Honda cũng muốn gia nhập thị trường giao vận xanh
Với khoảng 3 triệu xe đạp, xe máy điện đang lưu hành, thị trường Việt Nam được đánh giá là lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất (khoảng 30 - 35% năm 2022) trong các quốc gia ASEAN.
Honda Việt Nam và Lotteria đã hợp tác triển khai dự án sử dụng xe điện giao hàng tại hệ thống cửa hàng của Lotteria trên toàn quốc, với 100 xe điện Benly e:
Phía Honda Việt Nam cho biết, sẽ chọn ngành dịch vụ giao hàng để triển khai thí điểm dự án sử dụng xe máy điện, tiền đề cho hãng này chuyển đổi phương tiện xanh.
Dòng xe được Honda chọn là Benly e: có thiết kế độc đáo, phần thân sau trang bị cốp chứa đồ nhằm tăng khả năng chở hàng. Phía trước xe trang bị giỏ chứa hàng, tải trọng của xe đạt mức 60 kg, theo công bố từ hãng.
Đại diện Honda Việt Nam cho biết, xe Benly e: có pin đi kèm bộ sạc rời, thời gian sạc từ 0-100% khoảng 4 tiếng, phạm vi hoạt động tối đa 80 km và tùy tải trọng hàng hóa.
Trước đó, Honda đã phối hợp cùng đối tác VNPost triển khai sử dụng xe điện cho dịch vụ giao hàng và thí điểm mô hình đổi pin, nhằm tìm hiểu tính khả thi trong hoạt động kinh doanh thông qua hình thức vận chuyển hàng hóa.
Cũng theo hãng này, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện trong ngành dịch vụ vận chuyển và giao nhận hàng góp phần bảo vệ môi trường bằng cách giảm lượng khí thải, nhận được nhiều điểm cộng từ góc độ kinh tế và vận hành doanh nghiệp.
Áp lực ô nhiễm ngày càng cao hơn từ tăng phát thải theo cấp số nhân tại Đông Nam Á là một trong những lý do thúc đẩy các bên tham gia ngành giao vận tăng tốc trong cuộc đua "xanh hóa".
Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (e-Conomy SEA 2022) dự báo, phát thải CO2 từ hoạt động vận tải, giao đồ ăn và thương mại điện tử có thể tăng từ 6 lên 10 triệu tấn trong giai đoạn 2022 - 2025 và đạt tới 20 triệu tấn vào năm 2030.
Việc sử dụng xe điện vào giao hàng chặng cuối, kết hợp cùng giảm thiểu, tái chế vật liệu đóng gói có thể giúp giảm hơn 1/3 lượng khí thải của lĩnh vực thương mại điện tử.
Cùng với đó, lĩnh vực vận tải cũng có thể giảm 20 - 30% lượng khí thải bằng cách chuyển đổi sang xe điện thông qua các quan hệ đối tác, kết hợp cùng tối ưu hóa tuyến đường và giảm thời gian chờ đợi của người lái xe.
Với khoảng 3 triệu xe đạp, xe máy điện đang lưu hành, thị trường Việt Nam được đánh giá là lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất (khoảng 30 - 35% năm 2022) trong các quốc gia ASEAN, đồng thời xếp thứ hai trên toàn cầu.
Sự nhập cuộc gần đây của nhiều nhà sản xuất trong nước như: VinFast, Selex Motors, Dat Bike, hay Evgo đã bắt đầu "hâm nóng" thị trường xe máy điện.
Bên cạnh đó, thị trường xe máy điện Việt Nam còn được thúc đẩy bởi chủ trương xanh hóa các phương tiện giao thông, vận tải từ phía cơ quan quản lý.
Thực tế, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỉ lệ người dân sử dụng xe máy xăng cao nhất. Việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ xe máy xăng sang điện có thể xem là phương án trực quan và có tác động rõ nhất.
Không chỉ có các nhà sản xuất trong nước, mà cả các siêu ứng dụng cũng đang tích cực tham gia vào việc đẩy nhanh quá trình xanh hóa này. Lần lượt các ứng dụng giao vận như: Grab, Gojek, Be, GSM đều đã thúc đẩy tài xế chuyển đổi từ xe máy xăng truyền thống sang điện.
Bên cạnh yếu tố công nghệ liên quan tới việc nạp năng lượng cho xe máy điện, một trong những rào cản mà các ứng dụng gọi xe đang gặp phải đó là chi phí chuyển đổi ban đầu.
Chi phí này bao gồm việc thuyết phục các tài xế chuyển đổi sang xe máy điện, chi phí xây dựng hệ sinh thái ba bên gồm: nhà sản xuất xe máy điện, ngân hàng tài trợ vốn chuyển đổi, cũng như đơn vị chấp nhận bảo hiểm xe máy điện.
Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi nào các ứng dụng gọi xe xây dựng được hệ sinh thái ba bên xoay quanh xe máy điện, thì khi đó các hoạt động vận tải, giao hàng, giao đồ ăn bằng xe máy điện mới thực sự phổ biến.