Hôn nhân có yếu tố nước ngoài: Ly hôn nhiều vì Covid-19?
M. ở Đức Linh xinh đẹp, cao ráo như người mẫu nhưng ít ai biết, em đã làm mẹ từ năm 16 tuổi. Sau khi ly hôn, trong 1 lần tình cờ đi đám cưới bạn bè, M. gặp 1 Việt kiều ở Mỹ tên D. cũng đã từng ly hôn nên cả 2 đã nhanh chóng phải lòng nhau một cách thuận lợi với sự ủng hộ của gia đình 2 bên và bạn bè. Đó là lý do, anh D. gấp rút hoàn tất các thủ tục cần thiết để đăng ký kết hôn với M. trước khi quay lại Mỹ, cùng lời hứa hẹn sẽ bảo lãnh cho M. sang đoàn tụ bên trời Tây. Sau những ngày mỗi người ở một nơi, trong khi tình cảm chưa đủ sâu sắc thì dịch Covid-19 ập đến và M. lúc ấy đã có 1 đại gia trong vùng theo đuổi. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, nhất là thấy dịch bệnh ở nước ngoài phức tạp, hơn thế cảm nhận không yêu lắm, M. quyết định ly hôn với Việt kiều D.
Hôn nhân có yếu tố nước ngoài
Giải quyết quá tải
Trường hợp của M. là 1 trong rất nhiều trường hợp các cô gái khác mong muốn lấy chồng và được định cư ở nước ngoài nhưng sau đó thay đổi ý định muốn ly hôn. Điều đáng nói, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn xin ly hôn với người có yếu tố nước ngoài vẫn nhiều. Theo số liệu của các ngành chức năng, án ly hôn có yếu tố người nước ngoài trong 6 tháng đầu năm nay tăng so cùng thời điểm năm trước. Và cũng rắc rối nhiều, như đánh giá của Viện Kiểm sát tỉnh thì trong 6 tháng qua, lĩnh vực hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài xảy ra nhiều trường hợp kết hôn mà đôi bên chưa thật sự tự nguyện, chưa phát sinh tình cảm, mỗi người ở một nơi nhưng vẫn đăng ký kết hôn, dẫn đến hậu quả sau một thời gian làm đơn khởi kiện xin ly hôn, chia tài sản... Nguyên nhân chủ yếu cũng vì điều kiện kinh tế, thích cư trú ở nước ngoài mà các đương sự kết hôn với nhau không cần đạt mục đích hôn nhân. Từ các nguyên nhân trên, vụ việc tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình ngày càng phát sinh phức tạp và khó khăn, dẫn đến thụ lý, giải quyết quá tải.
Mất hơn 1 năm để ly hôn
Sự quá tải mà cơ quan chức năng nhấn mạnh trên xuất phát một phần từ thời gian để giải quyết ly hôn loại hôn nhân có yếu tố nước ngoài này thường lâu. Không chỉ tính chất của án theo luật định phải trải qua các thủ tục, các công đoạn lại thêm trắc trở về khoảng cách địa lý mà còn vì những lý do riêng khác từ những thỏa thuận giữa họ trước đó mà đến giờ không đạt được.
Theo phân tích của một thẩm phán, thông thường họ phải chờ cung cấp thông tin của bên ở nước ngoài lâu, đến khi đủ tài liệu cung cấp cho tòa án thì thời gian cũng đã kéo dài. Thêm nữa, hầu hết họ kết hôn giả tạo để ra nước ngoài, chứ chả yêu thương gì nên nếu không đi được thì ly hôn, tìm người khác kết hôn tiếp để đi. Do mang tính mua bán, trao đổi như vậy nên chuyện để đạt được thỏa thuận chung, xử lý được ly hôn là điều rất khó. Nếu đương sự xin vắng mặt vì lý do khách quan thì tòa án phải hoãn hoặc chờ được kết quả ủy thác tư pháp. Vì vậy, thời gian giải quyết ly hôn có yếu tố người nước ngoài thường kéo dài hơn 1 năm, cá biệt có vụ lâu hơn.
Với án ly hôn có yếu tố nước ngoài, chuyện giải quyết mất nhiều thời gian là thường lâu nay. Tuy nhiên, đến thời điểm dịch Covid- 19 bùng lên này, đó là nguyên nhân đẩy việc ly hôn với người có yếu tố nước ngoài nhiều hơn và cũng kéo dài hơn. Nhưng đồng thời qua đó cũng thấy rằng, chính vì dịch bệnh đã khiến những cuộc hôn nhân hình thành mà không có tình yêu bị vỡ nhanh, phơi bày nhiều góc khuất trong đời sống hôn nhân mà các cô gái thích định cư nước ngoài bằng cách mua bán, trao đổi tương lai của mình.
Theo quy định tại Điều 476 Bộ Luật tố tụng dân sự thì giải quyết các án hôn nhân có yếu tố nước ngoài phải qua 2 bước. Thứ nhất, tòa án phải gửi thông báo thụ lý vụ án, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (sau đây gọi chung là phiên họp hòa giải), rồi mở lại phiên họp hòa giải, mở phiên tòa và mở lại phiên tòa trong văn bản thông báo thụ lý vụ án cho đương sự ở nước ngoài. Thứ hai, thời hạn mở phiên tòa, phiên họp hòa giải được xác định thời gian sớm nhất là 6 tháng và chậm nhất là 8 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên họp hòa giải (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp hòa giải chậm nhất là 1 tháng. Ngoài ra, phiên tòa phải được mở sớm nhất là 9 tháng và chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 1 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 477 của Bộ luật này.
Hảo Chi