Họp báo Chính phủ: Nóng chuyện thao túng, lừa đảo chứng khoán…

Báo chí đặt vấn đề trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan liên quan đến vụ làm giá, thao túng, lừa đảo trên thị trường chứng khoán…

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 6-9, nhiều nội dung nóng như tình trạng thao túng cổ phiếu, biến động giá xăng dầu, nạn buôn người sang Campuchia, thu hồi sổ hộ khẩu đã được báo chí đặt ra…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và Trung tướng Tô Ân Xô trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều tối 6-9. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và Trung tướng Tô Ân Xô trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều tối 6-9. Ảnh: VGP

Chưa biết ngày cổ phiếu ROS, FLC được giao dịch lại

Tại cuộc họp báo, PV Pháp Luật TP.HCM đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan liên quan vì để xảy ra vụ việc làm giá chứng khoán, thao túng, lừa đảo trên thị trường chứng khoán trong vụ án liên quan đến Công ty FLC.

Về trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan nhà nước liên quan vụ FLC, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay chưa thể trả lời ngay được vì vụ án đang được cơ quan công an điều tra. “Trước khi vào họp báo, chúng tôi đã xin ý kiến đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, những công việc đang trong quá trình điều tra vụ án, xin phép để cơ quan công an tiến hành điều tra. Khi có kết luận điều tra sẽ công bố công khai, khi đó sẽ làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan, kể cả tập thể, cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước” - ông Chi nói.

Về giải pháp hạn chế hiện tượng lừa đảo, làm giá, thao túng thị trường chứng khoán, ông Chi cho biết ngày 5-9, bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị 02 chỉ đạo một loạt giải pháp để ngăn ngừa tình trạng tương tự trên thị trường chứng khoán. Các giải pháp này gồm hoàn thiện khung khổ pháp lý, giám sát, kiểm tra hoạt động đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn của doanh nghiệp (DN), giám sát các giao dịch chứng khoán...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, khi có kết luận điều tra sẽ công bố công khai, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến vụ làm giá, lừa đảo chứng khoán…

Về điều kiện để ROS, FLC được giao dịch trở lại, thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay chỉ khi những vi phạm dẫn đến các cổ phiếu không đủ điều kiện để niêm yết và giao dịch, bị hủy giao dịch, hạn chế giao dịch, phong tỏa được DN khắc phục và có nguyện vọng thì sẽ được xem xét niêm yết, giao dịch trở lại theo quy định của pháp luật. “Cụ thể, ở đây FLC có báo cáo kiểm toán năm 2021, sáu tháng năm 2022 theo quy định; tổ chức đại hội cổ đông theo quy định. Cổ phiếu ROS vì không có báo cáo kiểm toán, không tổ chức đại hội cổ đông nên bị hủy giao dịch. Khi nào DN này khắc phục được những vi phạm này và có nguyện vọng đăng ký lại thì chúng tôi sẽ chấp nhận” - ông Chi nói.

Bước đầu ngăn lừa bán người sang Campuchia… “tương đối tốt”

Dầu cao hơn xăng vì xung đột Nga - Ukraine

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về hiện tượng lần đầu tiên trong nước giá dầu cao hơn giá xăng.

Ông Hải cho biết nguyên nhân do thị trường thế giới có biến động. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, do xung đột Nga - Ukraine, nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm nên nhu cầu đối với dầu diesel và dầu hỏa tăng để thay thế khí đốt.

Từ đó dẫn đến giá các sản phẩm dầu tăng khá cao, tương đương hoặc cao hơn giá xăng. Những tháng gần đây, để chuẩn bị cho mùa đông, giá dầu đã tăng khá mạnh, cao hơn nhiều so với giá xăng.

“Hiện bình quân giá xăng ở mức khoảng 105 USD/thùng, trong khi giá dầu đang ở mức 143 USD/thùng” - ông Hải thông tin.

Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi về công tác bảo hộ công dân Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia.

Trả lời, trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho hay đến nay Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương, đặc biệt là các địa phương giáp biên và các cơ quan chức năng của Campuchia để xác minh các thông tin, triển khai biện pháp bảo hộ công dân.

Các cơ quan đại diện đã lập các nhóm công tác chuyên trách xử lý yêu cầu hỗ trợ công dân, cảnh báo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, thiết lập đường dây nóng để sẵn sàng tiếp nhận thông tin hỗ trợ.

Theo ông Vũ, hiện chưa có số liệu chính xác bao nhiêu công dân bị lừa đảo sang Campuchia. Tuy nhiên, cho đến nay các cơ quan đại diện đã phối hợp, cứu thoát đưa về Việt Nam an toàn khoảng 600 công dân và hỗ trợ cho nhiều người khác. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan để làm tốt công tác bảo hộ công dân.

Về công tác điều tra các đường dây buôn người, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết sau khi xảy ra vụ việc, bộ này đã chỉ đạo các cục nghiệp vụ như Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát quản lý về trật tự xã hội, an ninh mạng và công an các địa phương phối hợp với biên phòng, phía Campuchia để điều tra, xác minh các đường dây buôn người sang Campuchia.

“Việc này đã bước đầu ngăn chặn việc buôn người sang Campuchia và kết quả ban đầu “tương đối tốt”” - ông Xô nói.•

Thu hồi sổ hộ khẩu, giao dịch của người dân có bị ảnh hưởng?

Tại cuộc họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin thêm về việc thu hồi sổ hộ khẩu ở Hà Nội. Theo đó, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp...

Những sổ hộ khẩu đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về nơi cư trú theo quy định của Luật Cư trú cho đến hết ngày 31-12.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã khẳng định Bộ Công an không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu hàng loạt, chỉ thu hồi sổ hộ khẩu khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu đã cấp.

Ngày 22-8-2022, Cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội đã có công văn gửi văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, văn phòng UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị phối hợp, cùng thực hiện một số nội dung để triển khai thi hành Luật Cư trú, trong đó hướng dẫn cụ thể về phương thức sử dụng thông tin công dân, thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, trong đó có các giao dịch đất đai.

Người dân có thể sử dụng CCCD gắn chip và giấy tờ hợp pháp chứng minh thông tin cá nhân nơi thường trú hoặc sử dụng giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú, sử dụng thông báo số định danh cá nhân, thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

TRỌNG PHÚ - THU NGUYỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/hop-bao-chinh-phu-nong-chuyen-thao-tung-lua-dao-chung-khoan-post697333.html