Họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Sáng 14/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế thông minh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm đang là những mục tiêu và định hướng của thế giới. Việt Nam muốn kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại thì phải đi đúng hướng của thời đại, đánh giá chính xác tình hình và phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, với tinh thần "theo kịp, tiến cùng và vượt lên".

Trong giai đoạn tới đây, chúng ta phải thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tới năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước), đòi hỏi phải có bứt phá, đột phá, nhất là về tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo tăng quy mô GDP, tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và nâng cao vị thế đất nước.

Thủ tướng chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ, muốn thúc đẩy tăng trưởng thì cùng với làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó chuyển đổi số là động lực lớn mà các nước đang tập trung, dịch chuyển, coi đây là một cuộc cách mạng xác lập tiến trình lịch sử và trật tự thế giới mới.

Gợi mở một số định hướng lớn, Thủ tướng nêu rõ, phải nâng cao nhận thức, tư duy đột phá về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các động lực tăng trưởng mới, nhất là trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây; hoàn thiện thể chế, ưu tiên cho các ngành lựa chọn; phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng điện; đào tạo nhân lực.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương triển khai "Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" và "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030".

Thủ tướng lưu ý, chuyển đổi số rất rộng, nhưng cốt lõi là nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trên cơ sở dữ liệu; trí tuệ nhân tạo của Việt Nam phải dựa trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam.

Nhấn mạnh thời cơ hiện nay đang rất thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu sau khi ban hành kết luận phiên họp thì các bộ, ngành cần khẩn trương vào cuộc, tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, biến thành hành động cụ thể, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó để xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.

Báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và một số kết quả nổi bật trong thời gian vừa qua tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt: (i) Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; (ii) Ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và triển khai nhiều giải pháp, hành động cụ thể.

Thủ tướng chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong đó về hoàn thiện cơ chế chính sách, đã nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các cơ sở giáo dục đại học khẩn trương triển khai Chương trình. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ được giao.

Về thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Đặc biệt đối với Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới là NVIDIA, đã cụ thể hóa phương án hợp tác và đạt được nhiều kết quả đột phá. Trong đó, mới đây nhất vào ngày 5/12/2024, Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã được ký kết nhằm hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam.

Thỏa thuận là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam; đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI.

Ngay sau khi ký kết Thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam nhân chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Jensen Huang, NVIDIA đã triển khai ngay các công việc liên quan như tuyển người, kiện toàn bộ máy lãnh đạo và củng cố, thu hút nhân tài trong và ngoài nước về làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Cùng với đó, thời gian vừa qua Việt Nam đã tích cực thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn, như: Đưa hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thành nội hàm then chốt của các khuôn khổ đối tác, hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp với Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc; Khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác từ việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ đầu tư, công nghệ với các đối tác như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh còn có nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để đạt được những thành tựu lớn hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, liên quan đến triển khai cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế trong việc thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực bán dẫn; chưa đồng bộ giữa các miền, địa phương, thiếu sự kết nối, chưa thực sự nhanh chóng và thông suốt cho việc vận chuyển hàng hóa về cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đều rất quan tâm đến khả năng đáp ứng đủ và ổn định hạ tầng điện, nước, hệ thống xử lý nước thải…; tiến độ triển khai một số nội dung hợp tác song phương chưa đáp ứng yêu cầu, các chương trình hợp tác chủ yếu tập trung vào công đoạn đóng gói, kiểm thử, hợp tác trong công đoạn thượng nguồn còn hạn chế…Trên cơ sở các đánh giá đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm và kiến nghị để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội “hiếm có” này để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, do đó cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trọng tâm của châu Á và thế giới trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hop-ban-chi-dao-quoc-gia-ve-phat-trien-nganh-cong-nghiep-ban-dan-158846.html