Hong Kong chuẩn bị ứng phó biểu tình vào cuối tuần này
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 6-9 đã nêu vấn đề Hong Kong với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nói rằng cần có một phải pháp hòa bình.
Hong Kong đang chuẩn bị ứng phó với các cuộc biểu tình vào cuối tuần này, với việc người biểu tình đe dọa làm gián đoạn các tuyến đường giao thông dẫn tới sân bay dù Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam đã tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, theo Reuters.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 6-9 đã nêu vấn đề Hong Kong với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nói rằng cần có một phải pháp hòa bình.
“Tôi nhấn mạnh rằng các quyền lợi và tự do cho công dân Hong Kong phải được đảm bảo. Trong tình hình hiện nay, bạo lực phải được ngăn cản. Chỉ có đối thoại mới có thể giúp được. Có nhiều dấu hiệu cho thấy trưởng Đặc khu Hong Kong sẽ tổ chức một cuộc đối thoại như vậy. Tôi hy vọng điều đó thành hiện thực và những người biểu tình có cơ hội tham gia cơ cấu các quyền của công dân” - bà Merkel nói trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 6-9.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại một buổi họp báo với người đồng cấp Đức Merkel nói rằng: “Chính phủ Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chính sách “một quốc gia, hai chế độ” và “người dân Hong Kong cai quản người dân Hong Kong”.
Theo ông Lý, Bắc Kinh ủng hộ chính quyền Hong Kong “chấm dứt bạo lực và hỗn loạn phù hợp với luật pháp để trả lại trật tự nhằm bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hong Kong”.
Ông Lý nói thêm rằng người dân Trung Quốc có trí tuệ và khả năng quản lý tốt những vấn đề của riêng họ.
Người biểu tình Hong Kong có kế hoạch chặn giao thông dẫn tới sân bay quốc tế của TP vào ngày 8-9, một tuần sau khi hàng ngàn người biểu tình làm gián đoạn các tuyến đường giao thông, gây ra cảnh tượng bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi bất ổn leo thang ở TP này cách đây ba tháng.
Nhiều người biểu tình cam kết tiếp tục biểu tình bất chấp Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã thông báo chính thức rút dự luật dẫn độ hôm 4-9. Người biểu tình cho rằng bà Lam nhượng bộ quá ít, quá trễ.
Một số nhà hoạt động và các nhóm ủng hộ dân chủ cho hay họ sẽ không từ bỏ bốn yêu cầu quan trọng khác bằng việc tiếp tục tổ chức các cuộc mít tinh vào tối 6-9 trên khắp Hong Kong, tại những địa điểm như ga tàu điện ngầm và các trụ sở chính quyền gần đó.
Dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa những người phạm tội ở Hong Kong sang Trung Quốc đại lục xét xử, là một phần nguyên nhân khiến Hong Kong “sóng gió” suốt ba tháng qua.
Nhiều người biểu tình vẫn tỏ ra không hài lòng với việc bà Lam từ chối thành lập ủy ban điều tra độc lập nhằm vào các hành vi của cảnh sát khi trấn áp biểu tình. Cảnh sát đã bắn hơi cay, đạn cao su, đạn túi đậu và vòi rồng vào người biểu tình. Người biểu tình đã đáp trả bằng bom xăng và ném gạch.
Ba yêu cầu khác của người biểu tình là rút lại từ “bạo động” khi mô tả các cuộc biểu tình, tha bổng những người biểu tình bị bắt và tổ chức bầu cử phổ thông.
Nhiều người lo ngại Bắc Kinh đang làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong khi TP này được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Trung Quốc phủ nhận cáo buộc, nói rằng Hong Kong và vấn đề nội bộ của nước này. Trung Quốc cũng lên án các cuộc biểu tình, cảnh báo về sự thiệt hại cho nền kinh tế và khả năng dùng vũ lực để dập tắt biểu tình.
Nhà chức trách cho rằng tình trạng hỗn loạn này đã đè nặng lên nền kinh tế Hong Kong, có nguy cơ đối mặt với suy thoái kinh tế đầu tiên trong thập niên qua. Có bằng chứng cho thấy một số quỹ đang chuyển tới các trung tâm tài chính đối thủ như Singapore.
Theo hãng tin Reuters, dự luật về giải quyết các hành động của Trung Quốc ở Hong Kong sẽ là một trong các ưu tiên hàng đầu được các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của Mỹ thúc đẩy khi Quốc hội trở lại làm việc vào tuần tới.