trên mạng xã hội 'ảo', ngoài những tình cảm gắn kết giữa các thành viên 'Người Nhà Quê' thì đã sinh ra hai thứ rất thật: Tập thơ 'Nắng từ quê mẹ' (in năm 2017) và một tập vừa in xong trong mùa Thu này – 'Làng'.
Tập thơ “Làng” không mới về thể loại hay ngôn ngữ nhưng mộc mạc, chất phác, là chắt lọc những cảm xúc, suy tư, trăn trở, những mạch yêu thương về những ký ức đẹp trong quá khứ, về những thân phận phải rời khỏi một nơi chốn gọi là “làng tôi” để mưu sinh nơi phố thị.
Nếu như ở tập thơ “Nắng từ quê mẹ”, tập thơ đầu, "Người Nhà Quê" chọn lọc đủ để ra tập thơ có 100 bài. Thì đến tập “Làng”, như anh Bùi Trọng Lịch – quản trị viên, thành viên hội đồng tuyển chọn, cho biết: “Chúng tôi cũng cố gắng để chọn được 100 bài, một con số đẹp, nhưng do chất lượng cảm thấy chưa đạt nên đành dừng ở con số... gần 100”. Nói vậy để thấy những bài thơ dễ đọc, dễ cảm, nhưng không dễ dãi.
35 nhà thơ có mặt trong “Làng” dù sinh ra, lớn lên ở đâu, dù mỗi cuộc đời một cảnh vất vả mưu sinh không dễ nói, nhưng đều gặp được nhau ở sự đồng điệu trong hành trình tìm về nơi sinh ra những điều nhân bản lương thiện.
“Những chiều đi bẻ trộm ngô
Gà bọc lá đắp bùn khô nướng vàng
Những đêm trăng sáng đường làng
Đốt đèn hạt bưởi rộn ràng đùa vui”
(“Về quê” – Hoàng Thuấn)
Làng là nơi ông bà, cha mẹ ta đã sinh ra, lớn lên yêu thương nhau và sinh con, đẻ cái. Hồn cốt của người Việt cũng từ đấy mà tồn tại qua thời gian với bao đổi thay , dâu bể, đá vàng. Làng chính là phần mà trong sâu thẳm tâm hồn mình ta vẫn gọi bằng hai từ “quê hương”.
“Nửa đời tất tả ngược xuôi
Vẫn thèm được tiếng ầu ơ giấc nồng
Trong vòng tay mẹ bao dung
Thị thành bỏ lại, bão giông kệ đời”
(“Con về thương mãi tháng năm” – Vũ Dương)
Có thể chúng ta không sinh ra và lớn lên ở làng, nhưng đã là người Việt thì ai mà không có nguồn Cội từ một làng quê nào đấy. “Anh quê ở đâu?” – Câu hỏi ấy không để hỏi về nơi ta sống mà để hỏi về nơi ông bà, cha mẹ ta sống. Bao nhiêu đời cũng chẳng rõ những nơi nào còn về thắp hương ở nhà thờ tổ tiên ngày giỗ họ, còn về thanh minh, còn đi tảo mộ cuối năm... thì nơi đây là quê hương.
“Tôi quê ở làng Chòm, bác quê Kẻ Sặt, chị quê làng, anh quê Định Công”... Tất thảy đều là làng trong nỗi nhớ ngay cả khi ta đang ở. Nỗi nhớ về những ngày xa xưa, những ngày lễ lạt, những buổi đoàn viên. Có thể là nỗi nhớ bóng ai thấp thoáng trong kỷ niệm. Và cũng có thể là nỗi nhớ mơ hồ, chỉ cồn cào lên mỗi lúc ngửi thấy mùi hương nước lá mùi già nhà bên đêm trừ tịch, mùi hoa bưởi trên vai cô hàng hoa lúc sớm mai, mùi nước chè xanh trưa hè nơi quán vắng.
Một nhà thơ Nga từng nói, “tình yêu đất nước bắt nguồn từ tình yêu mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”. Nói về tình yêu quê hương có vẻ lớn lao và “sáo mòn” nhưng thực ra nó giản dị và bắt nguồn từ những điều có thực:
“Bữa cơm gạo mới thật ngon
Thơm từ mùa cũ theo con đến giờ”
(thơ “Bùi Thị Bích Hiền”)
Anh Nguyễn Tiến Cường, một nhà thiết kế đang sinh sống tại Hà Nội, cũng là một “Người Nhà Quê” tâm sự: Tôi sinh ra ở Hà Nội. Hồi còn niên thiếu, với tôi, Hà Nội cũng chẳng khác gì một cái làng lớn. Quê tôi, làng tôi bắt đầu xuất hiện trong ký ức của tôi là khi lên 7, 8 tuổi. Thời đó cứ hè nghỉ học tôi được cho về quê chơi một vài tuần. Quen với nếp phố nên đứa trẻ con tôi nhìn quê lạ lẫm, đầy háo hức và tò mò. Mọi thứ đều được khắc sâu, thật sâu.
Thời đó, làng tôi tinh mơ là tiếng gà và nửa đêm là tiếng chó. Cánh đồng làng bao la, cây gạo thì có ma và cây đa thì bị dọa là có người treo cổ nên tôi không dám bén mảng. Sân chùa thì mát mà sân đình thì rộng. Giếng khơi thì trong, ao thì nhiều cá. Cây ổi cây hồng xiêm nhiều chạc dễ trèo, còn cây khế thì đầy sâu róm và cây nhãn thì quá cao nên tôi chịu.
Tôi theo lũ anh em họ sàn tuổi đi bêu nắng cả ngày. Chăn trâu, thả diều, ăn quả xanh, uống nước lã, xiên ếch, bắt lươn, mò trai, mót cá... nói chung đủ cả không thiếu trò gì.
Làng tôi lên phố lâu rồi. Khu đô thị đầu tiên của Hà Nội là khu đô thị mới Định Công biến toàn bộ cánh đồng mênh mông cạnh sân bay Bạch Mai thành nhà cao tầng và biệt thự. Làng tôi thay đổi từ đó. Cánh đồng không còn, nhà mái bằng, cao tầng thay cho nhà ba gian. Giếng đục, ao lấp, sông đen ngòm, vườn thành dãy nhà trọ cho thuê. Thời cây đa bến nước con đò chỉ còn trong ký ức.
"Chú tiểu quét lá buổi trưa
Lời kinh vừa giảng, lá vừa mới rơi"
Anh Bùi Trọng Lịch – quản trị viên của “Người Nhà Quê”, cũng là người phát động, tuyển chọn gần 100 bài thơ từ hàng nghìn bài thơ từ khắp nơi gửi về cho biết, "Người Nhà Quê" là một nhóm những cá nhân sinh hoạt trong group "Người Nhà Quê" trên Facebook. Nhóm được thành lập vào tháng 11/2015 với tôn chỉ giữ gìn và huy bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam, nơi kết nối và chia sẻ của những người yêu quê hương, nơi thảo luận các câu chuyện xã hội và đời sống vì mục tiêu phát triển chung cho cộng đồng.
“Nhiều người vẫn tưởng "Người Nhà Quê" là một nhóm sinh hoạt văn chương nhưng không phải. Đây là nơi sinh hoạt của những người yêu nhà quê, văn chương, thơ phú chỉ là một phương tiện biểu hiện cho tiếng lòng của chúng tôi”, anh Lịch tâm sự.
Làng là quê, là nơi mỗi ngày thức dậy ta nhìn ra vườn và thấy nắng ban mai chứ không phải bê tông và khói bụi. Đọc tập thơ “Làng” để thấy đâu đấy trong chúng tôi – chúng ta mãi mãi bơ vơ, ăn mày thành thị. Và những trang thơ “Làng” chính là một cách để tôn vinh những miền đất mà chúng ta trìu mến gọi là “Làng Tôi”.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hon-lang-bot-bo-vo-thanh-thi-post68572.html