'Hong Kong có thể tin vào sự ủng hộ của EU trong lúc khó khăn'
Phái đoàn EU đến Hong Kong trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở Hong Kong tiếp tục nổ ra và sau nhiều tuyên bố từ Brussels rằng TP này cần duy trì luật pháp và quyền tự trị.
Hong Kong có thể tin vào sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) vào những lúc khó khăn, một phái đoàn EU đến thăm Hong Kong nói ngày 28-11 sau các cuộc đối thoại với các chính trị gia địa phương.
“Những người bạn thật sự luôn sát cánh bên nhau vào những thời điểm khó khăn và Hong Kong có thể tin tưởng vào EU trong vấn đề này”, Gunnar Wiegand - Giám đốc điều hành về châu Á và Thái Bình Dương tại Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) nói trong một tuyên bố ngày 28-11.
Phái đoàn EEAS, đại diện cho EU về các vấn đề ngoại giao và đối ngoại, đang thăm Hong Kong để tham gia cuộc “đối thoại có cấu trúc” thường niên của họ - sự kiện mà EU trước đó nói nhằm mục đích thúc đẩy “sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và Hong Kong”.
Ông Weigan đồng chủ trì cuộc họp với đại diện về thương mại của Hong Kong Vivian Sum Fong-kwang.
Trong cuộc đối thoại, hai bên trao đổi những quan điểm về “nhiều vấn đề khác nhau mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm những diễn biến mới nhất”, tuyên bố cho biết.
Phái đoàn EU đến Hong Kong trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở Hong Kong tiếp tục nổ ra và sau nhiều tuyên bố từ Brussels rằng TP này cần duy trì luật pháp và quyền tự trị.
Trong cuộc bao vây Trường ĐH Bách Khoa Hong Kong gần đây, EEAS nói rằng những hành động của cảnh sát Hong Kong “phải hoàn toàn đúng mực, trong khi các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền hội họp ôn hòa của người dân Hong Kong, phải được duy trì”.
Hồi tháng 7, Nghị viện châu Âu thông qua một nghị quyết lên án tình trạng bạo lực của các sĩ quan cảnh sát nhằm vào người biểu tình. Nghị viện châu Âu cũng yêu cầu EEAS “nêu tất cả lo ngại này và đảm bảo một cuộc đối thoại” trong sự tương tác với chính phủ Bắc Kinh và chính quyền Hong Kong.
Ông Wiegand không đi sâu vào chi tiết cuộc gặp hôm 28-11, chỉ nói rằng cuộc đối thoại “đã giúp xem xét sự hợp tác sâu rộng của chúng tôi trong nhiều lĩnh vực”.
“Mức độ tự trị cao của Hong Kong, luật pháp của TP và các quyền cơ bản, các quyền tự do được quy định trong nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” là nền tảng cho mối quan hệ kinh tế chặt chẽ và quan hệ giữa nhân dân của chúng tôi” - ông nói.
Ông nói rằng “bất chấp những biến cố xã hội gần đây, năng lực cốt lõi của Hong Kong vẫn mạnh mẽ và được nhiều tổ chức quốc tế công nhận”.
EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hong Kong hồi năm ngoái, theo tuyên bố của EEAS.
Cuộc đối thoại trên diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-11 ký thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, trong đó có thể hủy quy chế thương mại đặc biệt của Hong Kong với Mỹ nếu các nghị sĩ ở Washington cảm thấy quyền tự trị của đặc khu bị xói mòn.
Bắc Kinh đã chỉ trích cả Brussel và Washington vì những gì nước này mô tả là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Hôm 28-11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay việc ông Trump ký thông qua dự luật về Hong Kong là “vi phạm nghiêm trọng các vấn đề của Hong Kong, can thiệp nghiêm trọng vào chính trị nội bộ của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ quốc tế”.
“Chúng tôi khuyên Mỹ không nên cố tình đi theo con đường riêng của mình, nếu không TQ sẽ có biện pháp trả đũa quyết liệt và phía Mỹ phải chịu mọi hậu quả”, cơ quan này khẳng định, song không nêu rõ biện pháp đáp trả cụ thể.
Chính quyền Hong Kong ngày 28-11 cũng nói rằng họ “cực kỳ lấy làm tiếc” việc ông Trump ký thông qua dự luật, cho rằng Washington đang can thiệp công việc nội bộ của đặc khu. Một quan chức chính quyền Hong Kong cảnh báo động thái của Mỹ sẽ “gửi thông điệp sai cho người biểu tình”.