Hồn Tết trong những ngôi nhà cổ
PTĐT - Theo con đường làng quyện hương sắc của cúc vàng, đào thắm, chúng tôi về những ngôi nhà cổ nhuốm màu thời gian. Bên ấm trà nóng, được nghe kể về việc gìn giữ nền nếp gia phong, được đắm mình trong không gian Tết của người Việt xưa, mang đến cho mỗi người một cảm giác thân thương, ấm áp.
Về vùng đất Hoa Khê xưa vào những ngày áp Tết, nay là thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê chúng tôi cảm nhận rõ nét, những ngôi nhà kiến trúc cổ nơi đây đều gắn với lịch sử của làng, của các dòng họ. Từ cánh cổng nhỏ xinh dẫn lỗi vào nhà cổ, chúng tôi như được trở về “lối cũ, vườn xưa”, về với tháng năm lịch sử. Pha ấm trà mời khách, ông Hoàng Văn Phú - chủ nhân của ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở khu Quyết Thắng bộc bạch: “Giờ các thành viên trong gia đình đều đã có cuộc sống riêng, nhưng ngôi nhà này vẫn là nơi lưu giữ kỷ niệm, là nơi trở về, sum họp mỗi dịp lễ, Tết. Trước ngày 23 tháng Chạp con cháu trong gia đình sẽ trở về quây quần cùng nhau dọn dẹp, sắm sửa, chuẩn bị đón một năm mới may mắn và hạnh phúc”.
Sở hữu một trong 50 căn nhà cổ tại xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, ông Nguyễn Hoàng Phúc ở xóm Si năm nay đã ngoài 70 tuổi, mỗi dịp Tết đến Xuân sang, cùng với niềm vui sum vầy bên con cháu còn là khoảng thời gian ông sống lại những ký ức thời thơ ấu bên căn nhà cổ cùng ông bà, bố mẹ và anh, chị em.Trò chuyện với chúng tôi khi đã hoàn thành công việc cắm hoa vào lọ để trên ban thờ, ông Phúc chia sẻ: Ngôi nhà chính là linh hồn của gia đình, dòng tộc, bởi nó chứng kiến biết bao sự kiện trọng đại của cuộc đời mỗi con người, từ hạnh phúc, viên mãn đến cảnh “sinh ly tử biệt”. Với tôi, căn nhà là nơi lưu giữ kỷ niệm.Tôi còn nhớ, năm 1975, sau 5 năm tham gia kháng chiến ở miền Nam, đúng dịp Tết Nguyên đán tôi phục viên trở về quê hương, đoàn viên sau 5 năm đằng đẵng xa cách bố mẹ, anh em. Tết ấy thật đầm ấm và hạnh phúc. Thế nên, sau này dù có những thời điểm căn nhà có tới 4 thế hệ với hơn 10 thành viên cùng sinh sống, không gian có hơi hẹp một chút nhưng trong tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ xây lại nhà theo phong cách mới.
Hiện tại, các thành viên trong gia đình đã có mái ấm riêng, nhưng dịp Tết sẽ quây quần, tập trung đón năm mới tại ngôi nhà cổ. Ngôi nhà không chỉ mang ý nghĩa là mái ấm chở che, chứng kiến các thế hệ trong gia đình trưởng thành, mà còn là nơi giáo dục các con cháu hiểu được những tinh tế trong kiến trúc nhà ở, nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt của ông cha, trở về với nguồn cội.Nhà lối xưa được làm theo kiểu 3 gian, 2 trái (buồng); 3 gian nhà ngoài là không gian sinh hoạt chung của cả gia đình; gian chính giữa được để ban thờ tổ tiên, sập gỗ; hai gian cạnh có thể được bài trí tủ chè, trường kỷ, phản… tùy theo hoàn cảnh, sở thích, gu thẩm mỹ của mỗi gia đình. Gian thờ gia tiên trong các ngôi nhà cổ thường vẫn còn giữ được những vật quý như: Long ngai, bát hương, hoành phi, câu đối… Đây chính là điểm khác biệt rõ nét nhất để mang lại không gian thực sự “Tết” trong những ngôi nhà cổ. Bởi lối kiến trúc đó nên chỉ cần bước chân đến bậu cửa, nhìn vào trong nhà là thấy không khí Tết với cành đào được cắm gọn gàng, mâm ngũ quả, cặp bánh chưng được gia chủ bày đẹp mắt cùng với các loại bánh, mứt, kẹo sắp xếp gọn gàng trên bàn thờ tổ tiên quyện với mùi thơm của trầm, hoa huệ, cúc khiến không gian thêm phần ấm cúng và linh thiêng. Cuộc sống hiện đại, mỗi người, mỗi gia đình lựa chọn cho mình một cách riêng để chào đón năm mới. Thế nhưng với những người con, cháu của ông Phú, ông Phúc và nhiều gia đình nữa, họ lựa chọn trở về bên những ngôi nhà cổ, tìm lại không gian ấm cúng, nơi lưu giữ những kỷ niệm như một lời tri ân với thế hệ cha ông đã gìn giữ kho tàng ký ức quý báu.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202102/hon-tet-trong-nhung-ngoi-nha-co-175399