Hồn tre Việt
Cây tre tự bao đời nay đã gắn bó với người Việt, trở thành một biểu tượng của ý chí bền bỉ, tinh thần đoàn kết. Trước xu thế đô thị hóa mạnh mẽ, những rặng tre dần thưa thớt, thậm chí vắng bóng ở một số vùng quê, khiến không ít người bùi ngùi, tiếc nhớ.
Có phải tre dần vắng bóng?
Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra một cuộc bình chọn quốc hoa Việt Nam, hoa sen được chọn nhiều hơn cả. Nhưng trước đó, Ấn Độ đã chọn hoa sen làm quốc hoa. Thế là có nhiều ý kiến cho rằng nên chọn cây tre làm biểu tượng cho nước ta. Ý kiến này xem ra cũng có lý, dù sau đó cơ quan hữu quan không đưa ra kết luận nào chính thức cả.
Hiện nay, xu thế thay đổi diện mạo nông thôn luôn tồn tại những bất cập của môi trường sống, trong đó có sự thưa thớt dần của bóng tre. Để tre mãi “nên lũy nên thành” như trong thơ Nguyễn Duy, nhất thiết cần sự vào cuộc của nhiều phía, từ cơ chế và người dân.
Vào tháng 9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển ngành Tre Việt Nam theo chuỗi giá trị hàng hóa và định hướng mô hình kinh tế tuần hoàn”. Hội thảo xác định rõ vai trò, giá trị của cây tre. Tuy nhiên, người nông dân trồng tre đang phải chịu áp lực trước nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao khác.
Để phát triển ngành hàng tre, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cùng chính quyền các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chung tay xây dựng những vùng quy hoạch nguyên liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến, xuất khẩu, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết sản xuất.
Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp, người sản xuất và chính quyền các địa phương phải cùng vào cuộc thì mới phát huy được giá trị của tre, bảo tồn giá trị văn hóa cây tre và phát huy giá trị kinh tế của những sản phẩm chế biến từ tre. Đồng thời với việc đa dạng hóa sản phẩm, dùng tre làm vật liệu thay thế gỗ và nhiều hợp chất hóa học đang là xu thế thời đại.
Dễ thấy những vùng nào càng xa đô thị thì tre còn nhiều, người ta để tre như một thứ giữ đất rỗi, làm phên dậu chắn gió và cũng là một nguyên liệu để làm nên những thứ đồ dùng.
Thân thương tre Việt
Mới đây đi qua vùng Càng ở huyện Hải Lăng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều rặng tre. Càng là một vùng trũng, mùa nước ngập dài ngày, lênh láng cả cánh đồng như một miền Tây sông nước. Người ta sắm sẵn những chiếc đò làm phương tiện đi lại trên nước. Mùa mưa đi vào Càng thấy những túp nhà nằm giữa nước và những lùm tre bao quanh nhà bảo vệ.
Ngọn tre xơ xác, lá úa vàng vì gió mưa và ngâm nước, thế nhưng tre ở vùng ấy vẫn rất bền bỉ. Ngoài ra, bộ rễ của tre là rễ chùm, chằng chịt nên tre giữ đất rất tốt. Ở những vùng đất hay bị ngập nước như ven sông hói, tre được trồng để ngăn sự xói lở.
Ở huyện Triệu Phong, làng nghề tre có tiếng là làng Phương Ngạn. Gần đây, cũng chỉ còn được một vài nhà giữ nghề, chủ yếu đóng chõng tre. Chõng tre để người ta ngồi uống nước chè hoặc dùng khi phụ nữ nằm trong thời gian sinh nở. Đâu đó giữa các làng vẫn còn hiếm hoi vài cụ già chẻ tre đan nống, đan mủng.
Thực tế những nghề từ tre được xem là nghề tranh thủ, nghề mà không phải nghề vì nó có thu nhập thấp, “vô nghề đan thúng, túng nghề đan nia”. Dù năm khi mười họa mới bán được một món đồ tre nhưng chính những thứ đó làm cho tre còn có giá và người ta còn có cớ giữ lại những rặng tre.
Thời trước đi học, môn kỹ thuật chúng tôi được dạy kiểu đan nong mốt, đan nong hai để làm những thứ rổ, mẹt tre. Học sinh bây giờ chắc là không học những thứ ấy và sẽ xa lạ dần với vai trò của cây tre trong đời sống. Khi mà công nghiệp hóa đã thay đổi dần những thứ đồ dùng quen thuộc, những sọt sàng rổ rá tre đan nay đã được thay bằng đồ nhựa. Thúng là vật để đong lúa, một thúng sáu chục lon, thì nay đã dùng cân tính khối lượng. Đồ dùng bằng tre có chăng nay trở thành một vật lưu niệm, trưng bày trong các nhà hàng món quê, hay để vài người thỏa mãn cái thú hoài cổ.
Phương Lang, ngôi làng cổ có lịch sử 550 năm và nổi tiếng với nghề bánh ướt ở huyện Hải Lăng. Ở đây vẫn còn nhiều rặng tre mọc giữa làng, nhiều vật dụng bằng tre còn được sử dụng như nơm cá, thúng mủng. Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Trường tuổi ngoài tám mươi vẫn còn khỏe khoắn, minh mẫn và còn làm nghề đóng cối xay lúa bằng tre. Có thể gọi cụ là nghệ nhân làm cối xay.
Cụ cho biết nghề đóng cối xay ở làng Phương Lang đã có từ lâu lắm rồi, khi cụ lên mười tuổi đã theo ông nội đi khắp vùng đóng cối cho người ta. Rồi cụ giữ nghề cho đến tận hôm nay. Bây giờ thì chẳng ai dùng cối xay này nhưng cụ vẫn nhận làm thường xuyên cho các khu du lịch, bảo tàng và người sưu tập trong nước.
Từ cây tre biểu tượng “cốt cách Việt”, qua những bàn tay khéo léo của hàng trăm người dân quê đã làm nên nhiều tác phẩm nghệ thuật. Được biết từ hơn mười năm nay, cứ mỗi dịp Phật đản, Giáo hội Phật giáo huyện Triệu Phong lại chọn một địa điểm thực hiện không gian tre nghệ thuật để mọi người cùng thưởng lãm.
Trong những ngày đầu tháng Tư Âm lịch năm ngoái (Quý Mão 2023), hình ảnh các công trình nghệ thuật bằng tre ở chùa Lệ Minh (làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong) đã tạo được sự chú ý trên mạng xã hội. Sự kiện này vượt ra ngoài quy mô lễ hội tôn giáo, thu hút rất đông người đến tham quan, chụp ảnh trong không gian độc đáo, đậm hồn quê Việt.
Đi qua các làng quê Quảng Trị hôm nay, có thể cảm nhận sự thanh bình nhờ hình ảnh những lũy tre xanh hiền hòa. Giữa những miền quê ấy, người ta vẫn tha thiết với tre và đó cũng là cách để tre còn được mọc ở làng.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hon-tre-viet-185181.htm