Hòn Yến được cứu
Danh thắng quốc gia Hòn Yến (Phú Yên) với bãi san hô lộ thiên tuyệt đẹp đứng trước nguy cơ bị bức tử, do đó việc lập đề án bảo tồn là rất cấp thiết
Bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, cho biết đề án Bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 vừa được UBND tỉnh này phê duyệt.
Bị tàn phá nghiêm trọng
Trước đó, ngày 3-12-2019, dưới sự chứng kiến của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tỉnh Phú Yên và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (thuộc Bộ Quốc phòng) ký kết hợp tác về nghiên cứu, đánh giá, khảo sát toàn bộ hiện trạng và tiềm năng đa dạng sinh học ở Hòn Yến.
Trước khi ký kết, giữa hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ. Bước đầu, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cho biết đa dạng sinh học ở khu vực biển Hòn Yến rất cao. Trên cạn có thảm thực vật bao phủ và một số loài chim như nhạn biển, yến; dưới nước là nơi sinh tồn và phát triển của các hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rong biển và một số loài cá nhỏ, hải sâm, sao biển… có giá trị kinh tế và khoa học. Đặc biệt, nơi đây có 1 rạn san hô tuyệt đẹp, trải dài trên 12,7 ha với 17 loài san hô cứng và 40 loài động vật không xương sống cỡ lớn.
Tuy nhiên, các khảo sát cũng cho thấy quần thể Hòn Yến đang đứng trước nguy cơ bị bức tử do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể, nơi đây đang tiếp nhận lượng lớn nước thải, rác thải chưa qua xử lý từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, hoạt động dân sinh, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên bờ và khách du lịch tham quan. Đối với khu vực nuôi trồng thủy sản, 100% lồng bè nuôi đều xả thải trực tiếp ra môi trường biển, không qua xử lý. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các thủy sinh mà còn dễ phát sinh và lây lan các mầm bệnh.
Các tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch cũng đang đe dọa đến quần thể Hòn Yến, đặc biệt là rạn san hô. Đó là việc nhiều khách du lịch vô tư giẫm đạp lên san hô để chụp hình, vứt rác thải nhựa bừa bãi. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Cường là người thường xuyên chứng kiến cảnh này, lên tiếng phải có biện pháp ngăn chặn. "Nhiều khi thấy đau lòng trước một số du khách vô ý thức. Mình nhắc nhở một hai người chứ làm sao nhắc nhở nổi hết đoàn này đến đoàn khác" - nhiếp ảnh gia này nói.
Theo anh Nguyễn Văn Trung, một người dân sống gần Hòn Yến, phần lớn ở đây là loài san hô cứng, lúc thủy triều xuống lộ ra rất đẹp. Đó cũng là lúc nhiều người lội xuống chụp ảnh, làm gãy san hô. Phải mất hàng chục năm, mỗi cành san hô bị gãy mới mọc lại như cũ. Rất tiếc nhiều du khách không hiểu điều đó, trong khi việc bảo vệ cũng chưa được kịp thời.
Cấp thiết phải bảo vệ
Bà Lê Đào An Xuân cho rằng đề án nói trên đề ra tính cấp thiết phải bảo vệ được rạn san hô và tính đa dạng sinh học ở khu vực Hòn Yến. Đề án do UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên làm chủ trì và cơ quan này cùng với UBND huyện Tuy An thực hiện. Đề án triển khai trong nhiều giai đoạn. Trong đó, năm 2020, tập trung điều tra, đánh giá hiện trạng để đưa ra phương án bảo vệ, bảo tồn phù hợp.
Theo bà Xuân, mục tiêu của đề án là tăng cường hoạt động bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến; giảm thiểu mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trên cơ sở bảo vệ, bảo tồn, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Đề án đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Điều tra, khảo sát để đánh giá lại hiện trạng; thành lập khu bảo tồn; tăng cường các hoạt động bảo vệ, bảo tồn. Chỉ tiêu thực hiện của đề án là hơn 85% khu vực bị ô nhiễm môi trường được khắc phục, xử lý; 90% hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên bờ trong khu vực nghiên cứu có dụng cụ phân loại rác tại nguồn; 90% chất thải rắn sinh hoạt của các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên bờ trong khu vực nghiên cứu được thu gom và xử lý triệt để; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, nước thải từ trên bờ nhằm bảo đảm chất lượng trước khi thải ra biển. Bên cạnh đó, bố trí 100% khu vực công cộng và các vị trí thuận lợi có thùng đựng rác thải để người dân và du khách dễ nhìn thấy, bỏ rác; di dời và xử lý triệt để các lồng bè nuôi tôm hùm hoặc nuôi trồng thủy hải sản không theo quy hoạch, gây mất cảnh quan và ô nhiễm môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các dụng cụ khai thác thủy sản hủy diệt.
"Đề án cũng sẽ tăng cường công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động xả thải ra môi trường gây mất cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước và đa dạng sinh học khu vực quần thể Hòn Yến" - bà Xuân nhấn mạnh.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, khẳng định bãi san hô ở Hòn Yến là dạng san hô lộ thiên, có một không hai. Với việc đề án triển khai thành công sẽ mang lại lợi ích to lớn, phát huy giá trị của di tích thắng cảnh cấp quốc gia Hòn Yến.
Nhiều rạn san hô đã chết, mất dần
Ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh Phú Yên có rất nhiều rạn san hô đẹp nhưng do công tác bảo tồn chưa thực sự được quan tâm, nguồn lực bảo tồn hạn chế và ý thức bảo tồn chưa cao nên rất nhiều rạn san hô đã bị chết và mất dần. Do đó, ngoài Hòn Yến, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có chỉ đạo đề ra các phương án bảo tồn rạn san hô, các quần thể, danh lam thắng cảnh khác; qua đó phát huy lợi thế tiềm năng về du lịch biển.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/bien-dao/hon-yen-duoc-cuu-20200103223738554.htm