Hong Kong ngập nặng, giao thông hỗn loạn sau bão Wipha

Cơn bão Wipha càn quét khiến giao thông hàng không và đường sắt Hong Kong gần như tê liệt, sân bay quá tải, hành khách mỏi mòn chờ đợi suốt nhiều ngày liền.

 Sân bay Hong Kong “quay cuồng” giải quyết tồn đọng 500 chuyến bay bị hủy do bão Wipha. Ảnh: Sun Yeung/SCMP.

Sân bay Hong Kong “quay cuồng” giải quyết tồn đọng 500 chuyến bay bị hủy do bão Wipha. Ảnh: Sun Yeung/SCMP.

Sau nhiều giờ hứng chịu cơn bão Wipha cùng tín hiệu bão cấp 10 - mức cảnh báo cao nhất, Hong Kong bắt đầu trở lại nhịp sống sau bão từ tối 20/7.

Tuy nhiên, hậu quả để lại là hàng chục người bị thương, hơn 700 cây xanh bị bật gốc, 500 chuyến bay bị hủy, giao thông đình trệ và hàng nghìn du khách mắc kẹt tại sân bay cũng như ga tàu cao tốc.

Tín hiệu bão cấp 10 được duy trì trong 7 giờ và toàn bộ cảnh báo từ cấp 8 trở lên kéo dài suốt 19 giờ trong ngày 20/7, trước khi Đài thiên văn hạ xuống cấp 3 lúc 19h40. Đến 5h10 sáng 21/7, mọi tín hiệu cảnh báo chính thức được gỡ bỏ.

33 người bị thương, hơn 270 người phải lánh nạn

Trong suốt ngày 21/3, đã có ít nhất 33 người (18 nam và 15 nữ) nhập viện vì chấn thương do bão gây ra. Dù thấp hơn so với con số 86 nạn nhân trong siêu bão Saola năm 2023, nhưng thiệt hại lần này vẫn rất đáng lo ngại.

Hơn 270 người phải tìm nơi trú ẩn tại 34 trung tâm tạm thời do chính phủ bố trí. Tính đến 20h, chính quyền đã tiếp nhận hơn 700 báo cáo về cây đổ, nhiều vụ gây cản trở giao thông và làm hư hỏng xe cộ đậu bên dưới.

 Một chiếc ôtô bị đè bẹp một phần dưới gốc cây đổ ở Sha Tin. Ảnh: May Tse/SCMP.

Một chiếc ôtô bị đè bẹp một phần dưới gốc cây đổ ở Sha Tin. Ảnh: May Tse/SCMP.

Tại khu vực đồi cao Ngong Ping, gió giật mạnh lên tới 234 km/h khi tín hiệu cấp 10 có hiệu lực. Đến 19h tối, 5 giàn giáo tre tại các tuyến đường Choi Hung, Wah Fu, Siu Sai Wan, Cloud View và Tin Hau Temple đã bị sập. Chính quyền đã xử lý một phần và sẽ tiếp tục làm việc với ban quản lý các tòa nhà để tháo dỡ phần còn lại.

Sở Xây dựng cũng ghi nhận 21 vụ tai nạn, phần lớn do cửa sổ bị thổi bay. 15 trường hợp đã được giải quyết, số còn lại được chuyển cho các cơ quan chức năng liên quan.

Một sự cố hiếm gặp xảy ra khi một con tàu bị trôi dạt, va vào bến cảng China Merchants ở Kennedy Town. Hiện chưa rõ có ai trên tàu vào thời điểm đó hay không.

Lượng mưa tại nhiều khu vực vượt 70 mm, riêng Wong Tai Sin và một số nơi ở Tân Giới ghi nhận trên 140 mm. Tính đến 20h, Sở Thoát nước xác nhận 7 vụ ngập ở Tai Po, Wong Tai Sin, Sai Kung và Yau Tong, song chưa có báo cáo sạt lở đất.

Tín hiệu mưa lớn cấp đỏ được kích hoạt vào khoảng 16h, sau đó giảm dần và được hủy lúc 18h30. Trung tâm thương mại Temple Mall North - từng bị ngập nặng năm 2023 - cũng ghi nhận hiện tượng thấm dột. Nhân viên phải gấp rút lau dọn và đặt thùng rác lớn để hứng nước từ trần nhà.

Tại Sha Tin, một ôtô chết máy giữa đoạn đường ngập, tài xế phải tự tay thông cống gần đó để thoát nước.

Một số cửa hàng thức ăn nhanh và cơ sở kinh doanh vẫn mở cửa giữa bão đã bị cộng đồng mạng chỉ trích vì coi thường an toàn của nhân viên.

 Giàn giáo tre bị thổi bay khỏi một tòa nhà khi cơn bão Wipha đổ bộ vào Hong Kong. Ảnh: Sam Tsang/SCMP.

Giàn giáo tre bị thổi bay khỏi một tòa nhà khi cơn bão Wipha đổ bộ vào Hong Kong. Ảnh: Sam Tsang/SCMP.

Dẫu vậy, cơn cuồng phong không thể ngăn cản nhiều người dân và du khách “săn bão” tại các địa điểm như Tsim Sha Tsui, Kennedy Town, Lei Yue Mun và Heng Fa Chuen. Họ chụp ảnh sóng lớn mà không có đồ bảo hộ, nhiều ô dù cũng bị gió mạnh phá hỏng.

Du khách Ấn Độ Picasso Sahil (22 tuổi) lần đầu trải nghiệm bão lớn tại bến cảng Tsim Sha Tsui chia sẻ: “Gió mạnh, mưa lớn, rất thú vị. Không giống như tôi tưởng, nhưng cũng không tệ lắm. Tôi nghĩ mình sẽ bị thổi bay luôn cơ”.

Anh Johnny Chung (52 tuổi), thợ làm tóc, cùng vợ và con gái nhỏ cũng có mặt tại đây. “Tôi được nghỉ, vừa ăn xong nên muốn cho con gái xem cơn bão. Nó chưa từng thấy cảnh tượng này. Tôi cũng muốn dạy con hiểu về sức mạnh của thiên nhiên để biết cách đề phòng”.

Giao thông tê liệt, hàng không hỗn loạn

Toàn bộ hệ thống giao thông công cộng bị đình trệ trong nhiều giờ, chỉ dần được nối lại vào chiều muộn.

“Hơn 500 chuyến bay đã bị hủy trong đợt này. Thông thường, các hãng hàng không cần khoảng hai đến ba ngày để phục hồi hoạt động bình thường”, ông Chris Au Young, Tổng quản lý phụ trách điều hành nhà ga và trải nghiệm hành khách của Cục Quản lý Sân bay Hong Kong cho biết, đồng thời ước tính có khoảng 100.000 hành khách bị ảnh hưởng.

 Ông Chris Au Young cho biết các kế hoạch dự phòng đã được triển khai kể từ thứ bảy. Ảnh: Dickson Lee/SCMP.

Ông Chris Au Young cho biết các kế hoạch dự phòng đã được triển khai kể từ thứ bảy. Ảnh: Dickson Lee/SCMP.

Tuy nhiên, đến chiều 20/7, ông thông báo rằng khoảng 400 chuyến bay đã được lên lịch lại và sẽ cất/hạ cánh trong ngày khi bão bắt đầu suy yếu và rời khỏi khu vực.

Theo thông tin từ sân bay, trong khung giờ từ 20h ngày 20/7 đến 6h sáng 21/7, có 234 chuyến bay (120 đến, 114 đi) được xử lý, phục vụ khoảng 35.000 hành khách.

Một số hành khách cho biết họ đã kẹt lại sân bay hơn 12 tiếng, trong đó có một du khách Indonesia lần đầu đến Hong Kong. Anh phải ngủ lại tại nhà ga vì không nhận được bất kỳ thông báo nào từ hãng bay về lịch trình thay thế.

“Lần đầu đến Hong Kong, thì thấy ngay tin có bão lớn. An toàn là ưu tiên hàng đầu, nên chúng tôi chỉ biết chờ đợi”, anh chia sẻ.

Chị Ika (35 tuổi), cũng đến từ Indonesia, cho biết chuyến bay của chị về Bali qua hãng Singapore Airlines dự kiến chủ nhật, đã bị dời đến thứ ba. Chị đến sân bay từ 22h tối thứ bảy và phải qua đêm tại đây.

“Đêm qua hỗn loạn nhất vì quá đông người. Bây giờ thì đỡ hơn rồi, nhưng rất khó tìm chỗ ngồi nghỉ”, chị nói. “Tôi hơi thất vọng vì không thể về nhà, nhưng hãng bay đối xử tốt. Họ phát nước và bánh quy cả sáng lẫn chiều”.

Trước tình hình mưa bão, cục Quản lý Sân bay đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó: kích hoạt hệ thống tái điều phối chuyến bay, tổ chức phát phiếu cho khách gọi taxi, kéo dài giờ chạy tàu để đón khách đến, và lập khu nghỉ khẩn cấp 500 chỗ ngồi trong nhà ga, được trang bị trạm sạc điện thoại và các tiện nghi cơ bản.

 Nhân viên sân bay phát đồ tiếp tế cho hành khách bị mắc kẹt. Ảnh: Dickson Lee/SCMP.

Nhân viên sân bay phát đồ tiếp tế cho hành khách bị mắc kẹt. Ảnh: Dickson Lee/SCMP.

Tại ga West Kowloon, anh Kelvin Qiao (36 tuổi) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chuyến tàu về Quảng Châu của vợ chồng anh vào trưa chủ nhật bị hủy, buộc họ phải mua vé cho chuyến 20h.

“Rất bực bội, chúng tôi không biết làm cách nào rời khỏi Hong Kong”, anh nói và cho biết du khách đại lục khó cập nhật thông tin giao thông.

Một số tài xế taxi và dịch vụ gọi xe còn bị tố lợi dụng bão để thu thêm phụ phí hàng trăm HKD.

Dù Wipha đã đổ bộ vào thành phố Thái Sơn (tỉnh Quảng Đông) lúc gần 18h ngày Chủ nhật, khiến khoảng 280.000 người phải sơ tán, nhưng Đài thiên văn Hong Kong cho biết tín hiệu bão cấp 3 vẫn sẽ duy trì trong một thời gian.

Dự báo thời tiết khu vực duyên hải Quảng Đông vẫn sẽ có mưa rào và giông trong vài ngày tới. Thời tiết được kỳ vọng sẽ cải thiện vào cuối tuần, nhưng một rãnh áp thấp mở rộng có thể tiếp tục gây ra mưa rải rác.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hong-kong-ngap-nang-giao-thong-hon-loan-sau-bao-wipha-post1570292.html