Hơn nửa thế kỷ xa cách, liệt sĩ về với đất mẹ
Sau hơn nửa thế kỷ tìm kiếm, cuối cùng gia đình liệt sĩ Nguyễn Công Hòa (quê Nghệ An) đã tìm được anh. Lúc 1 giờ sáng ngày 3/4, tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), gia đình đã làm các thủ tục cất bốc hài cốt liệt sĩ Hòa đưa về quê an táng.

Anh Nguyễn Công Quỳnh bên phần mộ của bác ruột, liệt sĩ Nguyễn Công Hòa -Ảnh: Q.H
Từ dòng tin trên internet
Anh Nguyễn Công Quỳnh, 40 tuổi, gọi liệt sĩ Nguyễn Công Hòa là bác ruột, đã làm các thủ tục cất bốc hài cốt liệt sĩ Hòa về quê xã Văn Thanh, nay là xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Dự kiến trong chiều 3/4, UBND xã Đại Đồng làm lễ truy điệu và an táng liệt sĩ Hòa tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Liệt sĩ Nguyễn Công Hòa sinh năm 1951, nhập ngũ năm 1969, hy sinh ở mặt trận miền Tây vào ngày 26/6/1973 khi đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Anh Quỳnh cho biết, trong giấy báo tử của bác mình ghi nhiều thông tin về liệt sĩ, nhưng không ghi nơi an táng. Từ sau 1975, gia đình nỗ lực tìm kiếm mộ liệt sĩ Hòa nhưng chưa mang lại kết quả.
Trong suốt hàng chục năm qua, cứ hễ nghe đâu có thông tin liên quan là gia đình lại khăn gói đến liên hệ tìm kiếm với hy vọng sớm đưa liệt sĩ Hòa về với đất mẹ. Có lần hay tin các đội quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Lào, mẹ của anh Quỳnh đã lặn lội đi tìm kiếm anh chồng.
Anh Quỳnh kể, khi đó mẹ anh đã đạp xe lên Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào nằm tại thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Nầm thuộc xã Sơn Châu (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) với hy vọng nhìn thấy một dòng tên nhưng không có thông tin nào về liệt sĩ Nguyễn Công Hòa.
Nửa thế kỷ tìm kiếm trong nỗi đau thương, mòn mỏi nhưng chưa bao giờ khiến gia đình mất kiên trì, họ luôn chờ đợi đến ngày liệt sĩ Hòa sẽ được trở về. Và “phép màu” đã đến, bắt đầu từ dòng tin trên internet. Đó là vào cuối năm 2022, từ thông tin về tấm ảnh một bia mộ liệt sĩ mang tên Nguyễn Công Hòa, anh Quỳnh đã nhanh chóng thu xếp công việc gia đình và lặn lội vào Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 để xác minh.
Anh Quỳnh đã liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, Sư đoàn 968 và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị để phối hợp tìm kiếm. Tuy nhiên, do mộ phần của liệt sĩ được quy tập trước năm 1990, hồ sơ thông tin không còn đầy đủ nên phải chờ kết quả giám định ADN để xác định.
Và “phép màu” từ giám định ADN
Tháng 12/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã gửi mẫu giám định AND so sánh với mẹ và chị ruột của liệt sĩ. Cuối tháng 2/2025, Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thông báo về kết quả giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Theo đó, người có mẫu ghi tên Nguyễn Thị Dung (là chị ruột của liệt sĩ Nguyễn Công Hòa) có quan hệ huyết thống dòng mẹ với mẫu hài cốt liệt sĩ.
Nhận được kết quả giám định ADN, gia đình liệt sĩ Nguyễn Công Hòa ở Nghệ An đã vỡ òa hạnh phúc bởi hành trình hơn nửa thế kỷ gian nan của họ cuối cùng đã có kết quả. Người vui nhất, hạnh phúc nhất chính là mẹ của liệt sĩ Hòa. Anh Quỳnh chia sẻ, bà nội anh tức mẹ liệt sĩ Nguyễn Công Hòa, bà Phạm Thị Lài năm nay đã 104 tuổi. Suốt bao năm nay, bà Lài luôn giữ vững niềm tin tìm thấy con trai. Khi vẫn còn đi lại được, cứ mỗi ngày rằm, đầu tháng, bà Lài đều ra đứng ở sân thắp hương khấn vái linh hồn con, mong ngày tìm được hài cốt.
Từ khi có kết quả ADN, bà luôn mong ngóng từng ngày để được đón con trai trở về với đất mẹ. “Bà tôi vẫn tỉnh táo, minh mẫn. Bà khóc suốt, ngày đêm thương nhớ con trai. Từ khi có lịch vào Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 bốc hài cốt liệt sĩ đưa về quê an táng, bà trở nên phấn chấn hẳn và hồi hộp chờ đợi giây phút gặp lại con trai sau 52 năm xa cách”, anh Quỳnh chia sẻ.
Vậy là sau 52 năm xa cách, liệt sĩ Nguyễn Công Hòa đã trở về với gia đình, với đất mẹ. Ngần ấy thời gian cũng là hành trình gian nan tìm kiếm trong nỗi chờ đợi mỏi mòn của gia đình liệt sĩ, cuối cùng đã có kết quả.
Câu chuyện là lời nhắc nhớ về sự hy sinh to lớn của những người con đã anh dũng ngã xuống vì hòa bình, độc lập dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân; về những người mẹ đã hiến dâng con mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc tri ân, đền đáp công ơn của họ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hon-nua-the-ky-xa-cach-liet-si-ve-voi-dat-me-193317.htm