'Hòn ngọc thô' với hình mẫu 'nói không với rác thải nhựa'

Được mệnh danh là 'hòn ngọc thô' của thành phố Hội An (Quảng Nam), khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đã và đang trở thành hình mẫu 'nói không với rác thải nhựa', góp phần bảo tồn nguyên vẹn giá trị hệ sinh thái rừng, biển, hướng tới phát triển bền vững.

Từ bến cảng Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam), du khách trước khi lên cano cao tốc bắt đầu hành trình ra đảo Cù Lao Chàm sẽ được kiểm soát trước về lượng túi nylon hoặc chai nhựa mang theo. Nếu du khách sử dụng nhiều túi nylon sẽ được bộ phận kiểm soát vé chỉ dẫn chuyển sang sử dụng túi sinh thái dùng nhiều lần.

Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An) có diện tích khoảng 15km2. Vừa đặt chân lên đảo, chúng tôi được chị Bích Phượng (42 tuổi) - ngư dân sống trên đảo đã 15 năm hồ hởi, tự hào giới thiệu: "Nơi đây đang là mô hình kiểu mẫu "nói không với rác thải nhựa" để các đảo như Cô Tô, Phú Quý hay Lý Sơn tham khảo, triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng, biển".

Theo chị Phượng, việc phân loại rác tại nguồn hay hạn chế sử dụng túi nylon đã trở thành thói quen, nếp sống của người dân ở trên đảo hơn chục năm nay. Trước đây, xã Tân Hiệp đã thành lập tổ công tác để tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng túi nylon. Đặc biệt, đưa chủ trương giảm thiểu sử dụng túi nylon vào Nghị quyết của HĐND xã và làm tiêu chí xét chọn “Gia đình văn hóa”. Vì thế, gia đình nào cũng nghiêm túc chấp hành.

"Những khẩu hiệu như “Vì Cù Lao Chàm, vì biển xanh, đảo xanh”; “Xách giỏ đi chợ - phong cách của người nội trợ”; “Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường" đã biến thành hành động cụ thể từ mỗi người dân, các hộ gia đình. Riêng cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải ký vào bản cam kết không sử dụng túi nylon trong sinh hoạt, không phát túi nylon cho người mua hàng", chị Phượng kể.

Trong lúc vừa chế biến hải sản phục vụ du khách, chị Phượng nói thêm, nếu không cố gắng thực hiện bảo vệ môi trường, các hộ dân nơi đây sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn sống, thu nhập và không thể níu chân, thu hút khách du lịch.

Được mệnh danh là "hòn ngọc thô" của Hội An, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đã và đang trở thành hình mẫu "nói không với rác thải nhựa". Ảnh: Châu Linh

Được mệnh danh là "hòn ngọc thô" của Hội An, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đã và đang trở thành hình mẫu "nói không với rác thải nhựa". Ảnh: Châu Linh

Tại khu chợ, người dân sử dụng túi sinh thái dùng nhiều lần để đựng hàng hóa cho du khách, các hộ gia đình. Ảnh: Châu Linh

Tại khu chợ, người dân sử dụng túi sinh thái dùng nhiều lần để đựng hàng hóa cho du khách, các hộ gia đình. Ảnh: Châu Linh

Du khách nước ngoài cùng tuân thủ không sử dụng túi nylon, thay vào đó là dùng túi vải hoặc và túi sinh thái dùng nhiều lần được người dân trên đảo phát. Ảnh: Châu Linh

Du khách nước ngoài cùng tuân thủ không sử dụng túi nylon, thay vào đó là dùng túi vải hoặc và túi sinh thái dùng nhiều lần được người dân trên đảo phát. Ảnh: Châu Linh

Để hành động bảo vệ môi trường đến từ nếp sống của mỗi gia đình, các tổ chức như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, ngư dân đã cùng tham gia nhiều mô hình, chiến dịch. Cụ thể Chiến dịch thứ 7 tình nguyện bảo vệ môi trường (phát quang bụi rậm, dọn cỏ, thu gom rác, trồng cây xanh...); mô hình “Ngôi nhà 0 đồng”; sinh hoạt chuyên đề “Nói không với túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần”, phân loại rác thải tại nguồn; tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương”; mô hình Phục hồi san hô, chuyển vị rùa biển...

Hơn 5 năm kể từ ngày chuyển ra cụm đảo Cù Lao Chàm sinh sống và làm dịch vụ lưu trú, cô Võ Thị Mai (60 tuổi) cho biết, toàn bộ túi nylon và rác không phân hủy sẽ vận chuyển vào đất liền xử lý. "Xe chở rác và các thuyền thúng vớt rác trên biển được trang bị để người dân thu gom và có khi kết hàng trăm cây tre để chắn quanh các mép nước, ngăn không cho rác và túi nylon dạt từ biển vào các kẽ đá", cô Mai nói.

Theo cô Mai, du khách nước ngoài tới đây đều đã tìm hiểu trước thông tin trên mạng, nên cũng chủ động mang theo các túi vải, hạn chế sử dụng nylon. "Đa số du khách chọn đến Cù Lao Chàm bởi vẻ đẹp hoang sơ, yên bình, trong lành. Vì thế, ai sống ở nơi này đều đang nỗ lực chung tay cùng nhau bảo vệ chính môi trường sống của mình để hướng tới sự phát triển bền vững", cô Mai nói.

Cụm đảo Cù Lao Chàm có 8 đảo (hòn Khô mẹ, hòn Khô con, hòn Lá, hòn Mồ, hòn Dài, hòn Lao, hòn Tai, và hòn Ông) và 9 bãi biển trong xanh (bãi Bấc, bãi Làng, bãi Ông, bãi Xếp, bãi Chồng, bãi Bìm, bãi Hương, bãi Tra và bãi Nần). Trên mỗi bãi biển đều được thiết kế 3 thùng rác có chỉ dẫn phân loại (chất thải tái chế, chất thải hữu cơ, chất thải vô cơ). Ảnh: Châu Linh

Cụm đảo Cù Lao Chàm có 8 đảo (hòn Khô mẹ, hòn Khô con, hòn Lá, hòn Mồ, hòn Dài, hòn Lao, hòn Tai, và hòn Ông) và 9 bãi biển trong xanh (bãi Bấc, bãi Làng, bãi Ông, bãi Xếp, bãi Chồng, bãi Bìm, bãi Hương, bãi Tra và bãi Nần). Trên mỗi bãi biển đều được thiết kế 3 thùng rác có chỉ dẫn phân loại (chất thải tái chế, chất thải hữu cơ, chất thải vô cơ). Ảnh: Châu Linh

Rời đảo trong ánh nắng vàng ruộm, hình ảnh mấy em nhỏ đang lượm lặt những chiếc chai nhựa để vẽ vời, tái chế thành đồ chơi đã để lại dấu ấn và niềm tin trong tôi cũng như nhiều du khách khách. Rằng, năm sau hay nhiều năm nữa, khi trở lại nơi này, chúng tôi vẫn và luôn được "chữa lành" bởi một không gian thơ mộng, yên bình và được khám phá, được cảm nhận những giá trị mà thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng trên "hòn ngọc thô" với hình mẫu "nói không với rác thải nhựa".

Châu Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hon-ngoc-tho-voi-hinh-mau-noi-khong-voi-rac-thai-nhua-post1639734.tpo