Hồng Vân, Kim Tử Long, Hoàng Sơn hội ngộ trong vở kịch 'Tình sử Thăng Long'
Cuộc hôn nhân giữa công chúa Lê Ngọc Hân và người anh hùng áo vải đất Tây Sơn Nguyễn Huệ là một mối kỳ duyên. Vở kịch chào năm mới tại Nhà hát Bến Thành còn diễn suất duy nhất vào tối nay, mùng 7 Tết.
Lần đầu tiên Sân khấu kịch Hồng Vân và Công ty TNHH Dịch vụ, giải trí Kim Tử Long kết hợp dàn dựng vở kịch "Tình sử Thăng Long". Tối mùng 6 tết, vở đã công diễn tại Nhà hát Bến Thành.
Lần đầu tiên ba nghệ sĩ gạo cội của sân khấu TP HCM: NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Hoàng Sơn hội ngộ trong một vở kịch sử do một đạo diễn trẻ, đó là Hoàng Hải, dàn dựng.
Vở kịch dựa theo kịch bản văn học của cố tác giả Lưu Quang Vũ, kể về giai đoạn công chúa Lê Ngọc Hân, công chúa thứ chín trong số các con gái vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786), được gã cho người anh hùng áo vải Tây Sơn - Nguyễn Huệ.
Lát cắt lịch sử này đã được tác giả viết với một góc nhìn mới. Qua cách kể chuyện của ê kíp thực hiện đã đưa các nhân vật lịch sử lên sân khấu với nỗ lực quảng bá tác phẩm sử Việt của các sân khấu hiện nay.
Tối mùng 5 Tết vừa qua, trong chương trình Sân khấu hóa kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa do TP HCM tổ chức NSƯT Kim Tử Long cũng đóng vai Quang Trung Nguyễn Huệ.
Tối mùng 6, anh lại tiếp tục hóa thân nhân vật có công khai thông nền thống nhất đất nước sau hơn 200 năm bị phân chia thời Trịnh - Nguyễn.
NSƯT Kim Tử Long chia sẻ, nhân vật Nguyễn Huệ trong vở kịch "Tình sử Thăng Long" áp lực hơn vì tâm lý nhân vật căng thẳng, dồn nén với nhiều sự kiện.
"Điều tôi vui và hạnh phúc là vở diễn này dành cơ hội làm nghề cho các diễn viên trẻ tham gia. Vở còn biểu hiện góc nhìn mới về mối tình của Ngọc Hân và Nguyễn Huệ. Để từ những mâu thuẫn nội tại của cuộc tình ban đầu mang màu sắc chính trị, sau đó cả hai thương yêu nhau, bổ sung nghị lực cho nhau. Từ đó Nguyễn Huệ có thêm sức mạnh đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giữ vững nền độc lập dân tộc, kiến lập vương triều Tây Sơn, tạo dựng một nền chính trị, ngoại giao, một nền văn hóa mang dấu ấn riêng" - NSƯT Kim Tử Long nói về vai diễn của mình.
NSND Hồng Vân cho rằng lát cắt lịch sử thời Cảnh Hưng năm 1786, khi vua Lê Hiển Tông lâm bệnh nặng, nhà Lê rơi vào thời kỳ suy thoái mọi quyền hành nằm trong tay chúa Trịnh. Không chấp nhận thời thế, con gái nhà vua - công chúa Lê Ngọc Hân, với tài trí hơn người, đã góp công tìm cách cứu thoát nhà Lê khỏi cảnh suy tàn.
Khi đó vua Nguyễn Nhạc từ Đàng Trong ra lệnh đem quân tiến thẳng ra Thăng Long với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh". Quân Tây Sơn đánh vào Thăng Long, chúa Trịnh ra lầu Ngũ Long nghênh tiếp nhưng bị đánh tan tác, Lê Nhượng đại diện cho tầng lớp quan quân nhà Lê gắng gượng bảo vệ kinh thành, bầu không khí rối loạn bao phủ lên đất Thăng Long…
"Vở nhạc kịch này là dự án mà chúng tôi kỳ vọng mang đến cho khán giả thật nhiều cảm xúc đầu năm khi đến Nhà hát Bến Thành. Với vai mẹ của Ngọc Hân - bà Nguyễn Thị Huyền, tôi muốn yểm trợ cho dàn diễn viên trẻ, để các em hòa mình một cách tự tin vào vở kịch sử Việt "Tình sử Thăng Long" - NSND Hồng Vân nói.
Nghệ sĩ Hoàng Sơn chia sẻ, tác giả Lưu Quang Vũ luôn nói lên tiếng nói của thời đại, tâm tư trong mỗi con người trong cuộc sống không áp đặt theo suy nghĩ riêng của mình.
Bằng sự nhạy bén và hiểu biết sâu sắc về nhân sinh và thời cuộc, với ngòi bút nhẹ nhàng mà tinh tế, ông đã gửi gắm trong mỗi vở kịch một đời sống rất tự nhiên như vốn có, nhưng cũng rất gay cấn và quyết liệt. Vở sử Việt này tạo thêm sức sống của kịch Lưu Quang Vũ.
"Đây là vở kịch sử mà khán giả trẻ sau khi xem có thể nắm rõ câu chuyện quá khứ nhờ kết cấu nội dung bám sát lịch sử, có hư cấu một số chi tiết và nhân vật nhưng không quá đà, vẫn giữ được dòng chảy của lịch sử. Và trong chuỗi sự kiện chính trị rối ren thời đó, rực sáng lên chuyện tình rất đẹp của Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân" - nghệ sĩ Hoàng Sơn - người thể hiện vai Nguyễn Nhạc - kể.
Vở nhạc kịch "Tình sử Thăng Long" có sự tham gia của hơn 70 diễn viên, trong đó có sự kết hợp của dàn diễn viên gạo cội kịch nói lẫn cải lương, như: NSND Hồng Vân (vai mẹ công chúa Ngọc Hân), NSƯT Kim Tử Long (vai anh hùng - vua Nguyễn Huệ), NSƯT Trinh Trinh (vai Đô đốc Bùi Thị Xuân), nghệ sĩ Hoàng Sơn (vai Nguyễn Nhạc), Bình Tinh (vai Mai, thị nữ của công chúa Ngọc Hân), Minh Luân (vai Sâm), Hiếu Hiền (vai Vượn), Đỗ Xuân Nghị (vai Nguyễn Hữu Chỉnh), Khôi Nguyên - con trai của NSND Hồng Vân vai Út Thiện…
Vai công chúa Ngọc Hân thuộc về diễn viên trẻ Hoàng Yến sau đợt tuyển chọn kỹ càng cho vở nhạc kịch.
Chia sẻ thêm về "Tình sử Thăng Long", NSND Hồng Vân cho biết "Từ "phiên bản sinh viên" của "Tình sử Thăng Long" là vở "Ai tư vãn - Uẩn khúc Ngọc Hân", chúng tôi đã hợp tác với thương hiệu Việt phục Hoa Niên với những người trẻ đam mê tìm hiểu và mong muốn đưa cổ phục Việt trở lại trong đời sống.
Lần đồng hành này yêu cầu lại càng cao hơn. Toàn bộ phục trang của "Tình sử Thăng Long" đều được may mới, vừa bám sát lịch sử, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ sân khấu.