Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương: Giải đáp các vấn đề 'nóng'
Tiến độ Quy hoạch điện VIII, kế hoạch cung cấp điện năm 2022, các giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản… là những vấn đề được Bộ Công Thương tập trung giải đáp, thông tin tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 12/1/2022 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì.
Dự kiến trình Quy hoạch Điện VIII trong Quý I/2022
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến độ Quy hoạch Điện VIII, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đã được Bộ Công Thương hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021 và Tờ trình số 6277/TTr-BCT ngày 08/10/2021.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết trong việc đưa phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050 và quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... đã được định hướng trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Vì thế Bộ Công Thương đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch điện VIII xoay quanh việc xây dựng chương trình phát triển điện lực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 theo hướng bền vững, dành nhiều không gian cho phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch và thân thiện với môi trường với chi phí sản xuất điện hợp lý, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện, đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về giảm thiểu tối đa phát thải các loại khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện cam kết COP26, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 308/TB-VPCP ngày 9/1/2021 và Thông báo số 314/TB-VPCP ngày 20/11/2021 để phục vụ Hội nghị lấy ý kiến các địa phương trên toàn quốc trước khi hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến vào quý I/2022.
Về một số đề nghị của các địa phương bổ sung các dự án điện tái tạo vào Quy hoạch Điện VIII, ông Hùng cho biết: Bộ Công Thương đã nhận được rất nhiều đề nghị từ các địa phương về việc bổ sung các dự án nguồn điện vào Quy hoạch Điện VIII, nhất là những địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã phát triển số lượng rất lớn điện mặt trời cũng như điện gió, và năng lượng tái tạo chỉ sử dụng với một tỉ lệ phù hợp, vì vậy cần cân đối, tính toán rất kỹ lưỡng giữa cơ cấu các nguồn điện một cách phù hợp, hợp lý nhất, để đảm bảo kết nối cung cầu và đáp ứng được nhu cầu phụ tải, đặc biệt là phát huy được các dạng năng lượng sạch. Do đó không thể đáp ứng được hết đề nghị của các địa phương mà trong Quy hoạch Điện VIII sẽ tính toán đưa vào phân bố theo từng vùng, từng khu vực phù hợp với nhu cầu của các địa phương.
Liên quan đến công tác kiểm tra các dự án điện mặt trời, ông Hùng thông tin: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện rà soát tổng thể triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất và trên mái nhà. Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra, đã thực hiện và hoàn thành việc kiểm tra phát triển điện mặt trời (Đợt 1) tại 10 tỉnh, thành phố có công suất lắp đặt lớn.
Theo kế hoạch kiểm tra Đợt 2 đã được phê duyệt, Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra việc phát triển điện mặt trời tại 10 địa phương nữa. Tuy nhiên thời gian qua do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên phải tạm dừng. Hiện nay, Đoàn kiểm tra đã hoàn thành Dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra các dự án điện mặt trời trình lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét để báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Sản lượng điện toàn hệ thống năm 2022 tăng khoảng 7,88%
Về tình hình cung cấp điện năm 2022, ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31/12/2021 về phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022. Theo Quyết định này, dự kiến sản lượng điện sản xuất và mua của toàn hệ thống điện năm 2022 khoảng 275,5 tỷ kWh, tăng khoảng 7,88% so với năm 2021.
Theo ông Quang, dự kiến việc cung ứng điện năm 2022 về cơ bản được đảm bảo, không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có hiện tượng bất thường xảy ra như thời tiết cực đoan, hiện tượng quá tải cục bộ của lưới điện trung hạ thế.
Tại Quyết định 3063 của Bộ Công Thương, Bộ đã chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng điện được an toàn, ổn định cho cả năm.
Cụ thể, EVN và các đơn vị điện lực thường xuyên theo dõi tăng trưởng phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống thị trường, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy cho hệ thống điện; chuẩn bị sẵn các phương án cung cấp điện an toàn, ổn định cho các sự kiện chính trị, văn hóa lớn trong các dịp lễ, Tết năm 2022 và các đợt nghỉ dài ngày.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với Bộ NN&PTNT điều tiết nước các hồ thủy điện phục vụ phát điện và nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt ở hạ du, cũng như chỉ đạo các đơn vị điện lực có kế hoạch đảm bảo nguồn nhiên liệu sơ cấp, thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị để khắc phục các khiếm khuyết của nhà máy điện và lưới điện.
Về năng lượng tái tạo, theo ông Quang, tại Quyết định 3063 của Bộ Công Thương, dự kiến trong năm 2022 nguồn năng lượng tái tạo cung cấp khoảng 35,6 tỷ kWh, chiếm khoảng 13% tổng nhu cầu điện của hệ thống. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị liên quan tiếp tục có các giải pháp để khai thác hiệu quả các nguồn điện, bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo.
Cần những giải pháp căn cơ trong tiêu thụ nông sản
Về vấn đề ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian qua, theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là do phía Trung Quốc quan ngại về tình hình dịch bệnh nên một số thời điểm Trung Quốc tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu; đối với một số cửa khẩu vẫn được giao nhận hàng hóa thì quy trình giao nhận được thực hiện rất chặt chẽ để bảo đảm kiểm soát dịch bệnh.
Về nguyên nhân chủ quan, theo bà Trang là xuất phát từ các điểm yếu cố hữu trong sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian qua. Đó là sản xuất chưa bám sát tín hiệu và nhu cầu của thị trường nhập khẩu, chất lượng hoặc bao gói chưa được quan tâm đúng mức để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng còn chậm… Điều này dẫn đến việc không phải sản phẩm nào cũng có thể xuất khẩu chính ngạch mà có những sản phẩm vẫn sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, khẩn trương của Chính phủ, các Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương, các địa phương biên giới đã có các biện pháp tháo gỡ, khuyến cáo doanh nghiệp điều tiết tiến độ đưa hàng lên biên giới, thực hiện các biện pháp phòng dịch đối với phương tiện và hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu...
Về đối ngoại, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đã trao đổi với phía bạn để có giải pháp kịp thời trước mắt tháo gỡ khó khăn như thống nhất quy trình giao nhận hay kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu. Nhờ đó, đến nay tình hình đã có những tiến triển tích cực, nhiều cửa khẩu đã thông quan trở lại.
Theo bà Trang, tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc trong giai đoạn cận Tết đã xảy ra trong nhiều năm gần đây trong đó có nguyên nhân đến từ nội tại sản xuất, xuất khẩu nông sản.
Do đó, về các giải pháp căn cơ cần triển khai thì trước hết cần quan tâm đến chất lượng nông sản xuất khẩu, nâng tầm nông sản Việt xuất khẩu để để đa dạng hóa thị trường; xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và thâm nhập các thị trường đã ký kết các FTA nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ các thị trường này.
Các địa phương sản xuất cần quan tâm đến kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ, đặc biệt là với người mua, khách hàng tại Trung Quốc. Các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương đã làm rất tốt việc kết nối giao thương ngay từ đầu vụ nên vài năm gần đây, không có tình trạng tắc nghẽn tiêu thụ vải thiều ở các địa phương này.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp tích cực với Bộ NN&PTNT là đơn vị đàm phán về chất lượng nông sản và kiểm dịch để ta có nhiều loại quả hơn xuất khẩu sang Trung Quốc và rút ngắn tỷ lệ trái cây phải kiểm dịch.
Cũng liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản, theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, hơn 12 năm qua, với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp hàng hóa Việt Nam, trong đó có hàng nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm vào được các kênh phân phối khó tính nhất tại thị trường trong nước. Thị trường trong nước đã tổ chức được những hoạt động tiêu thụ hàng hóa ngay cả trong những tình huống khó khăn như bão lụt, nông sản từ cửa khẩu quay trở lại thị trường trong nước hay những thời điểm bị dịch bệnh Covid-19.
Đối với vấn đề làm thế nào để thị trường trong nước giảm áp lực cho việc nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu và quay trở lại thị trường trong nước do kiểm soát dịch bệnh, bà Nga cho biết: Trong năm 2021, thực hiện 2 Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương đã triển khai nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về xúc tiến thương mại tập trung tiêu thụ hàng hóa nông sản và hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước.
“Hơn 300.000 tấn vải thiều, hơn 100.000 tấn nhãn, hơn 4 triệu tấn gạo và 4 triệu tấn nông sản rau củ quả cùng với hàng trăm triệu quả trứng đã được tiêu thụ hết từ tháng 8/2021 đến 31/12/2021. Mạng lưới tiêu thụ và hỗ trợ chung tay tiêu thụ hàng nông sản của thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu hoặc lưu thông giữa các vùng miền gặp khó khăn”, bà Nga chia sẻ.
Theo bà Nga, hiện nay toàn bộ các hệ thống phân phối hiện đại nhất đều đã triển khai đồng loạt chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa Tết Nhâm Dần năm 2022 lồng ghép vào chương trình bình ổn thị trường, chương trình kích cầu tiêu thụ hàng hóa Tết và đặc biệt là có mức giảm giá để hỗ trợ cho người dân đã bị giảm thu nhập trong suốt 2 năm bị dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa.
Chia sẻ tín hiệu vui mừng trong tiêu thụ nông sản của Hà Giang và Hưng Yên, bà Nga nhận định: “Bất kể địa phương nào mà lãnh đạo địa phương quan tâm đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã tìm kiếm thị trường một cách bền vững thì đều rất thành công trong việc tiêu thụ các hàng hóa bảo đảm chất lượng của mình và bắt kịp tín hiệu của thị trường. Chúng ta cần tiêu thụ nông sản theo cách văn minh và bài bản, khoa học, bắt kịp với xu hướng của thế giới”.
Trong năm 2021, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ và đã được Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 9/2/2021. Trong đó nêu rõ các quan điểm và các mục tiêu, giải pháp để thời gian tới đây có thể có một bước ngoặt thay đổi cách thức tiêu thụ nông sản.