Hồng Kông tê liệt vì biểu tình
Hồng Kông chìm vào cơn hỗn loạn mới vào hôm nay, 5-8, khi cuộc tổng đình công và các cuộc biểu tình làm tê liệt các dịch vụ vận chuyển công cộng từ xe buýt cho đến tàu điện ngầm, đồng thời khiến 200 chuyến bay đến và đi từ thành phố này bị hủy bỏ.
Sáng 5-8, ước tính có khoảng 500.000 người lao động từ hơn 20 ngành nghề: kinh doanh, giáo dục, vận tải công cộng, quản lý bất động sản... tham gia cuộc tổng đình công trên toàn thành phố Hồng Kông để yêu cầu chính quyền phải rút bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ. Họ cho rằng dự luật này có thể khiến các nghi phạm ở Hồng Kông bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục để xét xử và khả năng phải chịu các mức án không công bằng.
Họ cũng yêu cầu chính quyền phải tổ chức cuộc điều tra về hoạt động trấn áp người biểu tình của cảnh sát trong những tháng qua.
Liên đoàn Các nghiệp đoàn lao động Hồng Kông (HKFTU) cho biết hầu như tất cả 95 nghiệp đoàn liên kết với HKFTU đều tham gia đình công.
Ít nhất 230 chuyến bay đến và đi từ Hồng Kông đã hủy bỏ vào sáng 5-8 khi các nhân viên đài kiểm soát không lưu đồng loạt báo ốm, xin nghỉ phép. Trong khi đó, nhiều dịch vụ xe buýt và đường sắt cũng tạm ngưng hoạt động do lực lượng tài xế đình công. Nhiều chuyến tàu điện ngầm không thể rời ga do người biểu tình chặn các cánh cửa lên tàu. Một số con đường dẫn vào các đại lộ huyết mạch của Hồng Kông cũng bị tê liệt do bị người biểu tình phong tỏa.
Chiều 5-8, cảnh sát đã bắn đạn hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình tập trung ở khu vực Admiralty, Wong Tai Sin và Tin Shui Wai. Những người biểu tình đang lên kế hoạch tập trung ở những khu vực khác như Mong Kok, Tai Po, Sha Tin, Tsuen Wan và sân bay quốc tế Hồng Kông vào tối nay.
Tại cuộc họp báo chiều 5-8, cảnh sát Hồng Kông cho biết kể từ đầu tháng 6 đến nay, cảnh sát đã bắt giữ hơn 500 người biểu tình vi phạm pháp luật bao gồm 82 người bị bắt vào hôm nay.
Trước đó, lúc 10 giờ sáng ngày 5-8, trưởng đặc khu Hồng Kông, Carrie Lam, lần đầu tiên tổ chức họp báo sau hai tuần vắng bóng trước truyền thông. Phát biểu trước các phóng viên, bà cảnh báo các cuộc biểu tình đang bóp nghẹt Hồng Kông là hành động đẩy thành phố này đến sát “tình thế cực kỳ nguy hiểm”.
Bà tiếp tục bác bỏ các lời kêu gọi của người biểu tình đòi bà từ chức, đồng thời cảnh báo các cuộc biểu tình đang đặt trung tâm tài chính châu Á hướng đến điểm không thể quay đầu và gây tổn thương nền kinh tế của thành phố này.
Bà kêu gọi người biểu tình phải tôn trọng quyền đi làm việc của những người khác. “Phong tỏa đường xá, ngăn chặn mọi người đi làm có thể khiến họ mất việc và nhiều gia đình thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng”, bà nói.
Biểu tình khiến hoạt động buôn bán của các nhà hàng, cửa hiệu bị ảnh hưởng nặng nề. Han Sueng-min, chủ một nhà hàng xúc xích Hàn Quốc, Bat Boys Corn Dog, ở khu Kowloon, Hồng Kông cho biết doanh thu của nhà hàng giảm một nửa. Nhà hàng Tin Yin Fruit & Wine Store ở cùng khu này cũng bị giảm một nửa doanh thu.
Chủ nhà hàng họ Lam cho biết tình hình kinh doanh còn tệ hại hơn cả lúc đại dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) xảy ra ở Hồng Kông vào năm 2003. Ông nói: “Hồng Kông giống như thành phố ma vào những ngày này”.
Tình hình bất ổn của đặc khu Hồng Kông kéo dài nhiều tháng qua bởi những cuộc biểu tình liên miên phản đối dự luật dẫn độ. Dù bà Carrie Lam tuyên bố dự luật này “đã chết” nhưng người biểu tình vẫn kiên quyết yêu cầu bà rút nó.
Các cuộc biểu tình ảnh hưởng đến lượng du khách nước ngoài đến Hồng Kông. Tỷ suất sử dụng phòng khách sạn ở Hồng Kông đang giảm mạnh, gia tăng thêm áp lực cho nền kinh tế đang trì trệ của Hồng Kông. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của Hồng Kông cho thấy hoạt động kinh doanh ở khu vực tư nhân rơi xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ do các tác động của biểu tình và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Theo SCMP, Reuters
Lê Linh
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292391/hong-kong-te-liet-vi-bieu-tinh.html