Hồng Ánh: Buông bỏ nhau khi nguội lạnh, không còn thương...
Trở lại với phim truyền hình, Hồng Ánh khiến không ít khán giả phải rơi nước mắt với vai Hạnh trong Cây táo nở hoa. Chia sẻ về vai diễn, cô cho rằng Hạnh có thể có mặt ở bất cứ đâu trong cuộc sống này.
Đóng “Cây táo nở hoa” vì bà ngoại thích xem phim truyền hình
Sau gần 10 năm không tham gia phim truyền hình, Hồng Ánh bất ngờ trở lại với vai diễn Hạnh trong Cây táo nở hoa. Nói về lý do tham gia, cô bộc bạch vì bà ngoại và các dì mê phim truyền hình.
Hồng Ánh bật cười: “Gia đình tôi ở dưới quê mê phim truyền hình lắm. Bà ngoại nói trong nhà có đứa cháu làm diễn viên, nhưng toàn đóng phim chiếu rạp, các dì và bà làm sao đi xem được nên tôi tham gia Cây táo nở hoa cũng một phần vì lý do này. Chỉ tiếc là phim chưa kịp chiếu, bà ngoại đã mất hồi cuối năm ngoái”, cô nói.
Khi tiếp cận với câu chuyện của Cây táo nở hoa, Hồng Ánh bị thuyết phục bởi sự gần gũi của đề tài. Phim xoay quanh những câu chuyện trong gia đình, giữa hàng xóm láng giềng quen thuộc với khán giả Việt Nam, đặc biệt là những gia đình lao động. Cô nói: "Người Việt mình hay có tư tưởng là trong dòng họ nếu một người may mắn thành công sẽ phải cưu mang, giúp đỡ những người còn lại”.
Bên cạnh đó, Hồng Ánh cũng rất trân trọng cơ hội được gặp lại khán giả truyền hình thông qua bộ phim này.
“Không ít người nghĩ là tôi đang đóng phim chiếu rạp mà đóng truyền hình có phải là bước lùi không, nhưng tôi nghĩ là không. Vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi bùng phát dịch bệnh, lĩnh vực truyền hình trực tuyến đã thay đổi thói quen của khán giả. Chất lượng của điện ảnh và truyền hình đã tiệm cận nhau, và trong cuộc đua này, chưa biết lĩnh vực nào đầu tư nhiều và nghiêm túc hơn đâu. Với tư cách là diễn viên, tôi phải làm tốt phận sự truyền tải cảm xúc, không phải với điện ảnh mình diễn tốt hơn còn truyền hình ít đầu tư cho nhân vật hơn”, Hồng Ánh chia sẻ.
Kịch bản phim Việt còn yếu
Trở lại với Cây táo nở hoa – một bộ phim được Việt hóa từ kịch bản gốc Hàn Quốc, Hồng Ánh khẳng định kịch bản tốt ở Việt Nam là rất hiếm. Theo cô, phim truyền hình thuần Việt hấp dẫn và thành công không nhiều, gần đây nhất có Về nhà đi con. Tuy nhiên, phần lớn những phim này đều được sản xuất bởi ê-kíp phía Bắc, nơi được Hồng Ánh gọi vui là “đất viết lách”. Còn ở phía Nam, cô cho rằng phương án tốt nhất đảm bảo chất lượng là tìm kịch bản gốc của nước ngoài.
Cô nói: “Chúng ta còn yếu về kịch bản. Theo tôi, không nhất thiết phải lo sợ về vấn đề ‘thuần Việt’ vội, vì cũng như trong bóng đá thôi, nếu đội tuyển của bạn chưa mạnh, bạn bắt buộc phải thuê những cầu thủ có chất lượng từ nước ngoài để hoàn thiện đội hình.
Việc Việt hóa kịch bản nước ngoài cũng là một trường học hiệu quả cho đội ngũ biên kịch. Khi khả năng của biên kịch Việt vững vàng, chúng ta sẽ có những bộ phim 100% thuần Việt. Ví dụ phim ‘Gạo nếp gạo tẻ’, vốn được làm từ kịch bản Hàn, sau đó phần 2 của phim được ê-kíp Việt viết mới hoàn toàn, đáng tiếc là kết quả của phần 2 không được như mong đợi. Đó là điểm yếu mà chúng ta phải nhìn nhận và khắc phục”.
Buông bỏ khi nguội lạnh, không còn thương
Trong Cây táo nở hoa, Hồng Ánh vào vai Hạnh – một người vợ tảo tần, một mực thương chồng con, tuy nhiên luôn bị ức chế bởi chồng cô (Thái Hòa) luôn phải cưu mang, bảo bọc những đứa em mình không khác gì một người cha.
Hồng Ánh ban đầu hoài nghi về sự chân thực của nhân vật này, liệu có một cô Hạnh cam chịu ngoài đời thực? Cô nhiều lần tranh luận cùng Thái Hòa vì muốn chống lại những hành động của Hạnh. Tuy nhiên, khi nhìn lại những lần bị ấm ức trong cuộc đời và những người xung quanh, Hồng Ánh dần tin có rất nhiều cô Hạnh ở ngoài đời.
“Tôi có những người cô, người dì cũng như cô Hạnh vậy. Có lúc, tôi nghĩ nếu là mình đã bỏ người chồng đó từ tám đời rồi, nhưng họ không vậy. Sau này tôi nghĩ, mình không là người ta làm sao mà hiểu được. Với Hạnh cũng vậy, nếu cô ấy được sinh ra trong môi trường và được giáo dục đã hành động khác rồi. Người diễn viên khi hiểu được động cơ và những lý lẽ sẽ thương nhân vật của mình nhiều hơn” - Hồng Ánh tâm sự.
Khi được hỏi rằng nếu đặt mình vào hoàn cảnh như Hạnh, Hồng Ánh có chấp nhận hy sinh không, cô không ngần ngại nói có.
“Tôi có nhiều sự đồng cảm với Hạnh. Mỗi cảnh quay với anh Thái Hòa, tôi lại đặt mình vào đó, nghĩ rằng nếu buông đôi bàn tay chai sần ra sẽ tội anh ấy lắm. Vợ chồng có nhiều cái ngộ lắm, là duyên nợ, người ta chỉ buông bỏ nhau khi nguội lạnh, không còn cảm xúc nữa, không còn thương nhau nữa thôi. Chứ nếu chỉ vì những khó khăn bên ngoài tác động, có thể đôi khi họ mắng chửi, cãi vã nhau, thậm chí nặng tay nặng chân nhưng còn thương là vẫn còn quay lại được.
Tuy nhiên, nếu áp lực cứ đến dồn dập, một ngày nào đó cũng giết chết cảm xúc yêu thương và lúc đó chia tay nhau là điều khó tránh khỏi. Mà tới khi đó rồi, muốn nghe một tiếng cằn nhằn hay to tiếng cũng khó”, Hồng Ánh bày tỏ quan điểm.
Bỏ nhiều tâm huyết và cảm xúc vào vai diễn, Hồng Ánh chia sẻ rằng quá trình quay phim dù kéo dài hơn một năm do vướng 3 đợt dịch, nhưng cô không thấy quá vất vả về thể lực. Tuy nhiên, việc nhân vật Hạnh gặp quá nhiều ấm ức trong phim cũng khiến cô mệt mỏi.
“Đạo diễn làm rất kỹ từng phân đoạn, từng cảnh quay nên cảnh tôi khóc, quay thử hay quay thật cũng phải khóc như vậy, đầu óc căng lên để nhớ thoại vì phim thu tiếng trực tiếp, khiến bản thân mình cũng căng thẳng theo nhân vật”, cô nói.