Hỗn loạn sau lệnh cấm xuất khẩu gạo: Láng giềng Việt Nam hứng chịu đầu tiên

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, không chỉ lỡ cơ hội vàng xuất khẩu gạo mà còn phải chịu cảnh thị trường hỗn loạn.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã làm cho nhu cầu tăng cao, gây ra tình trạng đầu cơ tích trữ, ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu của Thái Lan.

Ảnh: Nikkei

Ảnh: Nikkei

Giá gạo xay xát trong nước của Thái Lan đã tăng gần 20% trong tuần trước lên 21.000 baht/tấn (597 USD/tấn), tăng từ mức khoảng 17.000 baht vài tuần trước đó.

Điều này đã đẩy giá xuất khẩu gạo trắng chuẩn 5% của Thái Lan (có 5% gạo tấm) lên 610 USD/tấn, tăng lên mức cao nhất trong 11 năm. Mặc dù chính phủ Thái Lan không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo nhưng các nhà xuất khẩu Thái Lan vẫn không muốn bán ra do nguồn cung không đảm bảo.

Thái Lan thường sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo xay xát, một nửa trong đó được tiêu thụ trong nước. Nửa còn lại dành cho xuất khẩu.

Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nói với Nikkei Asia rằng cho đến nay, Thái Lan chưa bao giờ bị khan hiếm nguồn cung nhưng năm nay, thị trường gạo Thái Lan hỗn loạn vì các nhà xuất khẩu lo ngại về biến động giá và sự không chắc chắn về nguồn cung.

Ấn Độ đã công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7. Lệnh cấm này gây lo ngại về lượng gạo dự trữ giảm và khuyến khích các nhà nhập khẩu gạo lớn tìm kiếm gạo từ các nhà xuất khẩu gạo lớn khác, bao gồm Thái Lan và Việt Nam.

Nhưng việc tích trữ dự kiến sẽ khiến giá gạo Thái Lan kém cạnh tranh và cướp đi cơ hội "vàng" để xuất khẩu của Thái Lan do Ấn Độ vắng bóng trên thị trường quốc tế.

Ngoài tăng giá do tích trữ, hiện tượng El Nino khô hạn cũng gây khó khăn cho vụ thu hoạch và ngăn cản Thái Lan xuất khẩu nhiều gạo hơn trong năm nay và năm tới.

El Nino dự kiến sẽ dẫn đến lượng mưa ít hơn vào tháng 9 và tháng 10, thời điểm khi cây lúa cần được bổ sung nước. Điều đó có thể làm giảm sản lượng khi vụ mùa được đưa ra thị trường vào tháng 11. Hơn nữa, lượng mưa thấp hơn do El Nino gây ra có thể sẽ làm giảm mực nước tại các hồ chứa lớn, ảnh hưởng đến việc cung cấp năng lượng cho hệ thống thủy lợi và rất quan trọng đối với việc gieo trồng trái vụ.

Hiện chưa có ước tính sản lượng chính xác, nhưng Bộ Nông nghiệp Thái Lan dự báo rằng niên vụ 2023 - 2024 của Thái Lan sẽ thấp hơn dự kiến.

Do nguồn cung khan hiếm và tình trạng đầu cơ tích trữ, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ duy trì mục tiêu xuất khẩu năm 2023 ở mức 8,5 triệu tấn do nước này khó có thể tận dụng lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.

Trước đó, các chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng hỗn loạn thị trường sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

Nếu các nhà xuất khẩu gạo lớn khác như Việt Nam và Campuchia áp đặt hình thức hạn chế xuất khẩu, và các nhà nhập khẩu lớn như Indonesia và Malaysia đua nhau tích trữ, thì thế giới sẽ chứng kiến "sự hỗn loạn có thể xảy ra trên thị trường gạo", ông Mohanty, Giám đốc vùng của công ty nghiên cứu nông nghiệp International Potato Center (CIP), nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo, nhưng tác động lần này có thể sâu rộng hơn. Vào tháng 10/2007, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo và tái áp đặt vào tháng 4/2008, khiến giá mặt hàng này tăng gần 30%.

Minh Khôi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hon-loan-sau-lenh-cam-xuat-khau-gao-lang-gieng-viet-nam-hung-chiu-dau-tien-d600978.html