Hong Kong, Macau phát triển bộ xét nghiệm virus corona cho kết quả trong 30-40 phút
Kiểm tra tốn nhiều thời gian là một trong những khó khăn trong cuộc chiến chống lại coronavirus, nhưng các đội nhóm ở trường đại học Hong Kong và Macau đang phát triển bộ thiết bị kiểm tra có thể cho kết quả sớm.
Khi các nhà nghiên cứu và bác sĩ trên khắp thế giới cố gắng chiến đấu với cuộc khủng hoảng coronavirus, đã làm hơn 31.000 người mắc bệnh, các xét nghiệm có thể chẩn đoán virus chết người trong chưa đầy một giờ đang bắt đầu được thành hình.
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho biết hôm thứ Năm (6/2) đã phát minh ra một thiết bị cầm tay có thể chẩn đoán các ca nhiễm coronavirus trong 40 phút, trong khi Đại học Macau đang nghiên cứu một bộ kiểm tra có thể phát hiện được virus trong vòng chưa đầy 30 phút, ngay cả ở giai đoạn đầu của sự lây nhiễm.
Tin tức được đưa ra khi tại Hồ Bắc - tỉnh trung tâm dịch - cho thấy tình hình đã trở nên tồi tệ hơn bởi hệ thống sàng lọc chậm và phức tạp, cũng như sự thiếu hụt các bộ dụng cụ xét nghiệm. Điều này có nghĩa là nhiều bệnh nhân bị bệnh không được chẩn đoán và bị các bệnh viện quá tải từ chối.
Các thành phố khác, chẳng hạn như Hong Kong, cũng đang phải vật lộn để đối phó với hàng chục ca kiểm tra mỗi ngày, vì các phương pháp thử nghiệm truyền thống thường mất vài giờ.
Malik Peiris, phụ trách bộ phận virus học tại Đại học Hong Kong, người đã phát triển một thử nghiệm về virus, cho biết một số nhóm nghiên cứu đang cố gắng đưa ra các xét nghiệm chẩn đoán nhanh.
"Những bài kiểm tra nhanh như vậy sẽ rất hữu ích", ông nói. "Tuy nhiên, điều cần thiết là đánh giá chúng để cho thấy chúng đủ nhạy cảm như các xét nghiệm thông thường hiện đang được sử dụng. Nếu không, chúng ta sẽ có các xét nghiệm âm tính giả, kết quả là bỏ sót bệnh nhân bị nhiễm bệnh, điều này không thể chấp nhận", ông này cho biết thêm.
Ian Mackay, một nhà virus học tại Đại học Queensland ở Brisbane, cũng có cùng mối quan tâm. Ông nói rằng các xét nghiệm có thể cần phải được lặp lại tùy thuộc vào mức độ nhạy của chúng và mức độ hiệu lực đối với các mẫu xét nghiệm thực tế. "Ngay cả khi thử nghiệm trên phòng thí nghiệm cũng có thể trả về kết quả âm tính khi ai đó thực ra bị nhiễm bệnh. Do đó, cần có mẫu lặp lại, hoặc mẫu từ trường hợp khác".
Người phát ngôn của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho biết, một nhóm do ông Weijia Wen, giáo sư khoa vật lý của trường đại học, đã đưa ra một bộ xét nghiệm trong vòng một tuần khi có được trình tự chuỗi coronavirus mới vào ngày 20/1.
Bộ này hoạt động bằng cách phân tích một mẫu của khoang mũi bệnh nhân và đưa ra kết quả sau khoảng 40 phút. Thiết bị phát hiện nhẹ và di động này có thể kiểm tra đồng thời tám mẫu, người phát ngôn nói. Bộ sản phẩm mới này đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh châu Âu và đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ở Thâm Quyến cũng như Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông sử dụng.
Theo các nhà nghiên cứu, thiết bị này phù hợp cho các nhân viên hải quan, thanh tra kiểm soát biên giới, bộ phận kiểm dịch và thậm chí cả nhà dưỡng lão sử dụng.
Đại học Macau đang nghiên cứu một bộ kiểm tra tương tự.
"Chúng tôi đã xác minh tính chính xác của sản phẩm với các mẫu 2019-nCoV kể từ tuần này. Vẫn còn quá sớm để xác định độ chính xác cuối cùng, nhưng kết quả ban đầu rất đáng khích lệ", theo ông Rui Martins, giám đốc Phòng thí nghiệm Đại học Macau.
Hệ thống mới, được đặt tên là Virus Hunter, được phát triển để phát hiện tất cả các loại virus, bao gồm cả HIV và Viêm gan B, nhưng đang được tinh chỉnh để phát hiện coronavirus.
Theo Martins, bộ dụng cụ thử nghiệm - dự kiến sẽ có sẵn trong một hoặc hai tháng - hoạt động bằng cách thu thập các mẫu chất nhầy mũi của một người, sau đó được đặt trong một con chip phát hiện virus. Con chip sau đó được một máy đọc và đưa ra kết quả cuối cùng.
Video: Trung Quốc xây bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn.