Hồn quê trong những chiếc nan tre
PTĐT - Theo thời gian, bằng tình yêu với công việc, người dân làng Ba Đông (xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy) vẫn gìn giữ được nghề trải qua nhiều thế hệ như cố gắng níu giữ chút hồn quê còn lại giữa phố xã tấp nập…
Những ngày cuối năm, nắng như hoa vàng bung đầy trên mỗi nẻo đường, từ đầu ngõ chúng tôi đã thấy mùi tre nứa lẫn vào không khí, có tiếng chẻ lạt lóc chóc, tiếng đan nan rạt rạt trong mỗi khoảng sân gạch. Ghé thăm nhà của ông Hà Xuân Hân năm nay 65 tuổi, một gia đình làm nghề đan lát truyền thống ở làng Ba Đông gần 100 năm, đôi tay ông đưa những thanh nan tre vào khung, vừa uốn vừa đan nhanh thoăn thoắt mà rất chính xác nên chẳng mấy chốc chiếc rổ tre chặt nong đã thành hình. Khi mới 10 tuổi, ông Hân đã học đan lát phụ giúp cha mẹ, đến khi lập gia đình, ngoài việc đồng áng, mỗi khi nông nhàn ông lại tranh thủ làm nghề để có thêm thu nhập. Mỗi ngày ông Hân có thể đan được 1 – 2 chiếc rổ, thu nhập khoảng 300 nghìn đồng. Nghề nối nghề, cha mẹ truyền dạy cho con, cứ thế các thành viên trong gia đình ông ai cũng biết đan lát.
Kế thừa và phát triển nghề truyền thống của gia đình, anh Hà Xuân Hạnh - con trai ông Hân cho biết: “Nghề đan lát đã cùng gia đình tôi sống hàng chục năm nay, bất kể trời mưa hay nắng đều vẫn có thể làm được. Tuy thu nhập không cao nhưng cũng góp phần trang trải thêm cuộc sống và điều đáng quý đó là gìn giữ nghề truyền thống của gia đình”.
Từng nan tre, cây nứa nhiều đời nay đã trở nên gắn bó không thể thiếu với người dân Ba Đông. Cây tre, nứa phải chọn những cây thẳng, không quá già hoặc quá non và thưa đốt để khi đan không bị gãy, dễ dàng trong việc bắt miệng vành. Khi đan lát đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, cần mẫn, tỉ mỉ. Không phải ai cũng giỏi để thực hiện hết các công đoạn bởi có người giỏi đan, người giỏi chẻ nan, có người lại giỏi ở bẻ miệng, bắt vành... Khó nhất trong các công đoạn chính là lúc lên dáng rổ, bắt miệng, đòi hỏi phải có sự khéo léo của đôi bàn tay chắc khỏe, người có kinh nghiệm thì khi làm xong sản phẩm mới chắc chắn, bền đẹp.
Giống như gia đình ông Hân, gia đình ông Nguyễn Văn Thông và bà Nguyễn Thị Giáo (ông bà năm nay đã gần 80 tuổi) cũng không thể bỏ được cái nghề chẳng bao giờ mang lại sự giàu sang này. Biết đan chúm, làm lờ bắt tôm bắt cá khi mới 10 tuổi, cả ông và bà đều đã gắn bó với nghề gần 70 năm nên đôi tay vẫn thoăn thoắt chẻ nan và đan lát. Mỗi chiếc chúm tôm làm ra được bán với giá từ 2.500- 3.000 đồng, nếu là lao động lành nghề một ngày có thể làm từ 50-60 chiếc. Từ ngôi làng Ba Đông nhỏ bé này, những chiếc chúm tôm được đem đi các tỉnh vùng thượng nguồn sông Đà tiêu thụ. Tuy rằng nghề đan lát không thể làm giàu nhưng mấy chục năm qua cũng được coi là “chiếc phao cứu sinh” cho nhiều gia đình trong làng lúc khó khăn nghèo khó.Làng Ba Đông xưa là vùng chiêm trũng, cứ đến mùa lũ, cá tôm theo nước vào đồng rất nhiều bởi vậy nghề đánh bắt thủy sản ở đây vì thế mà phát triển. Cũng từ đó nghề đan lát các dụng cụ đánh bắt thủy sản đã ra đời với nhiều sản phẩm đa dạng như: Thúng, mủng, giá, rổ, mẹt, chúm, lờ… phục vụ ngư nghiệp, nông nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Lan - Trưởng làng nghề đan lát Ba Đông cho biết: Hiện nay có hơn 200 hộ đang duy trì nghề đan lát truyền thống với doanh thu 4 tỷ đồng/năm. Dù gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với đồ nhựa nhưng với những sản phẩm của làng nghề đan lát Ba Đông không độc hại và sử dụng bền lâu nên vẫn được rất nhiều người trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nghề truyền thống không chỉ là nghiệp chính mưu sinh của người dân nhiều thế kỷ trước mà ở đó còn phản ánh nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân cư. Qua những câu chuyện và tận mắt chứng kiến người dân làng nghề Ba Đông làm nghề, chúng tôi cảm nhận được rằng không chỉ nỗ lực giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của làng nghề, người dân Ba Đông còn hòa nhập với cuộc sống hiện đại, thế nhưng những chiếc rổ, giá bằng tre vẫn luôn gợi nhớ cho mỗi người về hình ảnh của một thời xa xưa, nơi chốn quê hương.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202001/hon-que-trong-nhung-chiec-nan-tre-168676