Hồn quê thấm đẫm trong 'Người đánh hòa trời'
Tác phẩm 'Người đánh hòa trời' (Nhà xuất bản Nghệ An, quý 1/2020) gồm 45 tản truyện và một phụ lục là tác phẩm văn chương mới nhất của nhà thơ Vương Cường. Ở đó, nhà thơ của 'Canh chừng và lãng quên' đã trải hết tâm hồn mình, nỗi nhớ mặn lòng của mình để viết ra những ký ức nhung nhớ xưa.
Vương Cường nói với tôi: “Khi mình đưa bản thảo cho một số người bạn thì nhận được lời động viên, đọc phần đầu thì cười, đọc phần 3 thì có thể khóc. Mình nói, viết mà để người đọc cười và khóc được thì đúng là văn rồi. Có bạn nói không nên gọi tản văn. Mình suy nghĩ và gọi tác phẩm này là tản truyện”. Vâng, tản truyện gần như ít gặp trong các tác phẩm văn chương.
Tôi cũng sinh ra ở làng, nói như nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh “Ngày xưa tôi sống ở làng/ Bây giờ làng sống trong tôi”, nên khi mở “Người đánh hòa trời” ra, tôi như được trở về thời thơ bé. Chắc chắn, với những người sinh ra, lớn lên ở quê, đọc “Người đánh hòa trời” sẽ “giật mình” như thế.
Trong 45 tản truyện thì những câu chuyện thời thơ bé của Vương Cường nằm ở phần I, dù cách chia phần của tác giả chỉ là một “tờ gác”, gồm 17 tản truyện.
“Làng Đông Bích xưa của tôi” được xếp thứ tự 17 của mục lục sách và cũng là tản truyện cuối của phần I. Trước đây, đọc “Canh chừng và lãng quên” (thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2016) của ông, tôi đã gặp ngôi làng ấy trong bài “Về làng”: “Cây đa, cây đa ba chánh chín chồi/ cà cưởng phân bua chiếm nhà chim sáo/ diều về họp báo tối mịt chưa tan/ chèo bẻo bay rung hoa phấn chiều vàng...”, bây giờ mới thực sự gặp làng Đông Bích trên trang văn.
Làng Đông Bích qua văn, thật thanh bình, con người nhân hậu. Làng có cây đa “ba chánh chín chồi” không ai biết mấy trăm năm tuổi. “Ai lớn lên cũng đều thấy cây đa đã già và tươi xanh như thế. Nó tỏa ra chín chánh lá đan nhau xanh suốt bốn mùa. Rễ đa không bao giờ ăn xuống ruộng mà chạy theo dọc đường làng. Trong các hốc cây có con bửa củi đen, ấn nhẹ vào lưng là đầu gật gật, hốt trọn tuổi thơ của trẻ con làng”. Nhưng rồi cây đa già cũng phải chết. Cây đa cũng như có hồn, gắng gượng để kéo dài thêm thời gian sống cùng dân làng.
“Hình như đa cũng biết nỗi thương tiếc của người làng hay lưu luyến với làng nên kéo dài cuộc ra đi gần đến mấy năm? Người làng như mất người thân yêu của mình. Dường như trong lòng ai cũng chịu tang. Người ở xa, nghe tin thì sửng sốt. Trai gái làng mất đi một nơi tụ họp dưới trăng. Trẻ con mất đi những ngày tháng leo trèo bắt bửa củi. Làng trở nên u buồn mất đến hàng năm” (trang 95).
Ông nâng niu từ tiếng chim, con tôm, con tép, cây đa, rú Cuồi, lễ hội dân gian, truyền thống hiếu học, và những thơm thảo trên quê hương mình. Ở cái làng quê ấy, tác giả và bạn đồng môn đã lớn lên, sống một thời đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ. Qua các tản truyện “Trộm gai thăm thầy”, “Coi phim chui”. “Trộm lạc nhà mình”, “Trộm nhãn o Thuấn”, “Rập dơi”... Tuổi thơ với các trò chơi đánh đáo, đánh khăng, ô ăn quan, cờ lật, chơi ù, đá kiện, vật nhau, đánh trận giả, bắt ong, hái sim... lần lượt hiện lên sống động. Ngày nay những trò chơi dân gian ấy dường như không còn. Mảng tản truyện này như cái bảo tàng bé nhỏ lưu lại một góc văn hóa xưa trong văn để người sau có thể hình dung cuộc sống của người làng xa xưa.
Người đọc còn biết đến làng Đông Bích với những con người hồn hậu qua các tản truyện. Ấy là những người thầy yêu nghề và vô tư, trong sáng với nghề dạy học của mình “Thầy Tiếu”, “Thầy Hoe Sân”... Người đọc cũng bắt gặp tấm lòng bao dung trọng tình làng, nghĩa xóm trong “Ông Đỗ Tường” và khảng khái, trọng nghĩa khinh tài trong “Ông Hoài”. Hay mối tình lạ trong “Bốn o, năm dượng”...
Thầy Tiếp, cố Chắt Phiêng, chú Trịnh, chú Hữu... hiện lên sống động trong những câu chuyện ngây thơ của đám trẻ nhà quê những năm đói khát. Thời mà trẻ con áo không đủ mặc, bụng ỏng đít beo, mùa đông “Hai hàm răng cứ đánh vào nhau cầm cập”; “Ngồi trên lưng Tru thì ấm đít, thả Tru rồi thì lạnh toàn thân”; “Mũi quệt ngang thành vạch chia mặt thành ba phần...” (trang 31).
Đây là hình ảnh chú Hữu: “Chú cao to, hay ăn trắt... Chú tích vỏ trú (trấu) kín cả hai môi. Chú nói chuyện mà vỏ trú không rớt” (trang 27). Một chi tiết tưởng như đơn giản nhưng chứa đựng khá điển hình của nông thôn xưa mà nay thì mất hẳn. Chỉ những người năm nay chừng 50 tuổi trở lên mới hiểu được “ăn trắt” và hình ảnh “vỏ trú đầy môi” này.
Thiên nhiên trong tản truyện cũng hiện lên thật tự nhiên và đẹp mà giờ đây cuộc sống hiện đại ngày càng làm biến mất dần những vẻ đẹp hoang dã xưa. Đó là những khe nước trong xanh, cá rô thia nhả bọt trắng trong những ngọn cỏ thia lơ phơ, khe Lò rèn mùa mưa, chảy từ đỉnh rú Cuồi như thác, những giọt sương sớm treo óng ánh đầu ngọn cỏ như muôn vàn ngọn đèn bé xíu ai rải tưng bừng trên bờ ruộng khi lúa thì con gái. Những con cào cào to bằng ngón tay bay, đỗ lách tách trên những ngọn cỏ úa gầy hay những con chim lúc ngúc kiếm ăn lẫn vào trong đá. Những cánh đồng, những đỉnh núi... được nhắc đến như những hoài niệm... Nó vừa làm người từng chứng kiến tiếc nuối và gợi ý với người sau về đời sống nhất là văn hóa làng đã từng có. Để rồi chính chúng ta sẽ có trách nhiệm hơn trước thiên nhiên trong quá trình phát triển hiện nay.
Mặc dù vừa xuất bản, nhưng “Người đánh hòa trời” đã tạo ra hiệu ứng với bạn đọc. “Người thật, việc thật cuốn hút, bắt người ta phải đọc tiếp, phải trăn trở suy nghĩ sau khi khép sách lại. Chính các chi tiết đã tạo ra cái thần, cái hồn của tản truyện. Điều đó không hề dễ. Văn của nhà thơ Vương Cường có tính khơi gợi, khó quên”, GS. TSKH Lương Phương Hậu sau khi đọc “Người đánh hòa trời” đã viết trên trang cá nhân như vậy.
“Người đánh hòa trời” - các tản truyện xuyên suốt từ thời thơ ấu đến trưởng thành, trong biến động của lịch sử đất nước... Giàu chất thơ, phong phú về nội dung, linh hoạt về hình thức thể hiện... những ký ức thân thương và lối sống tích cực trong tập tản truyện này”, tôi đồng cảm với đánh giá này của Nhà xuất bản Nghệ An trong “Lời giới thiệu” sách.
Là người đọc xứ Nghệ, chắc chắn sẽ thấy thú vị ở một khía cạnh khác của tản truyện. Vương Cường đã có công trong việc dựng nên một “ngân hàng” phương ngữ xứ Nghệ. Nhiều cách gọi, phương ngữ Nghệ, thậm chí cả một số loài thực vật, động vật xưa thân thương ở làng quê, nay trong đời sống hiện tại đã không còn. Chắc chắn lớp trẻ ngay xứ Nghệ bây giờ cũng cần “phiên dịch” mới hiểu chứ không riêng các vùng quê khác. Tôi phải gọi ông là một “Tổng giám đốc Ngân hàng phương ngữ Nghệ”. Tản truyện cho thấy Vương Cường thời bé đã giỏi quan sát và nay đã ngoài thất thập nhưng ông nhớ cực giỏi, văn của ông giàu hình ảnh và đầy chất thơ.
Khi tôi nói điều này, Vương Cường hào hứng: “Đúng, đúng, mình cố nhớ, cố dựng lại những hình ảnh xưa, cách gọi xưa, với mình đó là những tình cảm với làng quê xứ Nghệ. Sau này những người trẻ có thể hình dung về thiên nhiên, về con người xưa để tự hào và có trách nhiệm giữ gìn cả quá khứ”.
Vương Cường là người sống tình cảm, nâng niu quá khứ, có trách nhiệm với cả hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, ông viết về làng với tất cả đắm say, trân trọng và tự hào. “Những người con của làng gặp nhau thường kể những chuyện xa xưa của thời trẻ nhỏ. Đó có thể là những trò chơi nghịch ngợm của thuở chăn trâu, cắt cỏ, bắt ong, bắt bướm, hái sim, nhặt phân trên rú Cuồi. Đó có thể là những lần rủ nhau trộm bưởi, trộm lạc của những đứa trẻ vừa lớn. Trước những trò chơi bất thường ấy, dân làng không bao giờ ác cảm nặng nề. Người làng bao dung vẫn dành cho trẻ con những khoảng không gian thật đặc biệt. Bao nhiêu đứa trẻ ngày xưa, lớn lên, khi Tổ quốc cần đã cầm súng lên đường chiến đấu khắp các chiến trường. Những người con của làng đã làm tất cả những gì tốt đẹp, bồi đắp thêm cái đẹp cho làng” (trang 107).
“Làng quê cho ta nhiều cảm giác và cứ thế kỷ niệm xây trong tâm thức, đi đâu, ở đâu làng quê cũng đi theo” (trang 41). Chắc chắn là thế rồi, nhất là đối với ông, một người luôn cảm thấy như mình bị nợ với làng. Chính vì thế, ông luôn luôn đau đáu và trăn trở, khi về lại làng Đông Bích xưa “ít gặp người quen thấy nhiều người lạ/ tôi đi với chiều bao nhiêu là gió/ đường trở về làng, càng đi càng xa...” (Về làng).