Hồn quê trên những mái đình

Trong tâm thức của người Việt, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình… là nơi neo giữ hồn quê, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân mỗi vùng đất. Ở Quảng Trị, bất kỳ một làng nào dù to hay nhỏ đều có đình làng, được tạo lập gắn liền với hành trình mở cõi tiến về phương Nam khẩn đất, lập làng, thôi thúc cần có một nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng làng xã. Trải qua thăng trầm lịch sử, đình làng là biểu tượng sức mạnh văn hóa làng, nơi chứng kiến mọi đổi thay trong đời sống xã hội, sinh hoạt, lề thói của làng quê; đồng thời là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn người Việt không quên tổ tiên, nguồn cội.

 Đình làng Cam Lộ gắn với chợ Phiên Cam Lộ nổi tiếng là nơi tấp nập bán buôn của vùng Đàng Trong - Ảnh: Thanh Hải

Đình làng Cam Lộ gắn với chợ Phiên Cam Lộ nổi tiếng là nơi tấp nập bán buôn của vùng Đàng Trong - Ảnh: Thanh Hải

Đình làng ở Quảng Trị có nguồn gốc không phải xuất phát từ đình trạm (địch trạm) như đình làng miền Bắc, mà từ yếu tố tín ngưỡng, tâm linh của người dân đi mở cõi cần một nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, nơi thờ thần bảo hộ của làng (Thành Hoàng) và các chư vị thần linh; nơi diễn ra các hoạt động nhóm họp bàn bạc việc công của làng và tổ chức lễ hội...

Ngôi đình được coi có năm khởi tạo sớm nhất khoảng đầu thời kỳ Lê sơ (1428-1433) là đình làng Câu Nhi, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, nhưng chỉ là ngôi nhà đơn giản, mái lợp tranh, vách đất. Chỉ có đình làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh còn giữ được nguyên bản lần khởi tạo vào năm Chính Hòa thứ 11 (1690). Còn các đình làng khác đều đã trùng tu, sửa chữa, không còn nguyên dạng ban đầu.

Trong hệ thống đình làng ở Quảng Trị, hiện nay có 3 đình làng được công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia, gồm: Đình làng Hà Thượng (huyện Gio Linh), đình làng Câu Nhi và Danh nhân Bùi Dục Tài (huyện Hải Lăng); đình làng Nghĩa An và hệ thống giếng Chăm (thành phố Đông Hà). Đình làng Cam Lộ gắn với chợ Phiên Cam Lộ (huyện Cam Lộ) đang trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Có thể nói, các yếu tố văn hóa mang theo từ quê hương bản quán và hội lưu với các yếu tố của người bản địa trên vùng đất mới đã hình thành nên các giá trị văn hóa mang bản sắc Việt của đình làng miền Trung Trung Bộ. Ở mỗi đình làng thường có tiền đình là nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội và phần đình trung là nơi thờ vị Thành Hoàng khẩn đất, lập làng cùng chư vị thần linh theo ý niệm “bách thần sở hội”. Kiến trúc của ngôi đình vùng Quảng Trị cũng theo mô thức ngôi nhà rường truyền thống của vùng Trị - Thiên, quy mô từ 3-5 gian, chứ không có quy mô to lớn như đình làng ở miền Bắc. Những đình làng không có kiến trúc ngôi đình mà chỉ có nền đình lộ thiên vẫn thực hiện đầy đủ chức năng vốn có của nó. Không gian văn hóa đình làng ở Quảng Trị cũng có nét riêng, thường tọa lạc dựa vào thế sơn thủy hữu tình, ở đó không chỉ mang lại vẻ đẹp cho làng, thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội, mà còn ứng với thuật phong thủy để tạo vượng khí cho làng. Không gian lễ hội của đình làng thường gắn liền với chợ buôn bán tấp nập, điển hình là đình làng Cam Lộ gắn với chợ Phiên Cam Lộ một thời là phiên chợ lớn nhất của cả vùng Đàng Trong, nối liền biển Cửa Việt và con đường mậu dịch thượng đạo xuyên sơn qua Lào, Thái Lan. “Ngày xưa, làng Cam Lộ được ví như khu vườn đẹp. Trung tâm ngôi làng là các khu phố mang tên vườn: Thượng Viên, Trung Viên, Hậu Viên. Phía Tây, Nam, Đông của làng là các khu phố Tây Hòa, Nam Hùng; Đông Định thuộc thị trấn Cam Lộ; phía Bắc là thôn Bắc Bình (nay sáp nhập thôn đổi thành Bình Mỹ) thuộc xã Cam Tuyền. Làng có hơn 1.000 hộ dân, con cháu của 20 dòng họ lớn nhỏ. Tên của làng trùng với tên thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ ngày nay và đạo Cam Lộ tương đương địa giới hành chính cấp tỉnh ngày xưa. Trong khu vườn đó, đình làng và chợ Phiên Cam Lộ tọa lạc ở phía Đông ngôi làng hướng ra đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á và nối với bến Đuồi là đầu mối giao thông đường thủy về Cửa Việt. Với địa thế “thượng thành, hạ thị”, trên là thành Vĩnh Ninh xưa nơi chọn đặt Di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, dưới là chợ Phiên Cam Lộ quy mô cấp vùng nổi tiếng một thời, nên dân làng ăn nên làm ra, sinh khí hưng vượng, như một kinh đô thu nhỏ “Tiểu Trường An” khắc trên cổng làng”- Trưởng Ban điều hành làng Cam Lộ Lê Văn Hỷ chia sẻ niềm tự hào về ngôi làng của mình.

Vượt lên trên những giá trị văn hóa, kiến trúc của một ngôi đình làng, các đình làng trên đất Quảng Trị đều từng là trung tâm dấy nghĩa cách mạng của một bộ phận dân chúng và sĩ phu yêu nước giai đoạn tiền cách mạng. Các đình làng Lập Thạch, Hà Thượng là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên vùng Đông Hà, Gio Linh, trở thành “hạt giống đỏ” của phong trào cách mạng địa phương. Những đình làng gắn với chợ như đình làng và chợ Phiên Cam Lộ là nơi tập trung đông đảo dân chúng để tuyên truyền khơi dậy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Có đình làng từng là trụ sở hành chính của chính quyền… Đây là nơi quan trọng tựu trung đủ mọi lề thói, hội hè, đón người đỗ đạt; nơi biểu tượng quyền lực làng xã để triển khai phép vua và thực hành lệ làng, bảo vệ, che chở cho mỗi ngôi làng trước các biến cố của tự nhiên và đời sống xã hội.

Đi qua những ngôi đình làng Quảng Trị sẽ thấy rõ bản sắc văn hóa Việt của cộng đồng dân cư đi mở cõi khẩn đất, lập làng khởi nghiệp ở vùng Trung Trung Bộ. Vào các ngày lễ, tết, dân làng kéo nhau tới đình làng thắp hương tế lễ, cầu mong Thành Hoàng làng và các chư vị thần linh, thủy tổ các họ tộc phù hộ giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, ban phúc lành cho mọi nhà. Khi tiết xuân về, già, trẻ, gái, trai trong làng nhóm họp ở sân đình mở hội vui xuân, tổ chức các trò chơi dân gian, ôn lại giá trị văn hóa truyền thống quê hương, nguồn cội. Lễ hội ở đình làng Quảng Trị, nhất là dịp tết đến, xuân về vì thế trở nên thiêng liêng và có sức cộng cảm lớn, đánh thức truyền thống nhân nghĩa, tình làng nghĩa xóm cố kết bền chặt, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Những người con xa quê mỗi khi nhớ về quê hương đều không quên hình ảnh của đình làng - nơi lưu giữ hồn quê, chứng tích lịch sử gắn bó thân thuộc với cư dân làng qua bao thế hệ. Tình quê, hồn quê cứ thế thao thiết như trong câu hát bài Mái đình làng biển: “Ơi vút cong mái đình. Ơi nước non ân tình. Hồn Việt Nam như thế… thuở bình minh”.

Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=155399