Hồn quê giữa lòng Hà Nội
Có lẽ hiếm Thủ đô nào trên thế giới được như Hà Nội. Ở nơi đây, nét đô thị phồn hoa, ồn ào phát triển, chót vót nhà cao lại giữ trong mình nhiều dấu tích của những làng quê xưa cũ. Sống và làm việc ở Thủ đô, sàng lọc qua năm tháng, tôi cảm nhận được nhiều cái hay của cuộc sống đô thị trong đó có sự hòa trộn tự nhiên của chất người quê và kẻ chợ. Cái tháo vát, mưu lược bổ sung vào sự khuôn thức nề nếp. Cái tinh tế uyển chuyển hòa trộn chất chân mộc thực thà, nhịp sống tăng tốc cũng cần lắng lại với tiết tấu chậm rãi vốn được sinh thành từ nền văn minh lúa nước ngàn năm…
1. Hồn quê giữa lòng phố có lẽ là khái niệm mà số ít những người trẻ Hà thành còn mải miết tìm kiếm. Với sự hoài cổ, tôi từng tiếp xúc và chứng kiến người thì mải miết lang thang góc phố ghi lại những thước phim, ảnh chụp cổng làng.
Cũng có người mang tâm trạng ấy lại hóa thân, thể hiện qua ngôn từ văn chương, lại có cá nhân dùng công nghệ để tạo nên những hình ảnh 3D thu nhỏ về di tích, chùa miếu… Cách thức khác nhau nhưng tình yêu của họ với Hà Nội, với những nét xưa cũ thì đồng nhất.
Với riêng cá nhân tôi, hồn quê ấy chẳng đâu xa lạ. Có một Hà Nội xưa cũ giấu mình trong quang gánh của những bà, những mẹ, những chị bán những thứ quà đã hằn sâu trong tuổi thơ của bao lớp người lớn lên nơi thôn dã. Đó là cốm thơm, bắp non, là vài giỏ trái cây vườn mới hái hay những bó hoa bung nở theo tiết trời… Những thứ ấy theo từng vòng quay xe đạp, hoặc oằn trên vai những người phụ nữ quê chầm chậm tiến vào phố.
Đó là những hình ảnh hồn quê có thể phác thảo được. Chẳng biết mọi người ra sao nhưng với tôi, hồn quê trong phố đôi khi như một nốt lặng níu những bước chân vội vã trong cuộc mưu sinh tốc độ của người dân trong đô thị chật chội.
Cũng đôi lần, tôi được nghe các chuyên gia phát biểu, có khi là những bác xe ôm chân quần xắn móng lợn nhưng đeo cặp kính thời thượng bảo “người quê làm xấu Hà Nội”, hay “người Hà Nội gốc chẳng kiếm đâu ra”… lý lẽ đưa ra thì đủ cả nhưng có một điểm chung là những tranh luận ấy đến giờ vẫn chưa có hồi kết.
Tôi thì lại cho rằng, xấu đẹp do mắt và góc nhìn. Với tôi Hà Nội xưa cũ hay hiện tại đều đẹp và nét đẹp ấy cũng rất riêng. Đặc biệt, nếu được nghe ai đó “cũ kỹ” ở mảnh đất Kinh kỳ này kể về các ký ức dặc dài trong lòng người phường phố thì đó là nét đẹp tuyệt diệu và đầy mỹ cảm hơn.
Lại nhớ đận năm ngoái, khi được lãnh đạo một tòa soạn, một người đồng điệu với góc nhìn về nét đẹp làng xưa trong phố phân công đi viết loạt bài chủ điểm cho báo Tết, tôi mừng húm. Mừng bởi thấy được người ta cũng say mê cái xưa cũ giống mình, phần khác bởi tôi thấy vẫn còn người trân trọng những giá trị xưa.
Thế là tôi dấn thân. Tôi đã dành không ít ngày đi sâu vào những ngõ hẹp từng một thuở được gọi với tên Kẻ Mọc, những lối nhỏ Đại Yên hay những đoạn những ngõ nhỏ gấp khúc ở Kẻ Bưởi… Tại đây từng vang bóng nhiều làng nghề, trong đó có 2 nghề nổi tiếng là dệt lĩnh và làm giấy dó.
Nhắc chuyện này, hẳn chẳng riêng tôi mà không ít người sẽ đều nhớ đến tiếng chày giã dó đã đi vào câu ca dao nổi tiếng trong những cuốn sách giáo khoa bậc tiểu học: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Dấu tích xưa phai nhạt giờ muốn tìm cũng khó bởi trên đất xưa đã không còn tên xưa làng cũ nữa. Có chăng chỉ còn những bảng hiệu mang tính biểu trưng, nhận diện cho các ngôi làng trong Kẻ xưa như ở Phú Đô, Mễ Trì, Từ Liêm…
2. Ít ngày trước, Hà Nội có đận gió heo may. Theo lẽ thường nếu chẳng có việc quan trọng, người ta sẽ mau chóng về nhà rồi ở lì trong nhà cho ấm. Nhưng cũng có nhiều người lại nhất định muốn đi ra ngoài đường, tìm tới những hàng ngô, khoai, sắn hay mía nướng vỉa hè để co ro bên chậu than hồng, thưởng thức những món quà bình dân như một việc cần phải làm ngay, nếu không mùa đông sẽ đi qua mất. Thế mới biết, dù đổi thay nhiều song người Hà Nội vẫn thích ngô, khoai nướng vì nó dân dã, gần gũi với cái cổ kính của thành phố ngàn năm tuổi.
Trân quý hơn, trời dù lạnh nhưng người ngồi đợi ngô, khoai nướng, chẳng ai than phiền. Đấy là nét thanh lịch, là sự văn minh không hề xa vợi. Quanh sự ấm áp bập bùng của ngọn lửa nhỏ, chỉ thấy những ánh mắt háo hức, những nụ cười hạnh phúc, câu chuyện rôm rả. Ngô, khoai vốn là những thứ rẻ tiền, nhưng trong những ngày đông lạnh, chúng bỗng có giá hơn hẳn, người ta cầm chúng bằng cả hai tay, nhâm nhi từng hạt ngô, bẻ từng miếng khoai nhỏ, tỉ mẩn bóc từng hạt dẻ, chậm rãi nhai.
Ngửi mùi khoai lang nướng thơm lừng vương vấn, phảng phất trên khắp các ngõ phố, và trong những lúc ngồi thưởng thức món ăn này, trong tâm trí tôi lại rưng rưng ùa về biết bao ký ức của một thời ấu thơ nơi quê nhà.
Đó là những đận mùa me trồng khoai trên vùng đất bãi. Khoai lang đất cát mẹ dỡ ở ruộng về, vỏ còn tươi, nhiều nước, nhiều bột, nhạt, nướng ngay ăn chưa ngon. Mẹ lọc những củ lành lặn, đẹp mã rồi xếp vào gậm giường, nơi ánh nắng không tới được.
Lúc ấy tôi chỉ đơn thuần nghĩ mẹ cẩn thận, chắc sợ những ngày giáp hạt đói kém nên mới lo xa. Mãi giờ khi khôn lớn tôi mới thấm. Đôi lúc để đạt được những tinh túy, con người ta không thể vội vàng. Sự thơm tho phải có thời gian tác thành, phải tích đọng từng tí một, từng tí một.
Quá trình làm mật của khoai cũng thế. Nó như không có chuyện gì. Vậy mà đang âm thầm diễn ra một cuộc hóa xác kỳ diệu, tinh tế trong ruột củ khoai. Một sáng sớm nào đó bất ngờ nhìn vào gầm giường, thấy những mầm khoai màu tím phớt, báo hiệu thời điểm khoai đã kéo mật xong. Mẹ bấy giờ mới đem khoai ra nướng, ra luộc. Ôi chao, cái vị thơm ngọt lúc ấy mới bật tung, quyện vào trong từng thớ vỏ. Ăn rồi nhớ mãi.
3. Những ngày này, người ta thường nhắc đến việc cấm các phương tiện, cấm các loại xe cộ để mở rộng không gian đi bộ cho người dân khu phố cổ, rồi thì bảo tồn, phục dựng phố cổ… tôi cho rằng đây là ý định đúng đắn của Hà Nội. Cần phải biết rằng, chỉ tính riêng khu phố cổ Hà Nội đã rộng 105ha với 79 tuyến phố, 83 ô phố thuộc 10 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Nơi đây lưu giữ nhiều dấu tích của kinh thành Thăng Long thông qua nếp sống thị dân, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và đặc biệt là kiến trúc đô thị với vẻ đẹp độc đáo được lưu giữ qua nhiều thế kỷ. Đây là nét xưa cũ đáng trân quý, nếu phát huy được tiềm năng thì chuyện thu hút khách thăm quan các nước bạn, phát triển ngành công nghiệp xanh không khó.
Vẫn biết, quy luật của cuộc sống là không ngừng thay đổi, nếp làm ăn, buôn bán nơi phố cổ cũng đã khác xưa rất nhiều. Phố cổ của ngày hôm nay chất lên mình đủ mọi loại vật liệu mới, cơi nới trước - sau, những con người sống trong đó chen chúc trong không gian thiếu khí trời và ánh sáng. Họ nặng gánh mưu sinh, bám trụ từng centimet để tồn tại.
Nhưng may mắn thay, Hà Nội đã không ngừng thu nạp vào mình hơi thở của thời đại, nhận ra tiềm năng và không đánh mất hình ảnh của chính mình. Mừng hơn giờ đây không ít người nhận ra rằng, việc phục dựng phố cổ không chỉ là sứ mệnh của các nhà làm văn hóa, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Hà Nội. Hồn quê giữa lòng phố, những giá trị thiện lành chẳng đâu xa mà ngay trong chính tâm hồn, cách nghĩ.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hon-que-giua-long-ha-noi-97712.html