Hôn nhân tan vỡ vì… dư luận
Tùng và vợ từng học và cưới nhau ở nước ngoài. Vợ Tùng khi ấy rất xinh xắn và nhỏ người nên trông không quá khác biệt khi cô nhiều tuổi hơn Tùng.
Cuộc sống ở nước ngoài chẳng ai quan tâm đến việc vợ hơn tuổi chồng, cũng chẳng ai buông lời chê trách khi vợ xấu hoặc già hơn chồng thế nên, cuộc sống của họ khá hạnh phúc.
Nhưng khi về Việt Nam, tình thế đã thay đổi. Họ hàng, láng giềng, đồng nghiệp, bạn bè của Tùng lại rất hay để ý và đưa ra bình phẩm, nhận xét.
Những lời nói thốt ra kiểu như “nhìn anh Tùng đẹp trai, ngon zai thế kia mà lại lấy “máy bay bà già” nhỉ? Chắc là vì tiền hay ăn phải bùa mê chứ ai mà mê “giừ” cho được. Vài năm nữa gọi nhau bằng cô – cháu thôi. Tội nghiệp anh chồng kia!”.
Có người còn nói ác “chắc máy bay bà già kia mê phi công Tùng nên cho ăn bùa bả chứ gì”. Hoặc có người: “Này, máy bay nhà cậu về rồi kìa. Hôm nào tao mượn ''máy bay' đi du lịch vài hôm nhé”.
Những lời như vậy tưởng như vô hại nhưng thực chất làm cho Tùng thấy buồn bã trong lòng. Dù khi trước xác định khi cưới vợ hơn tuổi là sẽ có ngày có người nói ra nói vào nhưng không thể hình dung nổi sự thật nó lại nghiệt ngã đến vậy. Khi đang vui vẻ mà có người nói lời như vậy lại làm cho Tùng thấy bản thân ức chế, lâu dần thấy đau khổ, buồn phiền, rầu rĩ đến mức giận hờn vợ vô cơ. Tùng thấy bản thân thua thiệt “người ta nói đúng, mình đẹp trai tài giỏi thế này mà lại có vợ già như thế”.
Thông thường, người ta thấy thiếu cái gì thì tìm cái đó và khát khao cái gì thì sẽ khổ vì cái đó. Gặp đồng nghiệp tươi trẻ buông lời ngon ngọt, Tùng đã sa ngã. Họ cặp bồ với nhau một thời gian. Cô gái trẻ này bị chồng phát hiện, anh ta làm to chuyện. Tùng bẽ mặt với cả cơ quan. Anh chồng kia còn cao tay đến gặp vợ và người thân của họ. Trong một thời gian ngắn Tùng mất “cả chì lẫn chài”, mọi thứ xuống dốc không phanh.
Sau này Tùng tỏ ra ân hận bởi sự thật thì vợ là phụ nữ xinh xắn, tốt đẹp và rất bản lĩnh chứ không phải thứ “chổi cùn dế rách” để ai đó dễ bề xem thường. Sau một thời gian sinh con vất vả nên người có chút xồ xề, sắc có phần không được như trước nhưng sau một thời gian, rất ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe và sắc đẹp, cô ấy đã trở lại gọn gàng, đẹp đẽ và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Với cô, một người có tâm hồn đẹp và nhan sắc thì không thiếu người tử tế muốn chăm sóc. Sau này, Tùng có ân hận nhưng đâu dễ gì có lại được những gì đã tổn thương.
Trường hợp sợ dư luận của Liên Mai lại là một chuyện khác. Chị lấy phải anh chồng hay ghen vô cớ. Mỗi lần chị đi làm về muộn hoặc đi đâu mà anh không gọi được liên lạc là bị anh đánh đập, nhiếc móc, đay nghiến. Chị không dám lên tiếng vì sợ xã hội định kiến "không có lửa làm sao có khói. Bị chồng đánh thì hẳn là chẳng tốt đẹp gì. Hẳn là chị ta cũng lẳng lơ chứ bộ".
Vì thế, chị thà im lặng còn hơn là khiến mọi việc vỡ lở, thì chị sẽ không biết đi đâu để sống. Chị có 2 đứa con gái đang tuổi ẩm ương, chúng rất nhạy cảm nên chị sợ làm chúng tổn thưởng nếu dư luận búa rìu về chuyện này.
Thế là suốt bao năm qua, chị cam chịu, dấu bố mẹ, họ hàng, dấu con cái. Mỗi lần bị đánh bầm rập là nói dối “mẹ bị ngã”. Sự nhịn nhục lâu dần làm chị mắc chứng trầm cảm. Vào một ngày trời dông bão, chị bị chồng nhiếc móc quá đáng nên chị mộng du lao ra đường. Cơn bão làm đổ gãy nhiều cây cối mà chị cứ thế đi, một cành cây to đã bổ nhào xuống chị, cướp đi sinh mạng của người phụ nữ cam chịu chỉ vì sợ dư luận.
Trường hợp của em họ tôi chưa đến 35 mà trông già hơn tuổi đến cả một giáp. Thân hình thì gầy guộc, khuôn mặt nhăn nheo, xương xẩu.
Trước kia là hoa khôi trường Kinh tế. Hồi trước, em học rất giỏi, từ đại học đến cao học đều đạt loại ưu. Em ấy say mê nghiên cứu và đến tuổi 32 em chưa muốn lập gia đình. Em còn bảo thích cuộc sống độc thân. Nhưng bố mẹ thì suốt ngày giục giã và than phiền. Họ hàng ngày Tết đến lúc nào cũng đá xoáy “cháu học làm gì cho phí. Lấy chồng đi kẻo chết già, khổ lắm”. Bạn bè thì “xinh đẹp làm chi chả bằng đứa xấu mà chồng con đàng hoàng, hẳn là khiếm khuyết gì đó đây mà”.
Thế là chịu mãi không nổi, mùa xuân năm ấy, em quyết định lấy đại một anh cũng giỏi giang không kém. Thế nhưng, không may vì ít thời gian tìm hiểu nên anh này mắc bệnh mê gái. Cưới nhau hơn một tháng, chồng làm công trình, đi suốt tháng, suốt ngày, một mình ở nhà xoay xở mọi thứ.
Khi có bầu, đêm nào cũng ngủ thấp thỏm hoặc thức trắng, mong ngóng chồng về. Chồng có người phụ nữ khác từ sau ngày cưới mấy tháng. Sợ ba mẹ buồn, họ hàng dị nghị nên kiên nhẫn đợi chờ sự ân hận của chồng. Sinh con được 10 ngày, chồng mới về nhà. Ngày tháng cứ thế trôi đi, vì buồn khổ, vì thiếu thốn, vì sợ dư luận nên ngại thay đổi nên giờ đây em họ tôi chẳng khác một “đóa hoa tàn tạ”, thảm hại đến không tưởng.
Thế đó, kết cục của những người sợ dư luận, không dám sống thật với bản thân là như vậy đó. Tất cả sau này đều ân hận nhưng cuộc đời đâu đủ dài để cho làm lại lần hai!
Vũ Thắng
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/hon-nhan-tan-vo-vi-du-luan-vcGcmaU7R.html