Hòn vọng phu bên núi Chóp Chài
Sau vụ tàu cá PY 96121 TS bị chìm và 5 ngư dân tỉnh Phú Yên mất tích vào ngày 22/12/2023 đến nay, làng chài Đông Tác (phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn như đang trải qua mùa đông dài. Nhưng rồi vì cuộc mưu sinh, những chiếc tàu đánh cá vẫn tiếp tục ra khơi, để lại phía sau lưng họ là những hòn vọng phu in bóng vào núi Chóp Chài ngóng đợi.
Khi làng chài vắng trụ cột
muốn hiểu về làng chài nào cứ tìm đến với những người sống lâu năm giống như cây cổ thụ từng trải qua bao giông gió ở đó. Tôi gặp lão ngư Nguyễn Viết Phương (SN 1944) khi ông đứng ở vũng neo đậu Đông Tác, dõi ánh mắt về hướng núi Chóp Chài, phía cửa biển Đà Diễn. Ông nhắc lại chuyện trai tráng xưa nay đi biển, thỉnh thoảng có người nằm lại thì những người vợ như hòn vọng phu bên đỉnh Chóp Chài!
Tôi cố gắng giữ ông lại thật lâu để hỏi về những ngư dân nổi tiếng một thời ở cửa biển này, như Đinh Văn Thanh, Huỳnh Cưỡng... Họ đi biển khá bạo, giong thuyền buồm và lèo lái con thuyền ra khơi đánh cá, trở về bến theo con gió. Thỉnh thoảng gặp lốc tố nổi lên, ông lập tức ra lật sập buồm thật nhanh, nhưng bạn chài có khi khóc nhanh hơn cả buồm ngả xuống lòng ghe. Ai cũng nhắc chuyện lỡ bỏ mạng thì vợ ở nhà và bầy con không ai chăm sóc.
Chị Đinh Thị Thắng - con gái ngư dân Đinh Văn Thanh - ngồi quay mặt ra biển lặng im như hòn vọng phu trước khi kể lại những vụ tai nạn từng xảy ra tại làng chài này. Sau mỗi lần ghe úp thì làng chài lại thêm những người đàn bà không chồng. Họ bắt đầu tần tảo mưu sinh bằng cách ra biển mua cá chạy chợ, có những việc chưa từng làm nhưng bây giờ họ đều phải gánh vác, vì ở biển mà mất người đàn ông như nhà không còn trụ cột.
Ở làng chài, khi tai ương xảy ra thì nơi này lại xuất hiện những hòn vọng phu. Chị Võ Thị Oanh (SN 2000, vợ thuyền trưởng vừa gặp nạn) thẫn thờ nhìn về phía cửa biển Đà Diễn, trước mặt là ngọn núi Chóp Chài giống như con rùa. Chị nhắc chuyện chỗ này năm 2018 là nơi đứng chụp ảnh cưới, còn bây giờ lại là nơi khóc chồng - Thuyền trưởng Huỳnh Đức Lợi (29 tuổi). Anh cùng 4 ngư dân khác biền biệt tin tức sau cú điện thoại cuối cùng vào đêm 22/12/2023 thông báo tàu có thể đã đâm phải vật lạ, nước tràn vào khoang, sau đó mất liên lạc.
Đại tá Nguyễn Ngọc Minh - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên - trước khi trở thành chỉ huy cũng có rất nhiều năm sống với ngư dân làng chài, nên thấu hiểu mọi chuyện, chép miệng nói về thân phận vợ các ngư dân. Ông cho biết: "Đơn vị đã nỗ lực tìm kiếm các ngư dân của tàu PY 96121 TS mất tích trên biển, tổ chức trích Quỹ Vì những con tàu xa khơi để thăm hỏi, động viên. Thời gian đầu vẫn hy vọng, vì tai nạn xảy ra gần bờ, khu vực biển tỉnh Khánh Hòa. Nhưng tới giờ này vẫn chưa tìm thấy được dấu vết gì, tội nghiệp vợ con ngư dân!".
Các lão ngư cũng kể nhiều hơn về những năm tháng phiêu lưu trên biển, các trường hợp vợ ngư dân trở thành hòn vọng phu tự bươn chải với hoàn cảnh thiếu vắng trụ cột gia đình. Những câu chuyện miên man đầy xót xa ấy khiến tôi liên tưởng tới chị Phạm Thị Liên - vợ anh Nguyễn Ngọc Pháp, một trong nhiều ngư dân xấu số đã nằm lại giữa lòng biển trong vụ tai nạn ngày 16/10/2023 khiến hàng chục ngư dân bỏ mạng. Đầu năm 2024, khi tôi trở lại thăm, chị Liên vừa hạ sinh một cháu gái. Nhìn con, chị xót xa: "Tội quá, sinh ra mà không biết mặt cha!".
Buổi chiều trước hòn Chóp Chài, các lão ngư đã nhắc tới đại nạn khiến 71 ngư dân ở làng chài xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ra đi trong cơn lốc xoáy năm 1991. Thời điểm ấy, chị Đặng Thị Lan vừa sinh con trai út thì nhận được hung tin chồng chị là anh Nguyễn Duy Thư chìm cùng với tàu cá. Vậy là một tay chị nuôi 4 con nhỏ và chăm sóc người mẹ già. Tới giờ này, khi các con trưởng thành thì tóc chị cũng đã ngả màu sương gió.
Một buổi chiều đầu tháng 3 trước ngọn Chóp Chài, lão ngư Huỳnh Văn Thắng - cha chồng của chị Oanh - đứng gần đó, môi bặm lại và nước mắt tuôn dài. Thuyền trưởng Huỳnh Đức Lợi trên chiếc tàu đánh cá mất tích là con trai duy nhất của ông. Giờ một mình gánh vác gia đình, chị Oanh sẽ phải làm việc nhiều hơn, lo cho con ăn học để sau này có nghề nghiệp ổn định. Phần lớn đàn bà ở làng chài, nếu chồng qua đời, nhiều người thường xuống bến mua cá, cứ thế thức thâu đêm, nhường nhịn, nương nhau mà sống.
Chiều chiều, chị Oanh lại ra bến dõi về phía núi Chóp Chài, ngóng bóng chồng biền biệt giữa biển cả mênh mông. Trước khi rời làng chài Đông Tác, tôi nhìn lần cuối hình ảnh người con gái nhỏ thỉnh thoảng lại níu tay mẹ, hỏi: "Khi nào ba mới về mua đồ chơi cho con?".
"Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm"
ngày xưa, nhắc tới thân phận những người đàn bà làm vợ ngư dân, nhiều người thường ví von như thế. "Nhưng đó là chuyện trong quá khứ rồi", nhiều lão ngư ở làng chài Đông Tác nói với tôi như vậy, vì xưa kia tàu cá rất nhỏ, không có máy định vị, chạy bằng các loại máy cũ, thông tin dự báo thời tiết khá chập chờn, nhiều khi nghe tin có gió nhưng tàu không thể chạy kịp, vậy là dính bão; còn tàu cá hiện nay đã được hiện đại hóa, máy tốt hơn, thân tàu dài 21-25 mét (trước đây phổ biến chỉ dài 15 mét). Tôi gặp lại một số ngư dân từng gặp nạn ở Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, nhưng không nghe ai nhắc chuyện sẽ nghỉ đi biển 1-2 năm. Khi được hỏi về việc "vợ có ngăn đi biển nữa không?", ai cũng lắc đầu. Chỉ có điều, khi trả lời câu hỏi đó, trong mắt họ đều thoáng lên ánh lặng lẽ.
Bà Trần Thị Thu ở làng chài Đông Tác cho biết, xưa nay là vậy, cứ bị nạn thì có khi nghỉ ở nhà 1-2 phiên để hoàn hồn, rồi lại tiếp tục xuống tàu đi bạn, không có mấy người bỏ nghề. Còn đối với đàn bà ở làng chài, ai cũng xác định nghề biển là gian nan, chồng ra khơi gọi điện về chẳng ai hỏi bữa nay đánh được bao nhiêu cá, chỉ hỏi anh em ngoài đó có bình yên, vui vẻ hết không? Nếu được trả lời "vui" thì xem như mẻ lưới ấy trúng đậm rồi...
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/hon-vong-phu-ben-nui-chop-chai_159769.html