Hơn nửa triệu ca mắc mới COVID-19 trên thế giới trong 24 giờ qua
Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại quận Setagaya ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8 giờ sáng 29/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 170.119.351 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.537.070 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 151.946.854 người. Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 502.339 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (171.726 ), tiếp đến Brazil (50.495 ca), Argentina (39.207 ca), Colombia (23.374 ca), Mỹ (22.498 ca), Pháp (11.268 ca)...
Trong một ngày qua, thế giới có thêm 11.885 ca tử vong vì dịch COVID-19. Quốc gia có số ca tử vong và nhiễm bệnh lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ, cụ thể là 608.950 ca tử vong trong tổng số 34.022.342 bệnh nhân. Tiếp đó là Ấn Độ với 27.719.431 ca nhiễm và 322.384 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 16.349.657 ca nhiễm và 459.171 bệnh nhân không qua khỏi.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố, các nhóm dân số dễ bị tổn thương tại Mỹ có tỉ lệ tiêm chủng COVID-19 thấp hơn khi mức độ đủ điều kiện được mở rộng.
Theo CDC, các nhóm dân số dễ bị tổn thương về mặt xã hội có tỉ lệ bao phủ tiêm chủng COVID-19 thấp hơn, ngay cả khi điều kiện tiêm chủng được mở rộng.
CDC xác định rằng từ ngày 14/12-1/5, sự bất bình đẳng trong phạm vi tiêm chủng vẫn tồn tại và gia tăng ở các khu vực có nhiều nhóm dân cư dễ bị tổn thương hơn về mặt xã hội, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và “vùng ven đô lớn” hoặc ngoại ô.
Nghiên cứu của CDC xác nhận những nghi ngờ rằng các hạt có dân số dễ bị tổn thương có nhiều khả năng có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn so với các hạt khác, cho thấy cần phải chú ý hơn nữa trong nỗ lực tiêm chủng.
Đối với nghiên cứu, cơ quan này đã sử dụng dữ liệu chỉ số dễ bị tổn thương xã hội năm 2018 để phân bổ các quận thành bốn nhóm, với nhóm đầu tiên là các quận ít bị tổn thương nhất và nhóm thứ tư là nhiều nhất.
Nghiên cứu trên cũng đã xác định tỉ lệ bao phủ tiêm chủng là số người lớn đã nhận được ít nhất một liều vắcxin COVID-19 trong tổng dân số của khu vực. Dữ liệu cho thấy về tổng thể, các quận được coi là ít bị tổn thương nhất có tỉ lệ tiêm chủng là 59,3%, so với các quận dễ bị tổn thương hơn có tỉ lệ tiêm chủng là 49%.
Sự khác biệt rõ ràng hơn ở các quận vùng ven đô thị lớn và các quận nông thôn, nơi có sự khác biệt lần lượt 16,7 điểm % và 12,3 điểm% giữa các nhóm dễ bị tổn thương nhất và ít bị tổn thương nhất.
Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã xác định quyết tâm mở rộng tiêm chủng vắcxin COVID-19 cho tất cả các đối tượng từ cuối tháng 6, sớm hơn 1 tháng so với dự kiến. Tại họp báo sau khi tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp đối với 9 tỉnh ngày 28/5, Thủ tướng Suga Yoshihide nhấn mạnh quyết tâm triển khai tiêm chủng vắcxin COVID-19 cho người dưới 65 tuổi, bao gồm cả những người có bệnh nền, bắt đầu từ cuối tháng sau.
Về nguồn cung vắcxin, Thủ tướng Suga khẳng định chính phủ sẽ đảm bảo đủ lượng vắcxin cần thiết cho chiến dịch tiêm chủng với 100 triệu liều dự kiến sẽ đến Nhật Bản vào cuối tháng 6 và thêm 100 triệu liều nữa sẽ được bổ sung vào tháng 9.
Thời điểm tiêm chủng cụ thể của từng địa phương sẽ được quyết định trên cơ sở kết quả khả quan của việc tiêm chủng cho đối tượng trên 65 tuổi, đồng thời địa điểm cũng có thể được mở rộng thực hiện tại nơi làm việc hoặc các trường đại học.
Thủ tướng Suga cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ làm hết sức để sớm mang lại cuộc sống bình thường cho người dân bằng nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắcxin COVID-19. Hiện nay tốc độ tiêm chủng đang ở khoảng 400.000-500.000 lượt/ngày nhưng từ tháng 6 sẽ được nâng lên 1 triệu lượt/ngày.
Nhật Bản bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắcxin COVID-19 từ tháng 2, về cơ bản đã tiêm đủ mũi cho nhân viên y tế là lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Với việc đưa vào vận hành hai trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại Tokyo và Osaka từ ngày 24/5, cũng như kết quả tích cực từ đàm phán mua vắcxin, chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ có thể tiêm chủng đại trà cho toàn bộ người dân từ cuối tháng 6, sớm hơn 1 tháng so với dự kiến ban đầu.
Bên cạnh đó, đối tượng trẻ em cũng sẽ được đưa vào diện tiêm chủng sau khi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã cấp phép cho vắcxin của Pfizer mở rộng độ tuổi tiêm chủng từ 12-15 tuổi.
Trong khi đó, hãng dược phẩm Modena cũng đã đệ trình dữ liệu lâm sàng lên MHLW và có thể sẽ được phê duyệt tiêm cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên vào tháng sau.
Tại Cộng hòa Czech, do tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến tích cực và số lượng người dân được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tăng, Cộng hòa Czech tiếp tục nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Bộ trưởng Y tế Czech Adam Vojtech cho biết kể từ ngày 31/5 dịch vụ phục vụ ăn uống khu vực bên trong nhà được phép hoạt động trở lại với điều kiện dịch tễ nghiêm ngặt. Theo đó, các nhà hàng, quán bar có thể phục vụ khách hàng khu vực bên trong nhà, song bố trí không quá 4 người/bàn và khách hàng phải có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 hoặc đã bình phục sau khi nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, bể bơi và các cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng mở cửa trở lại.
Trước đó, Cộng hòa Czech đã nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch, trong đó cho phép các nhà hàng phục vụ khách ở khu vực bên ngoài, các cửa hàng bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trên cả nước mở cửa trở lại.
Điểm đáng chú ý là Cộng hòa Czech đã đạt được thỏa thuận với 7 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Đức, Áo, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Slovenia, Croatia mở cửa biên giới từ ngày 31/5 cho người dân của các nước đi lại, sau khi đã được tiêm 1 liều vắcxin ngừa COVID-19 trước đó 3 tuần.
Ngoài ra, nước này cũng cho phép những người đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 từ 6 quốc gia ngoài EU gồm Israel, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan nhập cảnh mà không bị hạn chế.
Trong tuần qua, tình hình dịch COVID-19 tại Cộng hòa Czech đã giảm xuống mức 35 ca nhiễm mới/100.000 dân. Hệ số tái nhiễm hiện ở mức 0,7. Ngày 27/5, nước này ghi nhận hơn 500 ca mắc COVID-19. Đến nay, tại quốc gia Trung Âu với 10,7 triệu dân này, đã có hơn 5 triệu người được tiêm vắcxin ngừa COVID-19, trong đó gần 1,4 triệu trường hợp đã được tiêm 2 liều. Từ ngày 1/6, người dân trên 16 tuổi có thể bắt đầu đăng ký tiêm vắcxin.