Hồng Nhung: Chất Hà Nội khiến tôi hát Phú Quang thành công
Phú Quang- Hồng Nhung làm thành hình ảnh cặp nhạc sĩ- ca sĩ đặc sánh Hà Nội trong các đêm nhạc Phú Quang. Hồng Nhung hiện ở Mỹ cùng các con, cô ôn lại chút duyên của hai người 'Hà Nội phố' đặc biệt, với lời chúc may mắn dành cho nhạc sĩ.
Hồng Nhung là một trong số cái tên không thể thiếu trong các đêm nhạc Phú Quang
Trong một bài báo, Hồng Nhung kể về bản thân: “Luôn ý thức mình là người Hà Nội”. Nhung có phải lo giữ hình ảnh đó lắm không? Còn một cộng sự như Phú Quang, Nhung thấy “Hà Nội nhất” ở khía cạnh nào?
Ý thức rằng mình người Hà Nội là một niềm tự hào riêng. Ai cũng muốn giữ gìn hình ảnh của mình nhưng Nhung làm việc đó không hẳn vì quá áp lực mà là phải giữ thanh danh, thế thôi.
Chất Hà Nội của Phú Quang thể hiện rõ nhất trong nhạc ông ấy. Chú viết quá nhiều về Hà Nội, chú cũng nói nhạc chú khá giống nhau, chú còn nói đùa là tôi giống tôi chứ có giống ông nào đâu! Dù hơi giống nhau nhưng Nhung nghĩ mỗi bài của chú vẫn có nét riêng, nói về một chuyện riêng, tất cả đều cho thấy chất Hà Nội đậm đặc của Phú Quang.
Tính cách nổi bật của chú Quang, đó là rất có chính kiến và bảo vệ nó đến cùng. Đấy cũng là chất của người Hà Nội. Chú khá nóng tính, Nhung cũng nóng tính, hầu hết các nghệ sĩ đều thế. Vì thế Nhung mới phải tập Yoga, về sau tập cả thiền nữa và bây giờ thấy khác hẳn (cười).
Phú Quang nhận định Hồng Nhung hát “Em ơi Hà Nội phố” hay vì hát giản dị. Lệ Thu (Thời hoa đỏ) và Mỹ Hạnh cũng hát giản dị đấy thôi. Vậy Nhung làm thế nào để có một phiên bản “Em ơi Hà Nội phố” đặc biệt, thường được chọn làm đinh của đêm nhạc Phú Quang?
Tôi nghĩ mình hát giản dị mà vẫn được như thế là do bản sắc Hà Nội mà mình may mắn có được. Bạn chung của chúng ta- Lã Hoa thỉnh thoảng gọi điện bảo vừa nghe một bài, thấy tôi phát âm chữ này chữ nọ thích quá, rất Hà Nội. Cái đó là tự nhiên, không cố, nhưng mình luôn ra được chất Hà Nội.
Không chỉ nhạc Phú Quang mà tôi hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp, Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, Có phải em mùa thu Hà Nội của Trần Quang Lộc đều như vậy. Bản sắc Hà Nội là may mắn của tôi, mình hát tự nhiên nó ra được như thế.
Khi nhận định về giới ca sĩ trong một bài tôi phỏng vấn, Phú Quang nói: “Lê Dung hát có học nhất Việt Nam. Hát như Hồng Nhung, Hà Trần là hiếm, còn ca sĩ đa số hát bản năng. Nhiều người hát như thể một người sâu sắc nhưng thực ra là hát từ cổ họng lên thôi, chẳng qua trời cho giọng hát, cộng thêm ăn tốt ngủ tốt mà thành ngôi sao được công chúng say mê”?
Đó là ý kiến của chú Quang và mình tôn trọng. Mỗi người sẽ có nhận định riêng còn mình là ca sĩ nên không tiện phát biểu về ca sĩ. Nhưng Nhung thấy chú nói đúng về Lê Dung, một ca sĩ tuyệt vời. Lê Dung học nhiều, bài bản, không biết đã phải học nhiều nhất chưa nhưng hơn mình là chắc, hơn nhiều ca sĩ khác. Tuy vậy theo Nhung chuyện học không quan trọng nhất, mà cái đặc biệt ở Lê Dung là bản năng và chất giọng tuyệt vời, trong như kim cương. Con người cô thì vừa có trải nghiệm, có sự sâu sắc, tính nghệ sĩ lại cao. Những gì mà chú Quang khen Lê Dung thì mình còn khen được hơn thế!
Người nóng tính từng nhận định trên báo Tiền Phong rằng “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi là ca khúc hay nhất về Hà Nội. Còn Nhung thấy bài hát nào về Hà Nội hay nhất?
Tôi không nghĩ thế, rằng Người Hà Nội hay nhất, mà nghĩ có nhiều bài hay nhất: Em ơi Hà Nội phố, rồi Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp, Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn…Tùy hoàn cảnh mỗi người mà chúng ta sẽ thấy lúc này bài này hay nhất, lúc khác lại là bài khác.
Tùy hoàn cảnh và tâm trạng nữa chứ?
Đúng. Khán giả cũng thế, không chỉ ca sĩ. Hiện giờ thì Nhung xếp Em ơi Hà Nội phố và Nhớ mùa thu Hà Nội trong Top 10, à, phải là Top 5 ca khúc hay nhất về Hà Nội! Em ơi Hà Nội phố cũng là bài hay nhất của chú Quang, trước hết vì nó rất tự nhiên.
Còn chất nhạc Phú Quang nói chung, có gì khác so với nhạc sĩ khác?
Giai điệu của Phú Quang rất dễ nghe dễ thuộc dễ đi vào lòng người. Ca từ hầu hết lấy thơ người khác nhưng khi chú tự viết thì cũng rất hay.
Năm ngoái trong chương trình Ký ức vui vẻ của VTV, chú Quang có nói bài nào đã giao cho Hồng Nhung thì hát hay nhất. Tôi không cho rằng mình hát nhạc Phú Quang hay nhất mà là một số bài mình hát hợp nhất, vì nó có chất Hà Nội trong đó.
Ca khúc Phú Quang mà Nhung hát đều có bóng dáng, tinh thần của Hà Nội: Em ơi Hà Nội phố, Nỗi nhớ mùa đông, Khúc mưa, Về lại phố xưa... Kể cả hát tình ca thì Nhung cũng chỉ hợp với các bài có bóng dáng Hà Nội, ví dụ Tình khúc 24. Hình như chú mới ra đĩa Phú Quang- Hồng Nhung…
“Tình khúc 24” nhạc hay lời cũng hay nhưng quá riêng tư, được biết là thơ Dương Tường tặng pianist Trịnh Thị Nhàn, khiến nhiều khán giả bảo nghe chẳng hiểu gì?
Nhạc sĩ nhiều khi viết chẳng hiểu gì! Nhạc Trịnh Công Sơn làm sao mà hiểu được, nào chất thơ nào ẩn dụ, nghe biết thế thôi nhưng bảo hiểu rạch ròi nào có dễ, đến Nhung cũng không hiểu, phải hỏi lại suốt. Thơ Dương Tường viết 24 phím cầm chiều thì cầm chiều là cái gì? 24 nhành sương mím thì sương mím là cái gì? Sao lại 24 tiếng ve sầu mà không phải nhiều hơn?...Nhưng Nhung rất thích bài đó. Nhạc và lời đều hay.
Hồi hát Tình khúc 24 lần đầu, Nhung mới 22 yêu một anh 24, được anh đèo đến phòng thu Kim Lợi để thu bài này (cười).
Chú Quang là nhạc sĩ giỏi và làm thương mai cũng rất giỏi, đứng đầu các nhạc sĩ Việt Nam trong tổ chức biểu diễn. Bán vé rất tốt tác phẩm của mình. Nhiều nhạc sĩ sáng tác nhiều bài rất hay nhưng không kinh doanh được âm nhạc của mình.
Nghe nói người đa năng cũng từng gặp khó, không hòa nhập được với đời sống âm nhạc Sài Gòn?
Nhung không rõ lắm, có gặp khó cũng bình thường thôi vì như Nhung năm 1990 vào đó có hòa nhập được đâu, ai biết Hồng Nhung là ai đâu. Cũng đi hát một số chỗ, ban ngày thì đi học đại học ở trường Tổng hợp. Chẳng biết chú khó đến đâu nhưng khi Nhung gặp thì chú đã xịn rồi. Chú xây nhà to ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, có phòng thu, gọi các ca sĩ đến thu rất nhiều để lập thư viện bài hát của chú. Hồi đó Mỹ Linh thu nhiều lắm, Nhung cũng đến đó hát. Lúc đó chú đã rất thành công, viết nhạc phim, bắt đầu làm show. Nhung quen Trịnh Công Sơn 2-3 năm rồi mới gặp chú Quang.
Cuối năm 1993 tôi đi công tác Sài Gòn, bắt gặp Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung tại một sự kiện và cảm nhận ngay rằng Nhung quá may mắn khi có được người thầy như vậy. Lâu lắm không thấy những cặp nghệ sĩ có duyên trời định như thế nữa, để khán giả và bạn đọc có cái mà bàn?
Đúng là Nhung quá may mắn khi gặp được anh Sơn. Còn bây giờ có lẽ người ta không ghép nhau theo kiểu nghệ sĩ mà chỉ túi bụi làm ăn thôi (cười).
Không thân Phú Quang như Trần Mạnh Tuấn và Tấn Minh nhưng Nhung có đồng cảm với nhạc sĩ này chút nào, có kỷ niệm nào đáng nhớ?
Nhung không đủ thân để hiểu tâm tư khát vọng thầm kín của chú Quang. Nhưng Nhung thích ông ấy ở điểm đã làm chương trình là làm với chất lượng tốt nhất, đau đáu để làm chứ không cho xong việc, không phải là khán giả mua vé hết còn lo gì nữa! Cái đó rất nghệ sĩ. Chú làm nhà tổ chức các chương trình của nhạc sĩ khác cũng vậy. Chú Quang cũng luôn trân trọng Nhung, nói “cháu là người văn hóa cao thành ra hát tinh tế”.
Kỉ niệm trên sân khấu thì nhiều vì biểu diễn cùng nhau quá nhiều. Nghệ sĩ khi lên đồng thì tuyệt vời, như đánh lửa, phối hợp với nhau rất hay. Như Nhung có lần hát trong chương trình Phú Quang còn gục xuống sàn, váy xòe tròn rất đẹp. Những kỷ niệm như vậy thật tuyệt, không thể quên.
Không ở nhà đã hai tháng nay, qua Tấn Minh và các ca sĩ, Nhung có biết tình hình chú Quang. Cầu mong chú qua được giai đoạn khó khăn này…