Hong Kong: Thiên đường trú ẩn của giới điệp viên
Hong Kong được mệnh danh là miền đất lành cho những điệp viên trốn chạy, những nhà ngoại giao đáng ngờ và những tay tin tặc bất tín.
Tôn Tử, nhà chiến lược nổi tiếng thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói không ở đâu mà không có gián điệp. Mặc dù vậy, có những nơi gián điệp xuất hiện với tần suất nhiều hơn đáng kể những địa điểm khác. Và Hong Kong thực sự là miền đất như vậy.
Đất lành cho những điệp viên trốn chạy
Vụ bắt giữ Jerry Chun Shing Lee, cựu nhân viên CIA, phơi bày câu chuyện mới nhất trong lịch sử đã kéo dài hàng thập kỷ những vụ lẩn trốn của các cựu điệp viên tại thành phố cảng Hong Kong. Cùng với Casablanca và Lisbon, thành phố Cảng thơm nay được mệnh danh là cái ổ của các điệp viên trốn chạy, những nhà ngoại giao đáng ngờ và những tay tin tặc bất tín.
Vụ việc của Jerry Chun xảy đến chỉ 3 năm và 4 tháng sau khi người đàn ông mà đến nay tên gọi đã trở thành một khái niệm gần như tương đồng với nghề điệp viên hiện đại, Edward Snowden, rời khỏi bóng tối để lật tẩy hoạt động gián điệp toàn cầu ở mức độ chưa từng có trong lịch sử do chính phủ Mỹ thực hiện.
Dẫu Snowden sau đó phải tới Moscow để tìm kiếm sự bảo vệ trong khi Jerry Chun nay đã sa lưới an ninh Mỹ, những chuyến dừng chân của họ tại Hong Kong càng củng cố thêm danh tiếng cho thành phố cảng như miền đất lành nơi những điệp viên trốn chạy có thể tìm chốn nương thân, thậm chí là sống rất khỏe.
Việc Snowden lựa chọn Hong Kong làm nơi trú ẩn trong bối cảnh những chiếc vòi bạch tuộc của ngành tình báo Mỹ đang tìm cách chộp lấy ông đã trở thành bảo chứng cho sự an toàn mà Hong Kong mang lại cho những người cần ẩn thân.
Những âm mưu do thám trong hàng chục năm
Hong Kong, dẫu từng là viên ngọc trên vương miện của Đế chế Anh, chưa từng nổi danh nhờ điệp viên tiếng tăm 007 - James Bond. Tại thành phố Cảng thơm, lịch sử của điệp viên hiện đại bắt đầu với John Tsang Chao-ko, sĩ quan người Hoa có quân hàm cao nhất trong lực lượng cảnh sát Anh. Tsang bị trục xuất về Đại lục năm 1961 với cáo buộc "hoạt động gián điệp".
Nhiều bí mật vẫn còn bao trùm câu chuyện của Tsang khi ông bị trục xuất mà không thông qua phiên tòa xét xử nào tại Hong Kong. Chính quyền Trung Quốc chưa từng xác nhận hay bác bỏ cáo buộc gián điệp dành cho Tsang.
Khi viên cựu cảnh sát qua đời tại Quảng Châu tháng 12/2014, Nhật báo Quảng Châu gọi ông hai từ "đồng chí" và một số lãnh đạo cấp cao, trong đó có cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã gửi lời chia buồn.
Sau khi thành phố được trao trả về với Trung Quốc năm 1997, nhiều cáo buộc xuất hiện cho rằng Anh và Mỹ đã để lại những mạng lưới gián điệp khổng lồ ở Hong Kong.
Trong thời gian diễn ra sự kiện chuyển giao, nhiều bài tường thuật xuất hiện trên báo nhà nước Trung Quốc mô tả tòa nhà Hoàng thân xứ Wales bị gắn đầy bọ nghe lén khi nó được trao lại cho Quân giải phóng Trung Quốc PLA. Điều này khiến PLA không thể sử dụng tòa nhà làm trụ sở như mục đích ban đầu trong một thời gian.
Một câu chuyện khác về "âm mưu gián điệp" của phương Tây là Tòa nhà Thị chính nơi trưởng đặc khu đầu tiên, Đổng Kiến Hoa, từ chối sử dụng bởi ông sợ nó đã bị cài các thiết bị nghe lén.
Cơ quan tình báo Anh MI6 từng điều hành một trung tâm thu thập thông tin ở Siu Sai Wan trên đảo Hong Kong. Trung tâm tình báo thuộc hàng lớn nhất Đông Á này một thời chịu trách nhiệm giám sát các thông tin liên lạc không dây từ Trung Quốc. Cơ sở này bị phá hủy vào năm 1980 khi việc chuyển giao Hong Kong về với Trung Quốc trở thành điều tất yếu.
Nơi hoạt động gián điệp hợp pháp
Lý do chính khiến Hong Kong được coi là trung tâm gián điệp nằm ở hệ thống nhập cư và luật pháp độc nhất vô nhị của thành phố này. Thị thực nhập cảnh được miễn đối với công dân của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ bên cạnh quy định của luật pháp không coi hoạt động gián điệp là tội phạm khiến Hong Kong trở thành địa điểm lý tưởng cho các hoạt động thu thập và trao đổi những thông tin bí mật và nhạy cảm.
Kể từ khi trở về với Trung Quốc, Hong Kong chứng kiến sự gia tăng của các hoạt động trong thế giới ngầm. So với thời của những điệp viên đầu tiên tại Hong Kong, bộ mặt của các hoạt động gián điệp nay đã rất khác.
Những bất ổn chính trị gần đây tại Hong Kong cùng sự chuyển dịch về địa chính trị toàn cầu khiến cho những hoạt động của giới gián điệp tại Hong Kong tăng tốc hơn trước gấp nhiều lần.
Những âm mưu xung quanh phong trào ủng hộ độc lập cho Hong Kong, các kế hoạch quân sự liên quan tới tranh chấp Biển Đông hay những vụ xâm nhập đời tư là những hoạt động nổi bật trong cỗ máy gián điệp khổng lồ tại Hong Kong. Và đi kèm với những âm mưu gián điệp là tiền, chất bôi trơn không thể thiếu của ngành công nghiệp tình báo.
Hoạt động gián điệp nay lan tràn như một dạng công ty đa quốc gia, một hình thức kinh doanh mà ngày càng nhiều đối tượng tìm tới để có thể có được lợi thế cạnh tranh trong một thế giới ngày càng bất ổn.
Năm 2016, Symantec, công ty công nghệ thuộc nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ, cho biết một nhóm gián điệp mạng có tên Buckeye đã chuyển hướng mục tiêu tấn công tin tặc từ Mỹ sang Hong Kong, với các nạn nhân là "các thực thể chính trị" của thành phố.
Những diễn biến ngày càng phức tạp này buộc Cảnh sát Hong Kong phải mạnh tay nâng cấp năng lực đối phó, mà mới đây nhất là xây dựng Đơn vị Tội phạm An ninh mạng và công nghệ.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hong-kong-thien-duong-tru-an-cua-gioi-diep-vien-post812956.html