Hồng Thái mùa con nước đổ
Cách thị trấn Na Hang gần 50 km, xã vùng cao Hồng Thái nằm chon von trên độ cao 1.287 m so với mặt nước biển, các đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Đến Hồng Thái vào khoảng đầu tháng 7, du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của ruộng bậc thang 'mùa con nước đổ' ở các thôn Khau Tràng, Nà Kiếm, Bản Muông, Hồng Ba, Nà Mụ, Pác Khoang, Khuổi Phầy.
Ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, do điều kiện tự nhiên nên người dân địa phương chỉ làm ruộng một vụ trong năm. Vào mùa mưa, nước tuôn từ trên đỉnh núi - nơi có những dãy rừng nguyên sinh xuống. Người nông dân dẫn nước vào từng thửa ruộng. Cứ thửa trên đầy lại tràn xuống thửa dưới. Nước chảy róc rách suốt mấy tháng, tưới tiêu cho cả một vùng ruộng bậc thang. Bắt đầu từ năm 2018, xã được chọn làm “trọng điểm” du lịch của huyện. Lượng du khách lên với xã ngày một đông, dịch vụ homestay bắt đầu phát triển. Nắm bắt được xu hướng đó, xã đã chỉ đạo các thôn tuyên truyền cho bà con giữ gìn, phát huy vẻ đẹp của hệ thống ruộng bậc thang. Vừa canh tác hữu cơ truyền thống, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao, Mông, chắc chắn Hồng Thái sẽ là địa chỉ muốn dừng chân của du khách.
Những ngày này, du khách lên Hồng Thái thấy người dân tập trung ra đồng cày bừa, cấy lúa đúng khung thời vụ. Cả một dải “vân đất” chạy dài trên sườn núi, tạo ra một khung cảnh kỳ vĩ. Những tấm ảnh ấn tượng kiểu “đường bừa trên mây”, “đổi công”, “đi cấy”, “gánh mạ” được nhiều du khách thích thú. Do ruộng bậc thang, địa hình khó nên người dân chủ yếu vẫn dùng trâu để cày bừa. Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Phi Khanh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho rằng, chính vẻ đẹp giản dị, gần gũi pha chút lãng mạn khiến Hồng Thái mê hoặc lòng người. Không chỉ có mùa lúa chín mà mùa con nước đổ, Hồng Thái đón rất nhiều khách du lịch, trong đó có các nhiếp ảnh gia.
Năm nay, gia đình ông Bàn Quý Tỉnh, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái đã cấy xong mấy bung ruộng. Để chuẩn bị đất thật kỹ, gia đình ông Tỉnh đã huy động nhân lực đi cày, bừa, bắt nước, vạc bờ. Có những bờ ruộng cao đến 2 - 3 m nên việc làm đất khá tỷ mẩn. Ông Tỉnh chia sẻ, mấy năm nay người nông dân Khau Tràng đi làm đồng thấy vui trong lòng. Vì vừa làm lại vừa có khách du lịch, nhiếp ảnh gia đến hỏi chuyện, chụp ảnh. Riêng vụ năm trước, nhà ông thu được hơn 100 bao thóc, không chỉ đủ ăn mà còn dư dật để bán. Gạo ở Hồng Thái được đánh giá ngon nhờ khí hậu, thổ nhưỡng, nên việc tiêu thụ gạo đặc sản ruộng bậc thang khá dễ dàng.
Sáng sớm tinh mơ Khau Tràng mây giăng kín bản, phủ lên những ngôi nhà ngói âm dương truyền thống. Một đoàn khách du lịch Hà Nội đang nghỉ tại homestay Đặng Thị Dương, dân tộc Dao tiền thôn Khau Tràng cũng dậy sớm để cùng ra đồng với bà con. Bởi sáng sớm, việc “săn mây” sẽ hiệu quả. Còn bà con ra đồng sớm để tránh cái nắng gắt buổi trưa. Ông Trần Hồng Nam, một khách du lịch nói, ông đã đi khá nhiều nơi, nhưng Hồng Thái rất đẹp và ấn tượng. Hồng Thái đẹp vì nó chưa bị đô thị hóa, thương mại hóa. Chất dân dã, truyền thống của Hồng Thái được bảo tồn tốt. Ba ngày ở đây, mà ông và các thành viên trong đoàn chưa khám phá hết vẻ đẹp của địa phương nên ai cũng rất tò mò.
Biết bao đời nay, ruộng bậc thang vẫn tồn tại để nuôi sống người dân. Giờ ruộng bậc thang lại hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển du lịch. Mùa con nước đổ ở Hồng Thái ngày càng trở thành nét riêng, hấp dẫn du khách; trở thành điểm hẹn của du khách gần xa thích khám phá, trải nghiệm và đi tìm cái đẹp trong lao động ngày mùa của người dân địa phương.