Đứng đầu danh sách gây nỗi sợ hãi trong suốt Thế chiến thứ hai là máy bay cường kích Junkers 87 (Ju 87); đây cũng là máy bay ném bom mặt trận chính của Không quân Đức. Ju 87 được thiết kế để tiêu diệt sinh lực và vũ khí trang bị của đối phương trên chiến trường, cũng như sở chỉ huy, cầu, hầm và các cơ sở quân sự khác.
Ju 87 là loại máy bay cường kích, sử dụng một động cơ piston với phi hành đoàn gồm hai người: phi công và xạ thủ. Trong toàn bộ cuộc chiến, 5.700 chiếc Ju 87 đã được sản xuất; một con số không lớn, nhưng hiệu quả của những chiếc máy bay này rất cao.
Cường kích Ju 87 có thể mang tới hai tấn bom. Độ chính xác của Ju 87 khi thực hành ném bom bổ nhào rất cao (sai số +/-15 mét). Với mức chính xác cao như vậy, giúp nó gần như đảm bảo tiêu diệt được xe tăng và các loại xe bọc thép cũng như các loại công sự, cầu cống của đối phương.
Ngay từ ngày đầu tiên của cuộc chiến ở Nga, Không quân Đức đã giành được ưu thế trên không, và Ju 87 trở thành vũ khí nổi bật trong bất kỳ cuộc tấn công nào của quân Đức.
Mở đầu cuộc tấn công của bộ binh Đức, luôn bắt đầu bằng các cuộc tấn công bằng các đợt ném bom bổ nhào của Ju-87, vào các vị trí phòng ngự của quân đội Liên Xô.
Những đợt ném bom như vậy của Ju-87 đã phá hủy các công sự của Hồng quân. Những quả bom với thiết kế khí động học được chế tạo đặc biệt, phát ra tiếng hú lạnh lẽo, luôn khiến người ta khiếp sợ.
Tại sao Ju 87 lại có thể “làm mưa, làm gió” như vậy mà không hề bị trừng phạt; lý do là giai đoạn đầu của cuộc chiến, số máy bay chiến đấu của Liên Xô gần như bị phá hủy hoàn toàn.
Những chiếc máy bay còn “sống sót” của Hồng quân, không có cơ hội giành chiến thắng trong các cuộc không chiến với các máy bay chiến đấu của Đức, do máy bay chiến đấu Đức có ưu thế vượt trội cả về số lượng, tính năng, chiến thuật và kinh nghiệm.
Trong khi đó, lực lượng pháo phòng không trong quân đội Liên Xô những năm 1941-1942 vừa yếu, vừa thiếu; bên cạnh đó, Ju 87 bay quá nhanh nên thực tế pháo phòng không của Liên Xô là vô dụng.
Chỉ khi khi lực lượng không quân Liên Xô được củng cố lại, thì những điểm yếu của Junkers 87 mới bắt đầu lộ diện. Những máy bay cường kích này không được bảo vệ trước các cuộc tấn công của máy bay chiến đấu Liên Xô; do vậy những chiếc Ju 87 vừa phải làm nhiệm vụ cường kích, vừa phải làm nhiệm vụ tiêm kích trước các máy bay chiến đấu của Liên Xô.
Với nhiều lý do, số lượng máy bay Ju 87 đã giảm nhanh vào cuối cuộc chiến, việc giảm số lượng các cuộc đột kích của Ju 87 đã trở thành một trong những yếu tố khiến quân Đức mất thế chủ động chiến lược.
Nhưng cho đến khi chiến tranh kết thúc, Ju 87 vẫn là loại máy bay chiến đấu đáng gờm. Trong trường hợp xuất hiện đột ngột của Ju 87, khó có cách nào để chống lại chúng một cách hiệu quả, nếu chỉ với lực lượng pháo phòng không mặt đất.
Và không chỉ ở Mặt trận phía Đông, mà còn ở mặt trận phía tây, binh lính Đồng minh, cũng đều sợ loại cường kích này của phát xít Đức.
Đứng thứ hai gây nỗi sợ hãi cho Không quân Liên Xô là tiêm kích cánh quạt Messerschmitt (Me 109). Đây cũng là tiêm kích thành công nhất của quân đội Đức trong Thế chiến II, mặc dù Me 109 không phải là loại chiến đấu cơ hiện đại nhất.
Tiêm kích Me 109 thường được trang bị ba khẩu pháo tự động 20 mm và hai súng máy; cho đến năm 1945, Me 109 vẫn được coi là loại máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Đức. Đây là mẫu tiêm kích có cấu tạo đơn giản, đáng tin cậy và có tốc độ khá cao so với các loại máy bay chiến đấu của phe Đồng minh khi đó.
Vào đầu Thế chiến thứ hai, Me 109 vượt qua bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Đồng minh về các đặc tính chiến đấu và bay. Cho đến khi kết thúc chiến tranh, Me 109 vượt trội, hoặc ít nhất là không thua kém bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào của Liên Xô.
Trong các trận không chiến một chọi một, Me 109 như một quy luật, luôn giành chiến thắng. Những phi công át chủ bài của Không quân Đức như Erich Hartmann (bắn rơi 345 máy bay Liên Xô), Gerard Barkhorn (301), Gunther Rall (272), hầu hết các chiến thắng của họ đều giành được khi dùng Me 109. (Còn nữa)
Tiến Minh