Hongkong hướng tới đổi mới Luật Bản quyền
Hongkong (Trung Quốc) đang hướng tới cập nhật Luật Bản quyền để bắt kịp thế giới.
Cuối tháng 11 năm nay, chính quyền Hongkong đã khởi động một cuộc tham vấn cộng đồng kéo dài ba tháng về đề xuất đổi mới Pháp lệnh Bản quyền. Dự thảo văn bản dự kiến sẽ được đệ trình lên Hội đồng Lập pháp mới được bầu vào năm 2022.
Người đứng đầu về Thương mại và Phát triển Kinh tế Hongkong Edward Yau Tang-wah lưu ý: "Điều đáng tiếc nhất là chính sách bản quyền của Hongkong đã đi sau hơn một thập kỷ so với sự phát triển quốc tế. Chúng tôi tin rằng đã đến lúc phải khôi phục hoạt động xem xét bản quyền."
Việc cập nhật chính sách bản quyền sẽ giúp đặc khu này trở thành một trung tâm giao dịch tài sản trí tuệ như người đứng đầu đặc khu đã vạch ra trong bài phát biểu chính sách của bà, Yau nói thêm.
Đề xuất của chính quyền, dựa trên đạo luật bản quyền (đã sửa đổi) 2014, một lần nữa đưa ra các quy định miễn trừ cho ngành giáo dục, thư viện, bảo tàng và các cơ quan lưu trữ sử dụng tài liệu phục vụ học tập.
"Chúng tôi hướng tới sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bản quyền và người dùng, đồng thời phục vụ lợi ích tốt nhất của Hongkong," Yau nói.
"Đạo luật sửa đổi năm 2014 là một điểm khởi đầu hợp lý. Văn bản này được đưa ra sau nhiều vòng cân nhắc nhưng không thể tiếp tục vì sự phản đối của các nhà lập pháp", quan chức này cho hay.
Chính quyền đã buộc phải bãi bỏ dự luật này vào năm 2016 sau sự phản đối gay gắt của các nhà dân chủ trong cơ quan lập pháp Hongkong và những người sử dụng internet. Những đối tượng này không tin tưởng vào mục đích của các sửa đổi và những tác động tiềm ẩn đối với quyền tự do ngôn luận.
Chung Kim-wah, Phó Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Dư luận Hongkong, cho biết nếu dự luật được đề xuất phần lớn giống với phiên bản năm 2014, chính quyền tin tưởng rằng nó sẽ được cơ quan lập pháp thông qua.
Ông Wong nhấn mạnh rằng tòa án sẽ quyết định xem một hành vi vi phạm luật bản quyền có bị coi là một tội hình sự hay không bằng cách xác định mức độ vi phạm, thiệt hại kinh tế mà chủ sở hữu quyền phải gánh chịu và các yếu tố khác.
Để khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến hợp tác với chủ sở hữu bản quyền trong việc bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến, chính quyền sẽ đưa ra các điều khoản bảo vệ an toàn nhằm giới hạn trách nhiệm của các nhà khai thác đối với bất kỳ hành vi vi phạm quyền nào của người dùng được thực hiện trên nền tảng của họ.
Lento Yip Yuk-fai, chủ tịch Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet Hongkong với khoảng 30 thành viên, cho biết ngành công nghiệp này nói chung ủng hộ việc bảo vệ họ khỏi các trách nhiệm pháp lý khi các tranh chấp bản quyền nảy sinh giữa nhà sản xuất nội dung và khán giả trực tuyến.
Ông nói: "Các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã rất hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật và các bên khác nhau trong việc chống vi phạm bản quyền trực tuyến và chúng tôi đã làm điều đó trong nhiều năm. Nhưng có nhiều điều chúng tôi không thể làm. Ví dụ, đã có lúc các nhà cung cấp dịch vụ internet không thể gỡ nội dung đã đăng tải vì những hạn chế về công nghệ".
Kelvin Sin Cheuk-nam, phát ngôn viên của đơn vị phụ trách chính sách phát thanh và công nghệ thông tin của Đảng Dân chủ Hongkong cho biết ông lo ngại rằng các tác phẩm bắt chước như cosplay và giả tưởng của người hâm mộ đã bị loại khỏi danh mục nội dung cần xem xét.
Theo sắc lệnh hiện hành về bản quyền, một người có thể bị bỏ tù đến bốn năm và bị phạt tới 50.000 đô la Hồng Kông (6.415 USD) vì sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu hoặc bán tác phẩm mà không có giấy phép của chủ sở hữu quyền.
Bất kỳ ai sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc sở hữu một món đồ được điều chỉnh hoặc thiết kế đặc biệt để sao chép lại tác phẩm gốc có thể bị bỏ tù đến 8 năm và bị phạt tối đa 500.000 đô la Hồng Kông.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hongkong-huong-toi-doi-moi-luat-ban-quyen-20211210115144312.htm