Hỗn loạn thị trường tranh giả - 'Họa sĩ trẻ: Tôi tẩy chay'

Thị trường cho các tác phẩm nghệ thuật hội họa có vẻ đang rất tốt, nhưng kèm theo đó cũng không ít rủi ro bởi sự xô bồ, thật giả lẫn lộn... Họa sĩ trẻ đứng trong vòng xoáy đó nếu không có bản lĩnh về nghề sẽ chạy theo thị hiếu của thị trường, đánh mất bản sắc cá nhân, sự độc đáo dần mất đi một cách đáng tiếc.

Nhắc đến Tứ Lập, giới họa sĩ miền Bắc nhớ đến ngay bốn gương mặt thân thuộc, đó là Bùi Văn Tuất, Phạm Xuân Trung, Nguyễn Minh và Đặng Hữu. Mấy năm trở lại đây, tiếng tăm của nhóm đã được định vị trong lĩnh vực hội họa. Để có được điều này, nhóm Tứ Lập đã có nhiều nỗ lực, họ luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ thuật tác nghiệp. Quan trọng hơn, họ luôn sống dấn thân, lao động hết mình để làm đầy vốn sống – yếu tố tạo nên lửa và độ chín của sáng tạo. Phóng viên có cuộc trao đổi với họa sĩ Nguyễn Minh, nhân dịp triển lãm tranh của nhóm vào đầu tháng 9.

Đây không phải lần đầu xuất hiện triển lãm của một nhóm. Tứ Lập là nhóm của bốn họa sẽ trẻ. Ý nguyện của các anh khi thành lập và triển lãm lần này là gì?

Họa sĩ Nguyễn Minh

Họa sĩ Nguyễn Minh

Việc tập hợp thành nhóm và có những cuộc triển lãm chung là bước đầu cho những họa sĩ trẻ, nhằm đưa được tác phẩm tới mọi người và công chúng yêu mến hội họa. Những tác phẩm được xây dựng và chuẩn bị tốt nhất sẽ được đưa ra triển lãm. Bốn người của nhóm Tứ Lập trước khi gặp nhau quyết định làm triển lãm chung đều trải qua nhiều năm làm việc, có điểm chung là dấn thân và thúc đẩy việc công bố tác phẩm tới mọi người.

Hiện nay điều kiện cho triển lãm cũng đã thay đổi nhiều. Ngoài những sự kiện trong hội mỹ thuật, những họa sĩ trẻ có thể tự mình công bố bằng cách thuê nhà triển lãm và tổ chức riêng – tạo cuộc chơi của cá nhân, hay một nhóm. Cách làm việc theo nhóm như vậy ít nhiều kích thích sự sáng tạo cho mỗi họa sĩ, là điều kiện tốt để những tác phẩm tốt ra đời và đến với công chúng yêu mến nghệ thuật.

Trong bối cảnh công chúng trẻ ngày nay ít quan tâm đến hội họa, nhất là với những tác giả trẻ đang định hình phong cách, nhóm “Tứ Lập” đã có 2 và giờ là lần thứ 3 triển lãm chung, phải chăng tổ chức triển lãm chung nhóm là cách thức nhằm gây chú ý và ấn tượng hiệu quả hơn là triển lãm cá nhân đơn lẻ?

Triển lãm của Tứ Lập mỗi lần diễn ra đều ít nhiều gây được sự quan tâm của xã hội, đồng nghiệp trong nghề. Cả 4 anh em dần tìm được hướng đi riêng và tiếp tục tìm tòi những vấn đề hay hơn cho tranh. Triển lãm lần này là Tứ Lập 3, thực hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Cả bốn người đều trưng bày những tác phẩm tranh có sự thay đổi nhất định, mới mẻ hơn so với hai lần triển lãm trước.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất với mảng tranh thể hiện cuộc sống người vùng cao quê anh. Thu gọn lại bằng những mảng góc cảnh cụ thể hơn, trau chuốt về hình và bố cục. Cách diễn đạt trên chất liệu sơn dầu mang hơi hướng hiện thực. Sự ấm áp bên góc bếp cũ, sần sùi của vách tường bám khói khiến chúng ta day dứt, hoang hoải nhớ. Anh vẽ những kỷ niệm đặc trưng trong chính ngôi nhà cũ của anh. Anh là một chàng trai người Mường gốc Ba Vì đã trưởng thành ở đô thị lớn Hà Nội. Họa sĩ Đặng Hữu, trẻ nhất nhóm, anh rong ruổi với giá vẽ nhiều nơi, nhiều tỉnh thành. Hữu chọn con đường khá gai góc là “Vẽ trực họa”. Tinh thần đó thể hiện rất rõ ràng với mảng tranh về Hà Giang. Đặng Hữu gửi gắm sự thấu hiểu, cảm nhận tinh tế với thiên nhiên. Anh hòa mình với cỏ cây, đá, với sự chuyển biến nhẹ nhàng không kém tinh tế trên bề mặt tranh. Ai đó lên Hà Giang nếu nhắm mắt lại sẽ cảm thấy hơi thở của Hữu. Đọng và gợi rất tế nhị.

Mọi người theo dõi Phạm Xuân Trung mấy năm nay có thể thấy rằng, trong đợt triển lãm này anh có một thay đổi về tư duy rất lớn. Không còn những con phố kỷ niệm, không còn những phong cảnh hiền hậu kỹ lưỡng, mà là cách giải quyết thông minh hơn. Anh mượn tranh để hướng tới môi trường sống. Rác thải tràn ngập tranh của Phạm Xuân Trung.

Còn tôi, tìm thấy sự thay đổi một cách khá ngẫu nhiên. Phố phường xung quanh xưởng áp mái tạo cho tôi sự thay đổi. Con đường trên cao, những ngôi nhà cũ chen lấn như cố gồng mình lên với những dự án chung cư lớn. Đô thị trở lên ngột ngạt bởi bê tông, tiếng ồn phương tiện. Tôi chọn màu xám để đặt tên tác phẩm và từng ngày cố gắng mang đến một cái nhìn đầy hiện thực nhức nhối của đô thị.

Phố xám của Nguyễn Minh

Phố xám của Nguyễn Minh

Đã có nhiều người vẽ về phố Hà Nội. Ngay cả Phạm Xuân Trung cũng vẽ phố. Rồi anh cũng chọn đề tài này. Vậy làm thế nào để tranh Nguyễn Minh ấn tượng, không giống người khác?

Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một điển hình thành công về tranh phố. Tranh ông là cả thời kỳ cổ kính, lớp nhà, mọi con phố cổ của Hà Nội được quy vào “Phố Phái”. Ở thời hiện đại, họa sĩ Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Thành Chương... là những người vẽ rất thành công.

Phố hay đô thị với tôi là khoảnh khắc tôi đang sống với nó và tôi tìm cách thể hiện nó đúng với khoảng thời gian tôi đang phát triển, định hình. Cụ thể như những lớp nhà cũ xô nghiêng, thể hiện ở bối cảnh chuyển mình chen lấn trong đô thị. Kiến trúc, sự bức bối của vật liệu xây dựng đã và đang át đi những hạ tầng cũ. Xây dựng là phát triển nhưng cũng kéo theo nhiều ngột ngạt cho môi trường sống. Sự quá tải đang gồng gánh đè lên vai cư dân sống trong đó. Tôi tìm cái đẹp trong những cái đang o ép va đập vào nhau hàng ngày hàng giờ.

Điều quan trọng nhất để tạo sự thành công cho một họa sĩ trẻ là gì?

Tôi nghĩ là, cần phải lao động, làm việc thật nhiều thì sẽ có những thành công. Hiện nay, công việc tại xưởng vẽ của một họa sĩ nếu chịu khó tìm tòi và có một thái độ lao động hết sức nghiêm túc thì sẽ phát triển xa. Tuy nhiên chúng tôi cũng cần có những cuộc triển lãm, được đánh giá bởi người xem, đồng nghiệp và các nhà phê bình mỹ thuật. Tiếp đó cũng cần thêm nhiều cuộc trao đổi, học hỏi tích lũy cho đời sống tinh thần mình, để đời sống luôn giàu có cảm xúc và khát vọng.

Họa sĩ trẻ như các anh bán tranh thế nào? Làm nghề chép tranh cũng là một cách, anh có chọn không?

Thị trường tranh trong nước đang phát triển khá tốt. Để tìm kiếm bức tranh hay và ưng ý, khách hàng họ có thể tìm theo nhiều kênh: tại xưởng vẽ, gallery, online (facebook, website...), vì thế họa sĩ trẻ nếu có tranh tốt thì sống tốt bằng nghề, không đến nỗi quá khó khăn.

Thị trường cho các tác phẩm nghệ thuật hội họa có vẻ đang rất tốt, nhưng kèm theo đó cũng không ít rủi ro bởi sự xô bồ, thật giả lẫn lộn... Họa sĩ trẻ đứng trong vòng xoáy đó nếu không có bản lĩnh về nghề sẽ chạy theo thị hiếu của thị trường, đánh mất bản sắc cá nhân, sự độc đáo dần mất đi một cách đáng tiếc. Câu chuyện về chép tranh, nhái tranh trong bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn xảy ra và đặc biệt hiện nay đang rất rầm rộ có quy mô. Là một họa sĩ trẻ đương nhiên tôi tẩy chay những việc làm như vậy. Vẽ là một quá trình rèn luyện, nhìn nhận dài hơi chứ không phải việc dễ dàng mà đạt. Cái đó luôn nằm trong ý thức làm nghề của tôi.

Trân trọng cảm ơn anh!

Thúy Thúy thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/hon-loan-thi-truong-tranh-gia-hoa-si-tre-toi-tay-chay-91565.html