'Hòn ngọc Viễn Đông' của Sài Gòn xưa
Sài Gòn xưa - TPHCM hôm nay, từng được mệnh danh là 'Hòn ngọc Viễn Đông'. Vì sao và từ đâu có tên gọi này?
Sài Gòn xưa là vùng đất hoang vu mà người Pháp muốn đầu tư để biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông”. Từ những năm 1895, Pháp tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản nhất so với các thành phố khác trong khu vực, ban đầu được gọi là “Thị trấn giữa rừng” nhằm phát triển kinh tế.
Và danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” xuất hiện để chỉ cho Sài Gòn. Đây được xem là thủ phủ của Đông Dương về kinh tế, giải trí để cạnh tranh với Singapore của người Anh.
Continental Palace, khách sạn sang trọng đầu tiên của vùng Nam Kỳ được hoàn thành năm 1880. Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí bên trong đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, ngay bên cạnh là Nhà hát Opera House. Và nay vẫn vậy.
Giai đoạn này, khu vực trung tâm thành phố xuất hiện hàng loạt các công trình nổi bật còn tồn tại đến ngày nay như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, Dinh thống đốc… Tuyến đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay) được ví như trái tim của Sài Gòn khi tập trung nhiều điểm vui chơi, giải trí của thành phố.
Góc ngã tư lâu đời bậc nhất của Sài Gòn, giao giữa 2 đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi, 2 con đường xa hoa bậc nhất của Nam Kỳ, ở giữa là hồ nước bùng binh Bồn Kèn. Nay là vòng xoay đài phun nước phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi.
Hàng loạt nhà hàng, khách sạn mọc lên dọc trục đường đã quy tụ giới tinh hoa, giàu có về đây hưởng thụ. Các công trình được xây trên khu đất đẹp, cao ráo, hướng ra dòng sông uốn lượn bao quanh là rừng.
Trên kênh Lớn (đường Nguyễn Huệ ngày nay) hay kênh Xáng (đường Hàm Nghi), có những khu chợ thông thương với sông Sài Gòn tấp nập người mua kẻ bán. Một thị trấn giữa rừng dần chuyển mình phát triển.
Một góc ảnh đường Catinat, nay là đường Đồng Khởi. Đây là con đường được tráng nhựa đầu tiên của Sài Gòn. Sau đó không lâu nhanh chóng trở thành trung tâm sinh hoạt thương mại của thành phố.
Giao thông đường thủy được người Pháp ưu tiên phát triển, kênh Bến Nghé - Tàu Hủ trở thành tuyến thông thương chính cho thuyền bè từ Đông Nam bộ, miền Tây vào sâu trong Sài Gòn đến vùng Chợ Lớn. Ngoài tuyến đường thủy, để kết nối với khu Chợ Lớn và phía Tây TPHCM ngày nay, các đại lộ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai... dần hình thành.
Nhà Hát Opera House xây đầu thế kỷ 20. Nay là Nhà hát TPHCM.
Đặc biệt, khi xuất hiện chợ Bến Thành năm 1914, nhu cầu thông thương hàng hóa giữa khu vực trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn phát triển mạnh. Từ yêu cầu cấp thiết này, khu vực đầm lầy giữa Sài Gòn - Chợ Lớn được san lấp để mở đại lộ Trần Hưng Đạo ngày nay. Năm 1885, tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương dài 70 km nối Sài Gòn – Mỹ Tho cũng được xây dựng.
Dòng người đang qua đường trên đại lộ Nguyễn Huệ. Tấm hình này được chụp năm 1969, và trang phục của những thanh niên trong ảnh không khác gì hiện nay.
Theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, lúc Sài Gòn được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông” thì thành phố có quy mô nhỏ, phạm vi chỉ gói gọn ở trung tâm TPHCM ngày nay. Trong khi Singapore lúc đó chỉ là đảo quốc hoang vu, Bangkok cũng ít người nhắc đến. Những quốc gia này lấy Sài Gòn như hình tượng để phát triển theo.
Hình ảnh chợ Bến Thành hơn nửa thế kỷ trước, được xây từ năm 1912 và vẫn còn nguyên vẹn cho đến nay. Chợ Bến Thành trở thành biểu tượng của Sài Gòn xưa và TPHCM ngày nay.
TPHCM hôm nay hiện phát triển hơn nhiều so với thời “Hòn ngọc Viễn Đông”, nhưng những bước tiến đạt được chưa tương xứng tiềm năng, vị thế, chức năng để đáp ứng yêu cầu đua tranh với các thành phố tương tự trong khu vực như Bangkok, Singapore, Busan...
Đường Phan Đình Phùng, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu. Trong ảnh là ngã tư Phan Đình Phùng và Trương Minh Giảng nay là đường Trần Quốc Thảo.
Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM chính thức có hiệu lực vào ngày 1-8-2023. Đây là cơ hội để đưa cả nước nói chung và TPHCM nói riêng lên đẳng cấp mới, một đầu tàu kinh tế của cả nước.
Trên đây là những bức ảnh về Sài Gòn xưa của tác giả Mạnh Hải và website chuyenxua.net sưu tầm, ĐTTC xin trích đăng.
ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/hon-ngoc-vien-dong-cua-sai-gon-xua-post111851.html