Hong Kong bị tàn phá trên phim ảnh như thế nào?
Hong Kong thường được các nhà làm phim Hollywood chọn làm bối cảnh chiến đấu trong các tác phẩm hành động, giả tưởng có kinh phí lớn.
Godzilla vs. Kong, bộ phim thuộc Vũ trụ Quái thú (MonsterVerse) của Warner Bros. và Legendary vừa tung trailer đầu tiên hôm 25/1.
Bộ phim giới thiệu thêm nhiều quái thú, hứa hẹn sự trở lại đầy hấp dẫn, tiếp nối sự thành công của Godzilla (2014), Kong: Skull Island (2017) và Godzilla: King of the Monsters (2019), có sự tham gia của Chương Tử Di.
Godzilla vs. Kong do Adam Wingard làm đạo diễn. Lần này, anh chọn Hong Kong như một chiến trường cho cuộc chiến đỉnh cao giữa hai quái vật khổng lồ và gây ra thiệt hại đáng kể.
Đây không phải là lần đầu tiên Hong Kong bị các đạo diễn Hollywood "nhào nặn, tàn phá". "Ngay cả Godzilla cũng từng đến thăm những bờ biển ở Hong Kong này trước đó trong Godzilla vs. Destoroyah (1995) của Toho", SCMP bình luận.
Hong Kong bị Hollywood "tàn phá" thế nào?
Đoạn trailer chính thức mới nhất của Godzilla vs. Kong có nhiều nét tương đồng với Pacific Rim (2013) của đạo diễn Guillermo del Toro. Trong đó, bộ phim đã sử dụng Cảng Victoria cho cuộc chiến của những con quái vật.
Hollywood thường xuyên lấy Hong Kong làm bối cảnh cho những cảnh quay bị tàn phá với quy mô lớn.
Michael Bay từng "cho phép" Mark Wahlberg và Stanley Tucci chiến đấu với những con robot khổng lồ trên các mái nhà ở Vịnh Quarry trong bộ phim Transformers: Age of Extinction (2014).
Hong Kong từng có ảnh hưởng lớn đến bộ anime kinh điển Ghost in the Shell (1995) của Mamoru Oshii. Bản làm lại phiên bản live-action do Scarlett Johansson thủ vai năm 2017 cũng được thực hiện tại đây.
Cảnh bạo lực dưới cây cầu hình tròn mang tính biểu tượng tại vịnh Đồng La làm mãn nhãn nhiều khán giả.
Hong Kong cũng từng "chịu số phận bị tàn phá" trong Doctor Strange (2016). Những đống đổ nát gây ra bởi bàn tay của phù thủy tối cao (Benedict Cumberbatch thủ vai) hết lần này đến lần khác khiến nơi đây bị hủy hoại trên phim.
Ngô Ngạn Tổ từng xuất hiện trong bộ phim thảm họa địa cầu, gây khủng hoảng bán đảo Cửu Long trong Geostorm (2017). Đảo Hong Kong cũng bị tàn phá bởi các mảnh vỡ của người ngoài hành tinh rơi xuống trong Battleship (2012).
Trong Skyscraper (2018), bộ phim được cho là sự pha trộn ý tưởng của Die Hard và The Towering Inferno, Dwayne “The Rock” Johnson cũng xuất hiện tại tòa nhà cao nhất thế giới mới được xây dựng trên bến cảng ở Hong Kong để kiểm tra hệ thống an ninh, nhìn gia đình mắc kẹt với nhóm khủng bố.
Nơi yêu thích của giới làm phim ở Hollywood
Một số nhà làm phim lại có cách làm phim về Hong Kong nhẹ nhàng hơn. Christopher Nolan đã để Batman phá một vài cửa sổ của trung tâm tài chính quốc tế IFC Hong Kong trong The Dark Knight (2008), trong khi phần còn lại nơi đây vẫn nguyên vẹn.
Lara Croft, nhân vật chính của Tomb Raider, đã đến thăm Hong Kong hai lần trong các cuộc phiêu lưu, kể cả trong The Cradle of Life (2002) do Angelina Jolie thủ vai và Tomb Raider 2018 do Alicia Vikander đóng.
Trong bộ phim hành động, giật gân 6 Underground (2019), Michael Bay cũng chỉ sử dụng vài cảnh nổ nhỏ với những cảnh quay lấy bối cảnh ở Hong Kong.
Các nhà làm phim thường bị thu hút và dùng Hong Kong làm bối cảnh trong phim. Giới chuyên gia cho rằng Hong Kong được khán giả quốc tế biết đến nhiều hơn, kể cả khu vực châu Á lẫn Âu, Mỹ và một số nơi khác.
Theo SCMP, dù sao thì "sự tàn phá Hong Kong" của Hollywood đều là dấu hiệu của việc các nhà làm phim quan tâm tới nơi này.
Chứng kiến những cảnh quay nghiêm túc, đầu tư kỹ lưỡng, khán giả Hong Kong vẫn thấy tự hào khi nơi họ sống được giới thiệu đến bạn bè quốc tế thông qua các bộ phim bom tấn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hong-kong-bi-tan-pha-tren-phim-anh-nhu-the-nao-post1177996.html